Trách nhiệm của truyền thông với nguy cơ an toàn thực phẩm

Bình luận · 734 Lượt xem

Công chúng có nhu cầu cao thông tin về an toàn thực phẩm, cách lựa chọn thực phẩm an toàn, song thông tin đưa ra bằng chứng khoa học lại ít.


 

Sáng ngày 7/6 đã diễn ra tọa đàm “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí - trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật”.
Tọa đàm nằm trong khuôn khổ dự án “Các phương pháp dựa vào thị trường nhằm cải thiện mức độ an toàn của thịt lợn tại Việt Nam” (gọi tắt là SafePORK), do Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ, và được đồng tổ chức bởi Trường đại học Y tế Công cộng (HUPH), Hội Nhà báo Việt Nam và Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI).
Ở Việt Nam, nói về vấn đề an toàn thực phẩm công chúng quan tâm nhiều đến ô nhiễm hóa chất trong thực phẩm. Tuy nhiên, TS. Fred Unger - Trưởng dự án SafePORK, Trưởng đại diện ILRI tại Đông Nam Á - cho biết: Các nghiên cứu gần đây cho thấy những bằng chứng rõ ràng về ô nhiễm vi sinh trên thịt lợn, thịt gà và thịt bò. Lãnh đạo các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm và nhà báo cũng có xu hướng dễ hiểu lầm (về nguy cơ ô nhiễm hóa chất).
Các nghiên cứu cũng chỉ ra, công chúng có nhu cầu cao đối với thông tin về an toàn thực phẩm, cách thức để lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, thông tin hiện nay thường tập trung theo hướng phản ánh thông điệp mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân, gia đình phòng tránh những thực phẩm không an toàn. Vì vậy, người tiêu dùng nhiều khi chưa hiểu đúng, hiểu đủ về vấn đề.
PGS. TS. Nguyễn Thị Dương Nga - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - dẫn chứng số liệu dựa trên 553 quan sát các chuỗi giá trị thịt lợn tại các tỉnh phía Bắc, 92% số người được hỏi tin thịt lợn không an toàn có thể phát hiện qua quan sát bằng mắt thường; 41% số người được hỏi cho rằng thịt lợn được nấu kỹ sẽ an toàn. Không chỉ vậy, 37% số người được hỏi cho rằng trách nhiệm đảm bảo an toàn thực phẩm là của Chính phủ. 10% số người trong khảo sát vẫn sử dụng chung thớt cho tất cả các loại thực phẩm.
"Đây đều là những nguy cơ dẫn đến mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều người có thể không biết, rằng vi sinh vật vẫn giải phóng ra những độc chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ngay cả khi được nấu sôi", bà Nga nhấn mạnh.
Chính vì vậy, TS. Phạm Đức Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu y tế công cộng và hệ sinh thái (CENPHER), Trường đại học Y tế Công cộng nêu ý kiến: "Cần có giải pháp kết nối nhà nghiên cứu và cơ quan truyền thông, báo chí, nhằm hỗ trợ, thúc đẩy công tác truyền thông nguy cơ an toàn thực phẩm hiệu quả hơn, đáp ứng được những nhu cầu thông tin của công chúng".
Đồng quan điểm với các ý kiến nêu trên, ông Trần Thái Sơn - Phó Trưởng Ban nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho hay, những năm gần đây, người dân có nhu cầu lớn về thông tin an toàn thực phẩm, cũng như cách thức lựa chọn thực phẩm an toàn. Tuy nhiên, các thông điệp hiện nay chủ yếu mang tính tiêu cực, thay vì đưa ra những bằng chứng khoa học, giúp người tiêu dùng bảo vệ bản thân và gia đình.
"Chúng ta cần nâng cao hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc định hướng thông tin một cách khoa học và có trách nhiệm tới cộng đồng về các vấn đề sức khỏe con người", ông Sơn nói.
Tại buổi tọa đàm, đại diện khu vực tư nhân cũng đã chia sẻ những thách thức và kiến nghị trong truyền thông nguy cơ về an toàn thực phẩm. Ông Trần Mạnh Chiến - CEO Bác Tôm - kiến nghị: Truyền thông tập trung thông tin vào dinh dưỡng sản phẩm cần được đo đếm ở các giai đoạn tiêu dùng khác nhau, với các kênh hàng khác nhau; tăng cường truyền thông tích cực về những đơn vị làm tốt thay vì chỉ tuyên truyền các vụ việc tiêu cực; phát triển từng chuỗi, từng kênh để làm điển hình…
Các nhà báo cũng có cơ hội trao đổi với một số chuyên gia đến từ Cục An toàn thực phẩm, nhóm công tác về an toàn thực phẩm tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới, Trường đại học Y tế Công cộng và khu vực tư nhân để hiểu rõ hơn về các khái niệm, định nghĩa về an toàn thực phẩm, cách thức truyền tải các bằng chứng khoa học trên phương tiện thông tin đại chúng, sử dụng những kênh và chiến lược phù hợp.
Chia sẻ góc độ báo chí, nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Ban Thư ký biên tập, Đài tiếng nói Việt Nam - quay trở lại câu chuyện những năm 2007-2008 thời điểm dịch lợn tai xanh bùng phát. Khi đó, truyền thông đã vào cuộc tuyên truyền mạnh mẽ về vấn đề này. Thông tin chủ yếu là giúp người dân nhận biết về dịch lợn tai xanh là gì? tình hình lây lan tại các địa phương? cách xử lý lợn bệnh như thế nào?
Tuy nhiên, sau một thời gian tuyên truyền mạnh mẽ, báo chí lại phát hiện việc rất nhiều người dân vẫn tiêu thụ thịt lợn nhiễm bệnh tai xanh, thậm chí còn phát hiện nhiều hố chôn lợn chết vì bệnh tai xanh vẫn được đào lên để làm thực phẩm... Vậy vấn đề ở đây là gì?
Khi đi tìm hiểu, phóng viên đã phát hiện ra một điều, các thông điệp trên báo chí chủ yếu phản ánh về tình hình dịch bệnh, cách xử lý lợn dịch, cảnh khốn khó của người nông dân khi có lợn nhiễm bệnh... mà thông tin về tác hại của thịt nhiễm bệnh đến con người ít được đề cập, hoặc bị lướt qua...
Theo nhà báo Đồng Mạnh Hùng, có lẽ báo chí đã không lường trước quan niệm “Lợn bệnh, gà toi cứ cho vào nồi, đun sôi, nấu kỹ là ăn được hết” vẫn tồn tại trong nhân dân... Sau đó, với sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, truyền thông người dân đã hiểu ra và không sử dụng thịt lợn chết hoặc đang mắc bệnh tai xanh nữa.
"Rõ ràng, quá trình truyền thông, báo chí cần phải lắng nghe phản hồi, điều chỉnh kịp thời để định hướng truyền thông mới đem lại hiệu quả tốt nhất", nhà báo Đồng Mạnh Hùng nói.
Nhận định của các chuyên gia, những khuyến nghị và kết quả từ tọa đàm “Chuyển tải thông điệp an toàn thực phẩm tới công chúng thông qua tăng cường hợp tác giữa nghiên cứu và báo chí - trường hợp thực phẩm có nguồn gốc động vật” đóng vai trò quan trọng cho những nỗ lực chung giữa nhà nghiên cứu và các nhà báo nhằm cải thiện công tác truyền thông những kết quả nghiên cứu về an toàn thực phẩm tới công chúng.

 

(congthuong.vn)

Bình luận