GS Võ Tòng Xuân cho rằng có vị lãnh đạo hay "phán trồng cây này, nuôi con kia nhưng không nói ai sẽ mua những thứ đó khiến người nông dân rất ngán".
Tại hội thảo "Nâng tầm nông - thủy sản Việt" do báo Người Lao Động tổ chức tại TP Cần Thơ chiều 27-4, câu chuyện "được mùa mất giá, được giá mất mùa" tiếp tục là vấn đề "nóng" được bàn thảo.
Ông Nguyễn Văn Hồng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết "được mùa mất giá, được giá mất mùa" là vấn đề muôn thuở ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và TP Cần Thơ "cũng không ngoại lệ".
Vấn đề này đã ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân và cả doanh nghiệp, vì vậy thời gian qua TP đã đẩy mạnh nhiều giải pháp hỗ trợ nông nghiệp, đặc biệt là liên kết tiêu thụ sản phẩm nông - thủy sản.
Tuy nhiên, ông Hồng nói cái khó hiện nay là do quy mô còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm không đồng đều nên những doanh nghiệp, nhà cung cấp hay đối tác cần cung cấp số lượng lớn, thường xuyên thì sản phẩm không đủ, ảnh hưởng tới khâu tiêu thụ.
Thêm vào đó, nông dân hiện nay cứ thấy loại cây trái, thủy - hải sản nào có giá là trồng, nuôi một cách tự phát mà không bám theo quy hoạch, không theo nhu cầu thị trường (sản xuất cái thị trường cần) nên dẫn đến dư thừa, phải "giải cứu".
GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam - cũng nhìn nhận câu chuyện được mùa mất giá, "giải cứu" nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm nay.
Ông Xuân cho rằng tại nhiều diễn đàn, lãnh đạo các tỉnh hay "phán trồng cây này, nuôi con kia nhưng không nói ai sẽ mua nên bà con rất ngán".
"Người nông dân của mình gắn kết với doanh nghiệp rất lỏng lẻo. Có những gắn kết trong ngành sản xuất đường rất chặt giữa người nông dân trồng mía với nhà máy sản xuất đường, nhưng những ngành khác khó kiếm được liên kết doanh nghiệp và người nông dân như vậy", ông Xuân nói.
Nói về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nêu kinh nghiệm "muốn được tất cả thì không được gì cả", vì vậy theo ông, được cái nào thì tính cái đó trước.
Ông Hoan cho rằng cái quan trọng nhất hiện nay là hợp tác xã, vì không có hợp tác xã thì không liên kết được với doanh nghiệp.
"Cái này là cái khó nhất, nếu không làm được thì mãi manh mún, nhỏ lẻ, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh kém. Từ cái khó đầu tiên phải giải quyết, sau đó vấn đề khác phải giải quyết tiếp", ông Hoan gợi ý giải pháp.