Đưa nông sản vùng ĐBSCL lên nền tảng số

Bình luận · 211 Lượt xem

Hơn 100 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp ở khu vực ĐBSCL được hỗ trợ đưa nông sản lên nền tảng số, đẩy mạnh việc tiêu thụ trong thời gian ngắn.

 

Tại hội thảo, lãnh đạo HTX nhãn Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ cho biết, HTX đang phát triển mô hình trồng nhãn quy mô lớn của thành phố, với sản lượng hàng năm trung bình từ 350 – 400 tấn. Sản phẩm của HTX được sản xuất theo quy trình VietGAP thế nhưng đầu ra lại gặp nhiều khó khăn.

 

“Bán hàng trên nền tảng số thì sản phẩm của HTX sẽ có điều kiện tiếp cận nhiều khách hàng và đầu ra mạnh hơn. Hiện nay, HTX chủ yếu bán hàng thông qua thương lái nên đầu ra không ổn định”, ông Phạm Văn Lơ, Giám đốc HTX đến với buổi tập huấn với mong muốn có thêm một số kiến thức và thử sức tiếp cận nền tảng số của Grab Việt Nam.

 

Anh Nguyễn Sơn Hà, Giám đốc HTX Long Tuyền ở quận Bình Thủy, TP Cần Thơ cũng thông tin, đơn vị đang chuẩn bị ký kết hợp tác với doanh nghiệp cung cấp nền tảng số để cung ứng các sản phẩm nông sản rau củ quả, trái cây các loại. Chia sẻ về hành trình tiếp cận nền tảng số để kinh doanh, anh Hà đánh giá rất hữu ích khi sản phẩm được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng chỉ trong thời gian ngắn. Vì vậy, nông sản có thể giữ được độ tươi ngon, chất lượng.

 

“Hiện tại chúng tôi cung cấp nông sản chủ yếu cho các siêu thị, trường học, tuy nhiên lại chưa có một kênh phân phối trực tiếp nông sản đến tay người tiêu dùng. Thông qua nền tảng số, các doanh nghiệp cung cấp nền tảng đã có hệ thống logistic đủ lớn để giao hàng, HTX đỡ được chi phí vận chuyển rất lớn. Nhiều đơn hàng nhỏ nhưng gom chung lại thành số lượng lớn, giá trị đôi khi sẽ tăng cao hơn”, anh Hà cho biết.

 

Theo thông tin từ Liên minh HTX Việt Nam, hiện cả nước có hơn 25.000 HTX, trong đó có trên 17.000 HTX nông nghiệp. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu và phù hợp trong bối cảnh cả nước đang hướng tới nền kinh tế nông nghiệp và tất nhiên HTX và bà con nông dân là trọng tâm không thể đứng ngoài cuộc.

 

Ông Trần Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho rằng: “Để thúc đẩy thị trường trong nước, việc cần làm là xác định trạng thái mùa vụ và điểm rơi của thị trường. Qua đó, tạo cơ sở cho ngành nông nghiệp rà soát thật kỹ các sản lượng, khối lượng từng mùa vụ, từng sản phẩm và từng khu vực địa lý khác nhau cũng như vùng canh tác trọng điểm.

 

Theo ông Toản, hiện nay ngành nông nghiệp đang thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ theo chỉ đạo của Chính phủ và nông dân đóng vai trò trọng tâm trong bất kỳ sự chuyển đổi nào. Ông đánh giá, việc chuyển đổi số, cụ thể là thông qua các nền tảng số để nông dân tiếp cận thị trường, là phương pháp hiệu quả để nông dân làm chủ không gian thị trường cũng như làm chủ được công nghệ. Đồng thời người tiêu dùng cũng có thêm nhiều sự lựa chọn trong việc tiêu dùng các sản phẩm nông sản.

 

“Tất cả mọi người cùng chuyển động và trong đó người nông dân ở vị trí đầu tiên, vị trí trọng tâm và đó là vị trí mà chúng ta cần quan tâm nhất”, ông Toản nhấn mạnh. Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản xác định, ĐBSCL là một địa bàn trọng điểm, nên việc phối hợp với các cơ quan liên quan để tập huấn kỹ năng cần thiết khi đưa hàng hóa lên các ứng dụng nền tảng số, cầm tay chỉ việc cho các HTX, bà con nông dân, để mọi người hiểu và thành thục các kỹ năng là rất cần thiết.

 

“Không thể nói thực hiện xuất khẩu qua nền tảng số có ý nghĩa giới hạn, phải nói đến một không gian vô cùng lớn để cho tất cả các doanh nghiệp cùng có cơ hội miễn là chúng ta đảm bảo các tiêu chuẩn. Chúng ta phải có một kỹ năng thuần thục và đặc biệt là một hệ thống cơ sở dữ liệu về mặt thị trường đối với từng doanh nghiệp”, ông Toản khẳng định.

 

Bà Lê Thị Thanh Hồng, Giám đốc phát triển và chiến lược Grabmart (Grab Việt Nam) cho biết: “Nền tảng số là không giản để nông dân kết nối với người dùng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Nông dân hiện nay chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức về thị trường để phát triển trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, những buổi tập huấn thế này là cơ hội để nông dân đến gần hơn với nền tảng số, nâng cao giá trị nông sản”.

 

Cùng với các đơn vị liên quan, Grab Việt Nam đã đề ra nhiều chương trình truyền thông để thúc đẩy những dự án những sản phẩm của nông dân đến với người dùng một cách tốt hơn. Điển hình như Lễ hội trái cây mùa hè 2022, chương trình giới thiệu sản phẩm đặc sản vùng miền (sầu riêng Ri6, xoài cát Hòa Lộc, vải thiều Lục Ngạn, bơ Đăk Lăk...). Các chương trình đóng góp tích cực vào chuỗi cung ứng nông sản cho người tiêu dùng, hỗ trợ các HTX và ngành nông nghiệp chuyển đổi số và giúp các bên hưởng lợi từ nền kinh tế số.

 

Đây là hoạt động thuộc khuôn khổ biên bản ghi nhớ về việc hợp tác thực hiện chương trình hợp tác hỗ trợ chuyển đổi số, kết nối tiêu thụ nông sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam, được ký kết bởi Cục Phát triển Doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) và Grab Việt Nam vào tháng 6/2021.

Bình luận