Người phụ nữ Nhật 26 năm gieo tình yêu nông nghiệp hữu cơ

Bình luận · 237 Lượt xem

Hơn 26 năm gắn bó với Việt Nam, Mayu Ino bền bỉ gieo tình yêu làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ cho nông dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước.

 

Nơi nông dân ai cũng rành về nông nghiệp hữu cơ

Thời cơ cho nông nghiệp hữu cơ

Lễ phát động hưởng ứng Ngày Hữu cơ Việt Nam 19/9

Lan tỏa quy trình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn

Biết Mayu Ino (Trưởng đại diện Tổ chức Seed to Table Nhật Bản) từ lâu, nhưng chỉ đến khi được ngồi “tám chuyện” cùng chị hàng giờ tôi mới càng hiểu được tại sao nông dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân Bến Tre, Đồng Tháp lại yêu quý chị đến thế. Ở chị tỏa ra một nguồn năng lượng tích cực, thân thiện, gần gũi, đặc biệt là tình yêu với nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.

 

Nhìn dòng người nối đuôi nhau vào chọn từng bó rau, từng trái bí… đạt chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ PGS (Participatory Guarantee System) được sản xuất bởi nông dân Đồng Tháp, Bến Tre ở Phiên chợ Xanh - Tử tế (tổ chức tại 135A Pasteur, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TP.HCM), Mayu tự hào nói: “Nông dân Đồng Tháp, Bến Tre dễ thương lắm. Họ đã ý thức được việc tạo ra những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng, cho gia đình và chính bản thân họ. Họ kiên trì theo đến cùng cách làm nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn PGS”.

 

Dự án nông nghiệp hữu cơ đầu tiên của Mayu Ino bắt đầu được triển khai ở tỉnh Hòa Bình từ năm 2003 - 2009. Đến năm 2011, chị hợp tác với tỉnh Bến Tre xây dựng dự án “Cải thiện sinh kế cho hộ nghèo”, sau đó, xây dựng "ngân hàng vịt/bò" (cho mượn con giống) để giúp hộ nghèo, hộ khó khăn vươn lên.

 

“Mình tiếp tục mở rộng thêm nông nghiệp hữu cơ PGS. Bọn mình “cho họ cần câu, chứ không cho con cá”, nghĩa là sẽ giới thiệu các kỹ thuật trồng rau theo phương pháp hữu cơ, bền vững, thân thiện với môi trường từ đầu đến cuối”, Mayu cười nói và cho biết thêm, khi các mô hình tại Bến Tre cho hiệu quả tốt, tỉnh Đồng Tháp muốn hợp tác để nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ PGS.

 

Tổ chức của Mayu Ino đã phối hợp cùng Sở NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và Nước sạch nông thôn tỉnh Đồng Tháp, Bến Tre để hướng dẫn bà con nông dân thực hành nông nghiệp hữu cơ PGS. 

 

Đến nay, nhiều mô hình của nông dân Bến Tre, Đồng Tháp cũng đã được chứng nhận nông nghiệp hữu cơ PGS sau thời gian dài kiên trì thực hiện phương thức canh tác mà Mayu Ino và cộng sự hướng dẫn, với sự tài trợ của Bộ Ngoại giao Nhật Bản.

 

Việc áp dụng nông nghiệp hữu cơ giúp sản xuất trở lên bền vững hơn, mang lại hạnh phúc cho cả người sản xuất, người tiêu dùng, cho cả đất, nước và môi trường. Không những thế, ngày nay, nhu cầu và thị trường về thực phẩm hữu cơ tại Việt Nam cũng như trên thế giới là quá lớn, đây chính là cơ hội tăng thu nhập cho chính những nông dân sản xuất với quy mô nhỏ.

 

Việc áp dụng hệ thống PGS giúp nông dân có thói quen và tâm huyết với sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ bền vững, từ đó “không bao giờ bỏ làm nông nghiệp hữu cơ". Một người yêu nông nghiệp hữu cơ sẽ truyền lửa cho một người bên cạnh. Cứ thế, mỗi ngày số nông dân làm nông nghiệp hữu cơ một tăng.

 

"Làm hữu cơ rất gian nan. Thế nhưng giá trị của nó mang lại rất lớn nếu chúng ta quyết tâm, làm thật, làm bài bản và chuyên nghiệp”, Mayu Ino nói. Chị cho biết ở mô hình này, nông dân có thể giám sát lẫn nhau, được tập huấn miễn phí và luôn có sự đồng hành của các chuyên gia.

 

Về phương pháp canh tác hữu cơ PGS, Mayu Ino cho biết, trên cùng một diện tích canh tác, nông dân có thể trồng 15 loại rau củ quả khác nhau, xung quanh phải tạo môi trường tốt cho côn trùng sinh sống để giảm bớt sâu bệnh, giúp nông dân sản xuất nhiều loại rau ổn định hơn.

 

Không chỉ gieo tình yêu làm nông nghiệp hữu cơ cho nông dân Việt Nam, mà tổ chức của Mayu Ino còn kết hợp với các trường cấp 2, cấp 3 của Đồng Tháp, Bến Tre xây dựng vườn rau hữu cơ ngay tại trường. Tập huấn cho các thầy cô và học sinh, để từ đó chính các em học sinh có thể hiểu cách làm nông nghiệp hữu cơ là như thế nào.

 

“10 học sinh thì chắc chắn sẽ có 1 - 2 bạn thích nông nghiệp, nếu muốn học thì nhà trường, gia đình cần tạo điều kiện cho các em. Như thế, sau này ngành nông nghiệp mới duy trì và phát triển từ chính những mầm non này", Mayu Ino tâm sự.

 

"Các bác nông dân chuyên nghiệp ngày càng già đi, các bạn trẻ không làm nữa thì còn ai làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ? Cho nên phải giúp cho các em học sinh tiếp cận, trải nghiệm làm nông nghiệp, có tình yêu với nông nghiệp và trách nghiệm làm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ngay từ khi còn nhỏ ở trên ghế nhà trường”, Mayu Ino cười nói. 

 

Chị cho biết hiện nay tại Hòa Bình, Đồng Tháp, Bến Tre đã hình thành được các câu lạc bộ khởi nghiệp nông nghiệp hữu cơ. Đây chính là tâm nguyện "hạt mầm" nông nghiệp hữu cơ đã sinh sôi ở từng địa phương mà Mayu Ino mong muốn thực hiện.

Bình luận