OCOP thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, tăng giá trị

Bình luận · 232 Lượt xem

Chương trình OCOP ở Lạc Dương đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, phát triển các ngành nghề nông thôn.

 

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP Vĩnh Long

Phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn

Câu lạc bộ lan tỏa OCOP

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương (Lâm Đồng), Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn, gia tăng giá trị sản phẩm. Thời gian qua, địa phương đã hướng dẫn các xã, thị trấn tổ chức khảo sát, xây dựng ý tưởng sản phẩm, kế hoạch phát triển sản phẩm và triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP.

 

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương chia sẻ, tính đến tháng 7/2023, địa phương có 43 sản phẩm của 14 chủ thể đạt chứng nhận OCOP. Trong đó có 27 sản phẩm 3 sao và 16 sản phẩm 4 sao. “Chương trình OCOP hiện có sự lan toả mạnh mẽ. Các sản phẩm đạt 3 sao trở lên đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, có mẫu mã, bao bì đa dạng và thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường”, ông Hoàng Xuân Hải cho biết.

 

Hiện nay, toàn bộ sản phẩm OCOP của địa phương được trưng bày, giới thiệu tại Trung tâm OCOP huyện Lạc Dương. Đồng thời, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức quảng bá sản phẩm, tham gia xúc tiến thương mại ở Lâm Đồng, TP.HCM, Đắk Lắk, Gia Lai, Sơn La, Đồng Tháp, Hà Nội, Tiền Giang… Cùng với đó, huyện Lạc Dương tổ chức quảng bá các sản phẩm OCOP thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử.

 

Lãnh đạo huyện Lạc Dương cho biết, hiện nay các chủ thể sở hữu sản phẩm OCOP đã quan tâm, mạnh dạn đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất. Do vậy, chất lượng sản phẩm từng bước được nâng cao. Việc đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại được quan tâm. 

 

Theo Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương, thời gian vừa qua, huyện đã hỗ trợ thành lập Câu lạc bộ sản phẩm OCOP với mục đích tạo môi trường để các thành viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP và mở rộng thị trường. Hiện nay, Câu lạc bộ sản phẩm OCOP đã phối hợp chặt chẽ với Chi hội Doanh nghiệp huyện Lạc Dương, Chi nhánh Viettel Lâm Đồng tổ chức kết nối, giao lưu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP nói riêng, sản phẩm đặc trưng của địa phương nói chung với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

 

Huy động nguồn lực hỗ trợ chủ thể OCOP

Ông Hoàng Xuân Hải, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương chia sẻ, ở địa phương, Chương trình OCOP đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Nhiều nơi đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, chương trình cũng góp phần phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn.

 

Hiện nay, Chương trình OCOP đang được huyện Lạc Dương chỉ đạo triển khai thực hiện và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Do vậy, huyện Lạc Dương tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình OCOP.

 

Theo đó, địa phương này sẽ huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Tổ chức vận động, tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời tổ chức rà soát các sản phẩm, ý tưởng sản phẩm có thể phát triển để tham gia Chương trình OCOP giai đoạn 2023 – 2025.

 

“Địa phương sẽ tiến hành khảo sát, hướng dẫn xây dựng ý tưởng và lựa chọn ý tưởng sản phẩm. Triển khai thực hiện các bước tư vấn, hướng dẫn, tập huấn cho các chủ thể tham gia Chương trình OCOP từ xây dựng ý tưởng, phương án kinh doanh đến hoàn thiện hồ sơ để tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP”, một cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Lạc Dương nói và cho biết thêm, huyện phấn đấu đến năm 2025 có 68 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên.

Bình luận