'Địa đạo nổi' dài 630km giúp vùng đất thép 'nở hoa'

Bình luận · 268 Lượt xem

TP.HCM Nhờ nguồn nước đầy ắp, đời sống bà con nông dân Củ Chi khấm khá nhờ trồng hoa lan, cá cảnh… Dòng nước này đang góp phần phát triển đất thép Củ Chi.

Địa đạo nổi của đất thép Củ Chi

Dọc theo Quốc lộ 22, hay vào các tỉnh lộ 7, 8, hương lộ 2… đâu đâu cũng là những cánh đồng phủ màu xanh của lúa, rau màu, của vườn cây ăn trái. Khó có thể nghĩ rằng nơi đây từng là vùng đất trắng bạc màu.

Được xây dựng xong từ năm 1987 và kiên cố hóa từ năm 2002, kênh Đông Củ Chi tạo ra bước ngoặt trong phát tiển nông nghiệp tại vùng đất thép. Nguồn nước được cấp trực tiếp từ hồ Dầu Tiếng, chảy vào các kênh tưới cấp 1, 2, 3 và phục vụ tưới tiêu cho hơn 12.000ha trồng trọt và nước sinh hoạt.

Dòng kênh Đông không chỉ phục vụ đa mục tiêu của TP.HCM mà nó còn là điểm nhấn về nông thôn mới tại vùng đất thép Củ Chi này. Ảnh: Lê Bình.

Dòng kênh Đông không chỉ phục vụ đa mục tiêu của TP.HCM mà nó còn là điểm nhấn về nông thôn mới tại vùng đất thép Củ Chi này. Ảnh: Lê Bình.

Hệ thống kênh Đông Củ Chi có tổng chiều dài là 630km, gồm 11 kênh chính, 140km kênh cấp 1 và 2, cùng 480km kênh cấp 3, 4 và nội đồng. Chạy suốt chiều dài kênh có hơn 1.900 công trình xây đúc các loại. Nhìn từ trên cao, kênh Đông Củ Chi được ví von như công trình kì vĩ “địa đạo nổi" của Củ Chi, làm thay đổi bộ mặt và kinh tế của vùng đất thép.

Là địa phương thụ hưởng lớn nhất từ công trình thủy lợi kênh Đông, bà Lê Ngọc Sương - Trưởng Phòng Kinh tế huyện Củ Chi (TP.HCM) cho biết, công trình đóng vai trò rất quan trọng. Đây là mắt xích để không chỉ ngành nông nghiệp Củ Chi cất cánh mà còn là bản lề để kinh tế, xã hội của địa phương được vững chắc, phát triển.

Các kênh tưới được thiết kế theo dạng kênh nổi hoặc nửa nổi nửa chìm. Hiện, toàn tuyến kênh đang do Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác.

Theo ông Nguyễn Văn Đam - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM, công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã góp phần to lớn trong việc khai thác tổng hợp nguồn nước phục vụ đa mục tiêu theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và dân sinh của thành phố. Nhờ có công trình thủy lợi, thành phố đã chủ động được nguồn nước, tạo điều kiện thuận lợi phát triển nuôi trồng thủy sản với trên 1.000ha mặt nước; cấp nước sinh hoạt cho khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, công suất 5.000 m3/ngày đêm…

Ông Nguyễn Văn Đam đang chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về những hiệu quả mà kênh Đông Củ Chi mang lại. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Văn Đam đang chia sẻ với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về những hiệu quả mà kênh Đông Củ Chi mang lại. Ảnh: Lê Bình.

Bắt gặp ông Đường Văn Minh đang câu cá trên dòng kênh Đông, ông bông đùa: “Thời còn niêu thiếu thì mình đào địa đạo để đánh đuổi giặc ngoại xâm, hết giặc rồi mình đào ‘địa đạo nổi’ để phát triển kinh tế chứ”. Chính ông Minh cũng là một trong những thanh niên tình nguyện đi đào những nhát cuốc đầu tiên vào năm 1985 để khơi dòng kênh Đông trên mảnh đất thép Củ Chi.

Cách đây gần 40 năm ông Minh cùng các thanh niên trai tráng khác tham gia đào tuyến kênh Đông Củ Chi. Ảnh: Lê Bình.

Cách đây gần 40 năm ông Minh cùng các thanh niên trai tráng khác tham gia đào tuyến kênh Đông Củ Chi. Ảnh: Lê Bình.

Mỗi ngày, nhiệm vụ của ông Võ Văn Rồng (nhân viên Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi) là cắt cỏ, vớt những mảnh rác khối lớn lên bờ và thường xuyên nhắc nhở bà con sống hai bên bờ kênh Đông không được xả rác xuống kênh. Nhờ đó, dòng kênh Đông luôn xanh mát, sạch cỏ và rác thải, luôn có những đàn cá lớn nhỏ bơi lội.

Thủy lợi và hành lang công trình thủy lợi cũng được coi là một trong những tiêu chí quan trọng trong đánh giá chương trình nông thôn mới. Nhờ chỉnh trang công trình thủy lợi kênh Đông, vùng đất này cũng được khang trang, xanh mát hơn.

Hương sắc trên 'đất thép thành đồng'

Khép lại những năm tháng rực lửa hào hùng, huyện Củ Chi giờ đây là một trong những điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao. Nơi đây có những trang trại, mô hình nông nghiệp hiện đại, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đất thép Củ Chi ngày nay được mệnh danh là “thủ phủ” của nhiều cây trồng, vật nuôi đô thị như hoa lan, rau thủy canh hay cá cảnh… của TP.HCM.

Khi chúng tôi đến thăm vườn hoa lan nhà ông Nguyễn Trọng Khương (ấp Xóm Mới, xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi), cũng là lúc những nhân công đang hối hả cắt cành, kịp giờ giao cho thương lái. Trên mảnh vườn hơn 12.000m2, những cành hoa lan Mokara với đủ sắc màu đua nhau tỏa hương, mời gọi những chú ong vàng đến hút mật.

Giống như bao người, trước đây gia đình ông Khương chuyên canh tác lúa, vất vả mà chỉ đủ ăn. Được Trung tâm Khuyến nông TP.HCM tư vấn về mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành, cho thu nhập cao, ông Khương đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng hoa lan. Mực nước ngầm dồi dào là điều kiện thuận lợi để ông quyết định đầu tư hệ thống tưới phun sương với tổng số vốn hơn 200 triệu đồng.

“Hoa lan mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vốn đầu tư lớn nhưng cũng mau thu hồi vốn, lại được thu hoạch lâu dài. Phải nói là có kênh Đông thì nước ngầm ở đây mới dồi dào, chứ trước đây đào xuống sâu cũng đâu có nước. Mokara ưa nóng mà còn được tưới nước phun sương đều, đúng giờ trong ngày thì chúng mau cho ra hoa lắm”, ông Khương chia sẻ.

Nhờ dòng nước mát lành của kênh Đông mà Củ Chi trở thành vùng trồng hoa lan chủ lực của TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Nhờ dòng nước mát lành của kênh Đông mà Củ Chi trở thành vùng trồng hoa lan chủ lực của TP.HCM. Ảnh: Lê Bình.

Cách đó không xa, vườn lan cắt cành của ông Phan Văn Xành (xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) cũng đang cho cắt cành đợt mới. Chỉ mới hơn 3 tiếng đồng hồ, gần 1.000 cành hoa lan đã được cắt và gần 100 gốc hoa lan đang được gói để chuyển tới khách hàng. Đều đặn mỗi ngày, hoa lan của nhà ông Xành được chuyển đi khắp TP.HCM và các tỉnh lân cận. Không giống như ông Phương, gia đình nhà ông Xành lại đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, tiết kiệm nước. Tự mày mò và mua vật liệu lắp đặt nên tiền ông Xành đầu tư cho hệ thống này cũng không nhiều.

TP.HCM có diện tích đất canh tác trồng hoa lan là 340ha, với hai vùng trồng chủ lực là Củ Chi và Bình Chánh, trong đó huyện Củ Chi có hơn 149ha.

“Mười mấy năm nay rồi, mình ăn ngủ cùng những luống hoa lan này. Nghề nào mà chẳng vất vả, nhưng hoa lan này cho mình đồng ra đồng vào, không như cây trồng, vật nuôi khác. Ngày trước nước chủ yếu theo mùa vụ, có mùa dồi dào, có mùa cạn nước, trồng trọt gì khác ngoài cây lúa cũng rất vả. Giờ nước kênh Đông Củ Chi này lúc nào cũng như mùa đổ ải, mênh mông. Không có nước tưới tắm thường xuyên thì cây hoa lan đâu có phát triển được như thế này. Phải có nước và nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt như thế này giúp duy trì độ ẩm đất thường xuyên thì mới được thế này đây”, ông Xành cười to.

Nước mát cá chọn vẫy đuôi

Nằm sát dòng kênh Đông, trang trại cá Koi Bình Minh của anh Nguyễn Ngọc Hải (tại ấp Lào Táo, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi) là một trong những mô hình điểm về nuôi cá cảnh của TP.HCM. Không phải tự nhiên anh Hải lại lựa chọn về vùng đất này để xây dựng “bản doanh” cá cảnh với 10ha. Tất cả là nhờ duyên lành của dòng kênh Đông bắt mối.

Hai bên bờ kênh Đông là nơi quy tụ của hàng trăm trang trại cá cảnh lớn nhỏ, cung cấp ra thị trường hàng triệu con cá cảnh mỗi năm. Ảnh: Lê Bình.

Hai bên bờ kênh Đông là nơi quy tụ của hàng trăm trang trại cá cảnh lớn nhỏ, cung cấp ra thị trường hàng triệu con cá cảnh mỗi năm. Ảnh: Lê Bình.

“Mình đi hết các vùng tại Hóc Môn, Củ Chi, thậm chí là Bình Chánh hay Cần Giờ… để chọn địa điểm nuôi cá Koi. Thế nhưng, chẳng hiểu sao chỉ về đây mới có cảm giác an tâm để nuôi cá. Các cụ bảo là "đất lành chim đậu", còn ở đây chắc là "nước mát cá chọn vẫy đuôi" chăng?! Nước kênh Đông này mát, sạch lại luôn dồi dào, gần như suốt 15 năm nay nuôi cá tại đây, chưa khi nào mình phải bận tâm lo thiếu nước cả. Đàn cá của mình chọn nước, chúng đã đúng, nó sinh trưởng rất tốt”, anh Hải hồ hởi chia sẻ.

Đối diện trại cá Bình Minh Koi Farm là trại cá cảnh Thiên Đức. Đây cũng là một trong những trại cá cảnh lớn của TP.HCM, cung cấp hàng trăm loài cá cảnh, thủy sinh cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Hàng năm trại nuôi cá cảnh này bán ra thị trường lên tới gần 2 triệu con với hơn 50 loại cá cảnh. Trại cá này cũng nằm phía bên tả kênh Đông, cũng bén duyên với dòng nước tươi mát nơi đây. Theo ông Lê Hữu Thiện - Giám đốc Công ty Cổ phần Sinh vật cảnh Thiên Đức, không có dòng nước này sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp khi phát triển nghề nuôi cá cảnh.

“Hệ thống kênh Đông Củ Chi còn có vai trò quan trọng trong việc đẩy mặn khu vực ven sông Sài Gòn, gồm Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 và khu vực Bắc Bình Chánh trên diện tích hơn 20.000ha và phòng chống cháy rừng”, ông Nguyễn Văn Đam - Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác Dịch vụ thủy lợi TP.HCM, cho hay.

Bình luận