Cần chiến lược mới cho cà phê robusta

Bình luận · 233 Lượt xem

Cà phê robusta đang dần chiếm lĩnh thị trường và Việt Nam cần có chiến lược nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh.

Cơ hội lớn cho cà phê Việt Nam

Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho rằng, tín hiệu robusta thay thế arabica đã xuất hiện cách đây 10 năm khi biến đổi khí hậu bắt đầu nổi lên. Các chuyên gia dự báo trong tương lai, diện tích cà phê arabica sẽ giảm xuống. Trong khi đó, cà phê robusta ưa khí hậu nóng hơn nên sẽ dần thay thế, chiếm lĩnh thị trường.

Theo dự báo, cà phê robusta sẽ dần thay thế cà phê arabica trên thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Theo dự báo, cà phê robusta sẽ dần thay thế cà phê arabica trên thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Bài liên quan

Theo ông Minh, sản lượng robusta trong những năm gần đây thiếu hụt và suy thoái kinh tế toàn cầu nên người tiêu dùng dần thay thế những loại cà phê đắt tiền sang sử dụng loại rẻ hơn. Cho đến nay số liệu vừa được cơ quan chức năng công bố thì sản lượng robusta chiếm 41%, còn arabica 59%. Trong khi nhiều năm trước đây, robusta luôn chiếm dưới 40% sản lượng cà phê của thế giới.

“Câu chuyện lâu dài ở đây là biến đổi khí hậu và người tiêu dùng tăng sử dụng robusta. Nếu việc này kéo dài sẽ là xu hướng rất tốt và dần dịch chuyển gu của người tiêu dùng trên thế giới. Trước đây người ta quen dùng arabica nhưng nay dần chuyển sang robusta.

Lâu nay trên thế giới, người tiêu dùng chỉ sử dụng arabica vì robusta luôn mặc định chỉ được sử dụng làm cà phê hòa tan. Đặc biệt, cà phê robusta mặc định là sản phẩm thấp kém. Do đó, việc người tiêu dùng chuyển dần từ arabica sang robusta rất quan trọng vì trước đây đã nói mà không thay đổi được nhưng giờ là cơ hội”, ông Minh thông tin.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, lâu nay cà phê robusta chưa được công nhận một phần do xử lý chưa đúng, tuyên truyền cũng chưa được chú trọng.

Hiện nay, người dân, doanh nghiệp sản xuất cà phê đang dần chú trọng việc nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện nay, người dân, doanh nghiệp sản xuất cà phê đang dần chú trọng việc nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Bài liên quan

“Hiện nay, chúng ta đang đứng trong thời cơ đưa robusta lên tầm cao mới. Do đó chúng ta phải nắm bắt thời cơ này để nâng cao chất lượng. Lâu nay, sản lượng của chúng ta là quá tốt, minh chứng là từ những năm 2000 Việt Nam xuất khẩu robusta đứng đầu thế giới. Tuy nhiên robusta xuất khẩu nhiều nhưng giá trị thu lại thấp. Nhiều năm liền xuất khẩu chỉ quanh mức 3 tỷ USD, năm nay với việc tăng giá chung thì sẽ đạt 4 tỷ USD.

Trong khi đó ngành cà phê đặt ra mục tiêu xuất khẩu 6 tỷ USD. Để làm được việc này thì cần tăng cường chế biến sâu và nâng cao chất lượng cho cà phê nguyên liệu”, ông Minh nói.

Hiện nay, Hiệp hội đang nâng cao chất lượng theo hướng cà phê chất lượng cao, đỉnh cao của việc này là cà phê đặc sản. Việc sản xuất cà phê đặc sản sẽ mang tính dẫn dắt cho việc nâng cao chất lượng.

Theo ông Minh, việc nâng cao chất lượng thực ra không có gì lớn, nhưng tại nhiều năm qua chúng ta không quan tâm nên chưa triển khai. Muốn nâng cao chất lượng thì từ những vùng trồng có sẵn dần dần tái canh giống phù hợp. Cùng lúc thay đổi về giống thì trước mắt nâng cao chất lượng bằng con đường thu hoạch và chế biến là nhanh nhất.

“Chờ giống thì mất thời gian lâu. Tuy nhiên nếu giống tốt mà chúng ta thu hoạch, chế biến sơ sài thì chất lượng vẫn như cũ. Lâu nay chúng ta nói mãi câu chuyện hái cà phê xanh, sân phơi không đảm bảo… những vẫn không thay đổi được. Nay chúng ta đánh ngay vào điểm yếu này”, ông Minh nói.

Chất lượng chúng ta thấp không phải vì giống kém, canh tác yếu mà lâu nay do thu hoạch và chế biến sau thu hoạch quá kém. Để nâng cao chất lượng nhanh nhất cần chúng ta cải thiện trong khâu thu hoạch và chế biến sâu.

Hiện nay, nông dân sản xuất cà phê ở Đắk Lắk thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp như 4C, UTZ... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Minh Quý.

Hiện nay, nông dân sản xuất cà phê ở Đắk Lắk thực hành sản xuất theo các tiêu chuẩn nông nghiệp như 4C, UTZ... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm. Ảnh: Minh Quý.

“Chúng ta coi cà phê là một cây ăn trái, chất lượng muốn ngon thì chúng ta phải hái chín. Chế biến đúng quy trình theo 3 phương pháp kinh điển lâu nay gồm chế biến khô, ướt và chế biến nửa ướt. Chế biến xong thì khâu bảo quản cũng phải tốt, bảo quản thông thoáng, giữ nhiệt độ thấp. nếu làm được những việc này thì chất lượng cà phê robuta sẽ được nâng lên”, Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ.

Tuy nhiên, để làm được việc này, ông Minh cho rằng cần vào cuộc của cơ quan chức năng. “Lâu nay cơ quan chức năng có bao nhiêu văn bản hành chính nói về vấn đề này nhưng không làm được vì chưa có cơ chế khuyến khích và chế tài.

Khuyến khích ở đây là người ta hái chín, chất lượng tốt anh phải mua giá cao. Cho đến nay tất cả các tập đoàn cà phê ở đây hay chính những công ty trong nước hô hào sản xuất cà phê theo các chứng nhận nhưng giá mua vẫn thấp, chưa tương xứng.

Nếu như việc khuyến khích người dân hái chín và thu mua giá cao thì dần dần sẽ thành tập quán. Từ đó thay đổi nhận thức, trách nhiệm của người nông dân trong sản xuất. Có như vậy thì chất lượng cà phê của chúng ta mới nâng cao lên được”, ông Minh nói thêm.

Nâng cao chất lượng là bắt buộc

Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, nâng cao chất lượng cà phê robusta là bắt buộc phải thực hiện.

Theo dự báo, đến 2050 một nửa diện tích arabica sẽ không còn thích hợp do biến đổi khí hậu. Do đó, rubusta chất lượng cao sẽ dần thay thế arabica.

Do đó, để nâng cao chất lượng cà phê cần có sự tham gia của rất nhiều bên. Đầu tiên là nói về giống trong vòng vài năm trở lại đây khi phong trào cà phê đặc sản phát triển, Viện đã tập trung nghiên cứu các giống chất lượng cao. Hiện chúng ta có một số giống chất lượng cao như TR11, TR14 hay xanh lùn. Đối với những giống này chúng ta canh tác đầy đủ thì tiềm năng chất lượng rất cao”, ông Hà phân tích.

Những cuộc thi cà phê cũng thường xuyên được các doanh nghiệp tổ chức nhằm đánh giá năng lực sản xuất, chế biến của các đơn vị. Ảnh: Minh Quý.

Những cuộc thi cà phê cũng thường xuyên được các doanh nghiệp tổ chức nhằm đánh giá năng lực sản xuất, chế biến của các đơn vị. Ảnh: Minh Quý.

Theo ông Hà, Viện cũng đang tiếp tục nghiên cứu, lai tạo những giống cà phê chất lượng cao. Trong giai đoạn tới sẽ có những giống chất lượng cao hơn phục vụ cho việc canh tác cà phê.

Tuy nhiên, ông Hà cho rằng ngoài giống thì canh tác cũng góp phần việc nâng cao chất lượng cà phê.

“Chế độ tưới nước, và ở những vườn che bóng thì chất lượng cà phê sẽ ngon hơn vườn không che. Đặc biệt hiện nay công tác thu hoạch và chế biến là cực kỳ quan trọng. Lâu nay nông dân chủ yếu thu hoạch xanh là nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu muốn nâng cao chất lượng cà phê thì cần khuyến cáo người dân thu hoạch chín 100%”, ông Hà nói.

Theo ông Hà, bản thân giống cà phê Việt Nam đã có tiềm năng chất lượng. So với Brazil thì nguồn gốc giống của Việt Nam tốt hơn nhiều. Giống Việt Nam xuất phát từ robusta còn Brazil là conilon. Do đó, nông dân chỉ cần hái chín thì chất lượng đã cao hơn Brazil.

Mô hình sản xuất, tuyển chọn cây giống cà phê chất lượng cao ở Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Mô hình sản xuất, tuyển chọn cây giống cà phê chất lượng cao ở Lâm Đồng. Ảnh: Minh Hậu.

“Diện tích cà phê nhiều nên cần có chiến lược để nâng cao chất lượng. Trước tiên là ý thức của người dân là phải hái chín. Những năm qua Việt Nam đưa những phương pháp chế biến hiện đại hơn đã giúp nâng cao hơn chất lượng cà phê. Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều sản phẩm cà phê đặc sản thế giới”, ông Hà nói.

Để nâng cao chất lượng cà phê thì cơ quan chức năng cần xác định lại những khu vực cho cà phê chất lượng cao để đưa ra quy trình canh tác phù hợp.

Hiện tại chính phủ phê duyệt chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến 2030. Nếu giai đoạn 2 hoàn thiện về đánh giá giống, điều kiện sinh thái trên các vùng thì sẽ nâng cao chất lượng cà phê được tốt hơn.

“Thay đổi tổng thể từ khâu giống đến chế biến, tùy những điều kiện sinh thái khác nhau để điều chỉnh cho phù hợp. Để làm được việc này thì cần kết nối được chuỗi giá trị.

Hiện nay chúng ta chưa có chính sách giá tương đương với chất lượng cà phê. Đây là vấn đề quan trọng. Một số doanh nghiệp cam kết thu mua sản phẩm chất lượng cao hơn thị trường. Việc này cần nhân rộng ra cho tất cả diện tích cà phê. Khi giá cao thì người dân bắt buộc phải thực hiện theo tiêu chuẩn của nhà thu mua. Lúc này, chất lượng cà phê của chúng ta sẽ được nâng lên”, ông Hà khẳng định.

Bình luận