50 năm hợp tác chiến lược nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Bình luận · 159 Lượt xem

Hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển mạnh mẽ, thực chất và đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận thời gian qua.

 

Việt Nam - Nhật Bản hướng tới tăng trưởng xanh với nhiều cơ hội hợp tác mới

HTX Kawakamimura chia sẻ kỹ thuật trồng rau với cán bộ khuyến nông Việt Nam

Người dân Wakayama ưa chuộng quả vải tươi, thịt gà chế biến của Việt Nam

 

Hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản đã góp phần quan trọng trong tái cơ cấu nền nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam. Trên suốt một chặng đường dài, Nhật Bản đã đồng hành cùng ngành nông nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, kiểm dịch động thực vật, phòng, chống thiên tai, phát triển thủy lợi...

 

Nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phỏng vấn TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ NN-PTNT về những thành tựu nổi bật trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước cũng như những thuận lợi, khó khăn và kỳ vọng hợp tác trong lĩnh vực này thời gian sắp tới. 

 

Thưa ông, Việt Nam - Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước đã không ngừng phát triển sâu rộng trong mọi lĩnh vực. Ông có thể cho biết những thành tựu nổi bật trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước thời gian qua?

 

Cùng với sự phát triển của quan hệ hai nước, hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp cũng được đẩy mạnh trong năm thập kỷ vừa qua. Trên cơ sở có nhiều điểm tương đồng (xuất phát điểm từ nền văn minh lúa nước, phần lớn dân số làm nông nghiệp, ruộng đất manh mún,…) cũng như nhận thấy có nhiều tiềm năng và lợi thế riêng, hai bên đã và đang không ngừng thúc đẩy hợp tác phát triển nông nghiệp.

 

Nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhật Bản năm 2015, Bộ Nông nghiệp hai nước đã xây dựng Tầm nhìn Trung - Dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản. Trên cơ sở đó, hợp tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước ngày càng thực sự phát triển mạnh mẽ, thực chất và đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận thời gian qua, cụ thể là:

 

Về thương mại, hai nước tích cực mở cửa thị trường cho các nông sản của nhau, tận dụng lợi thế của các Hiệp định thương mại tự do mà hai bên cùng tham gia. Kim ngạch thương mại song phương về nông, lâm, thủy sản (NLTS) luôn tăng trưởng ổn định, cân bằng. Nhật Bản hiện là một trong những thị trường xuất khẩu NLTS quan trọng của Việt Nam, chiếm khoảng 7,5% tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS hằng năm. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu bình quân 10 năm qua đạt trung bình 6,35%/năm.

 

Riêng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu NLTS sang Nhật Bản đạt xấp xỉ 4,45 tỷ USD; nhập khẩu từ Nhật Bản đạt 688,6 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ (1,89 tỷ USD), thủy sản (1,7 tỷ USD), cà phê (277 triệu USD), rau quả (165 triệu USD).

 

Về hợp tác phát triển (ODA), Nhật Bản duy trì vị trí nước cung cấp ODA lớn cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Nhật Bản hỗ trợ ODA cho nông nghiệp Việt Nam với nhiều chương trình dự án phát triển cơ sở hạ tầng thủy lợi, nông nghiệp phục vụ tưới tiêu, quản lý nước, chống xâm nhập mặn, hạn hán; các dự án lâm nghiệp phục hồi và phát triển rừng đầu nguồn ứng phó với biến đổi khí hậu; các khoản viện trợ ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai và kiểm ngư...

 

Hằng năm, Nhật Bản vẫn cử các chuyên gia/cố vấn hỗ trợ cho ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực này. Trong 10 năm gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ cho ngành nông nghiệp của Việt Nam 15 dự án ODA với tổng số vốn khoảng 800 triệu USD nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng liên quan đến nông nghiệp; triển khai các giải pháp tổng thể xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm; thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp tư nhân (ứng dụng công nghệ hiện đại); hỗ trợ cải thiện chính sách và thể chế, chiến lược và đào tạo nhân lực nông nghiệp. Hỗ trợ ODA đều được triển khai một cách hiệu quả, mang lại lợi ích cho nông dân Việt Nam.

 

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các nhà đầu tư Nhật Bản ngày một quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam, dựa trên lợi thế của mỗi bên. Một đặc điểm của các nhà đầu tư Nhật Bản là luôn sử dụng công nghệ cao, tận dụng các lợi thế của Việt Nam, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. Các doanh nghiệp Nhật Bản rất chú ý đến các sản phẩm rau hoa, chè, chăn nuôi công nghệ cao, công nghệ bảo quản và chế biến nông sản.

 

Xin ông cho biết những thuận lợi và thách thức trong hợp tác nông nghiệp giữa hai nước?

 

Nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và sự hiểu biết, hòa hợp giữa nhân dân hai nước, việc hai bên tham gia các thỏa thuận hợp tác đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA)… tạo điều kiện cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản có nhiều hội phát triển sâu rộng hơn, ở tầm cao hơn.

 

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam - Nhật Bản cho thấy cơ cấu hàng hóa của hai nước phần nhiều mang tính bổ sung và không cạnh tranh. Hiện tại Việt Nam đang sở hữu lợi thế cạnh tranh các mặt hàng Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu cao như các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản và thực phẩm chế biến.

 

Bên cạnh đó, Nhật Bản là nền kinh tế lớn, nhưng cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này còn hạn chế nên vẫn còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới. Nhật Bản là thị trường có sức tiêu thụ lớn, đặc biệt đối với các sản phẩm nông thủy sản, thực phẩm chế biến như: tôm, cá, thịt, rau quả tươi và chế biến, ngũ cốc, cà phê... Do đứt gãy nguồn cung ứng từ Trung Quốc trong thời gian dịch bệnh Covid-19, Nhật Bản đang có xu hướng tìm nguồn cung cấp thay thế và đa dạng hơn từ các nước khác. Khu vực được nhắm tới là các nước Đông Nam Á (ASEAN), trong đó có Việt Nam.

 

Tuy nhiên, hiện chúng ta cũng gặp một số vấn đề khó khăn như: những tiêu chuẩn đặc thù kỹ thuật về nông nghiệp của Nhật Bản rất khắt khe, sự biến động của kinh tế thế giới, chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trong nước đang tác động rất lớn tới thương mại nông sản toàn cầu; hay xung đột quân sự, cấm vận thương mại, nguy cơ dịch bệnh bùng phát… tăng nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu đang là các thách thức đặt ra cho hợp tác nông nghiệp giữa hai nước. Điều này đòi hỏi hai nước phải có những nỗ lực hơn nữa trong việc đàm phán, xây dựng cơ chế hợp tác, trao đổi phù hợp, điều chỉnh quy trình sản xuất, công nghệ để tháo gỡ những khó khăn, thách thức này.

 

Với mục tiêu chung phát triển vì hòa bình, tăng trưởng xanh và bền vững, Nhật Bản lại có các thế mạnh về chuyển đổi số, nông nghiệp xanh, hạ tầng chiến lược, nông nghiệp sạch, công nghệ cao, ông có thể cho biết tình hình hợp tác giữa hai nước liên quan đến những lĩnh vực này?

 

Việt Nam đã ban hành Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu “xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính”. Cùng với đó, chúng ta cũng đang triển khai Kế hoạch hành động cho việc Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững.

 

Nhật Bản là nước có nhiều kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp sinh thái, an toàn, bền vững theo hướng thuận tư nhiên. Chính vì thế, sự hợp tác và hỗ trợ từ phía Nhật Bản đối với Việt Nam là vô cùng quan trọng trong triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững.

 

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và các đại biểu cắt băng khai trương Phòng kiểm nghiệm do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Trung tâm Kiểm nghiệm Kiểm chứng và Tư vấn Chất lượng Nông Lâm Thủy sản (nay là Trung tâm kiểm nghiệm kiểm chứng và dịch vụ chất lượng RETAQ).

Thứ trưởng Trần Thanh Nam và các đại biểu cắt băng khai trương Phòng kiểm nghiệm do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Trung tâm Kiểm nghiệm Kiểm chứng và Tư vấn Chất lượng Nông Lâm Thủy sản (nay là Trung tâm kiểm nghiệm kiểm chứng và dịch vụ chất lượng RETAQ).

 

Năm 2021, Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết Hợp tác về Tăng trưởng các bon thấp giai đoạn 2021-2030. Việt Nam cũng tích cực tham gia các sáng kiến toàn cầu cùng Nhật Bản như Đổi mới sáng tạo nông nghiệp vì khí hậu, Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại các quốc gia gió mùa. Tham gia cơ chế hợp tác vùng Nhật Bản – ASEAN cho an ninh lương thực. Bên cạnh đó, hai nước đều là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã đi vào thực hiện, đều có những nội dung hợp tác liên quan đến tăng trưởng xanh.

 

Xin ông cho biết những định hướng hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong thời gian tới?

 

Hai bên đã thiết lập cơ chế Đối thoại cấp cao “Tầm nhìn Trung - Dài hạn về hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản” từ năm 2015 và đã trải qua 2 giai đoạn (2015-2019; 2020-2024). Hiện nay hai bên đang cùng nhau rà soát, đánh giá lại hợp tác trong thời thời gian qua để cùng nhau xây dựng Tầm nhìn giai đoạn mới 2025-2029.

 

Trong giai đoạn tới, có thể cân nhắc những định hướng thúc đẩy hợp tác về an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới; chuỗi giá trị nông nghiệp các bon thấp, ít phát thải; kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng xanh; phát triển cơ sở hạ tầng bền vững ở Việt Nam, nhất là về logistics trong chuỗi giá trị nông nghiệp; cùng tham gia hợp tác khu vực về tăng trưởng xanh.

 

Xin cảm ơn ông!

Bình luận