Xây dựng hình mẫu nông dân cổ cồn

Bình luận · 227 Lượt xem

Khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đột phá trong tích tụ đất đai; cơ giới hóa các khâu sản xuất; xây dựng nền sản xuất lớn theo hướng hàng hóa… là những gì tỉnh Hải Dương đã và đang làm, nhằm hình thành ?

Ông Nguyễn Anh Cương, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá X, bức tranh “tam nông” của Hải Dương đã có bố cục tương đối hoàn chỉnh, rõ nét.

Trong tác phẩm ấy có những nét vẽ chấm phá rất mới lạ, đó là những vùng sản xuất tập trung quy mô hàng hóa. Không còn cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, mà nông dân trở thành ông chủ thực sự. Họ lái máy nông nghiệp; điều khiển những công nghệ thông minh trong canh tác cây trồng và tạo ra sản phẩm giá trị cao.

Nếu điểm xuyết một vài thông tin ấn tượng về 10 năm thực hiện Nghị quyết 26 tại tỉnh Hải Dương, ông sẽ nói về điều gì?

Theo tôi, ấn tượng đầu tiên là nền nông nghiệp Hải Dương đã hình thành các vùng chuyên canh tập trung quy mô hàng hoá. Nếu nhìn từ trên cao, sẽ thấy trật tự phân khu các loại nông sản chủ lực rất rõ ràng. Các huyện phía Nam như Gia Lộc, Thanh Miện, Ninh Giang phát triển bạt ngàn các loại rau màu, củ quả. Huyện Nam Sách, Cẩm Giàng là “thủ phủ” cà rốt với trên 1.000 ha. Huyện Thanh Hà, TX Chí Linh là những vựa cây ăn quả lớn…

18-29-47_nh_1
Vải thiều của tỉnh Hải Dương đã XK thành công sang Mỹ, Úc, mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân

Doanh nghiệp và nông dân đã bắt tay khăng khít trong liên kết sản xuất – bao tiêu sản phẩm. Giá trị sản xuất trên một héc ta đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản năm 2017 đạt 140 triệu đồng (tăng 72,4 triệu đồng so với năm 2008). Thậm chí, tại các vùng chuyên canh cà rốt, hành tỏi ở huyện Cẩm Giàng và Kinh Môn, chuyện nông dân thu lãi 500 – 600 triệu đồng/ha/năm không phải là cá biệt.

Đây là nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị các cấp và nhân dân. Bởi thời điểm năm 2008, khi bắt đầu triển khai Nghị quyết 26, ngành nông nghiệp của Hải Dương đối mặt với rất nhiều khó khăn. Có tới hơn 45.000 ha đất canh tác phải chuyển đổi mục đích sử dụng để nhường chỗ cho 42 cụm công nghiệp. Một bộ phận không nhỏ lao động nông thôn trở thành công nhân, tình trạng bỏ ruộng trở nên phổ biến.

Giai đoạn 2013 – 2015, chúng tôi đã tiến hành một cuộc “cách mạng ruộng đất” với chiến dịch vận động dồn điền đổi thửa. Qua đó, mỗi hộ chỉ còn tối đa 2 thửa ruộng. Cùng với dồn điền đổi thửa là chỉnh trang đồng ruộng, mô hình “một đường hai mương” lan rộng. Xe cơ giới có thể chạy băng băng trên những cánh đồng, việc tưới tiêu rất thuận lợi. Người dân dần gắn bó hơn với nghề nông.

Vậy đâu là cú hích dẫn tới sự thay đổi ngoạn mục này?

Trong 10 năm qua, hàng loạt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp đã được tỉnh ban hành. Mỗi năm Hải Dương trích 70 tỷ đồng ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng vùng sản xuất hàng hoá tập trung gắn với bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ thuê đất để tích tụ đất đai; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao… Đặc biệt, với các mô hình sản xuất từ 20 ha tập trung trở lên (thời gian thuê đất 10 năm), tỉnh sẽ hỗ trợ 100% lãi suất, hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong và ngoài vùng.

Với chính sách hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân đầu tư mua máy nông nghiệp, đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 1.200 máy gặt đập liên hợp; 100% diện tích làm đất đã ứng dụng cơ giới hoá. Trong tương lai, chắc chắn Hải Dương sẽ có những “nông dân cổ cồn”. Bởi máy móc sẽ dần thay thế sức lao động của con người trong hầu hết các khâu trong quy trình canh tác.

Vậy sau một thập kỷ, đời sống người dân nông thôn thay đổi ra sao?

10 năm qua, mặc dù trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của Hải Dương tăng đáng kể. Năm 2008 là 11 triệu đồng/người/năm thì đến năm 2017 đã tăng lên trên 40 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 4,08%. Đặc biệt, sau 6 năm xây dựng NTM, tỉnh đã huy động được 30.000 tỷ đồng để kiến thiết hạ tầng cơ sở, xây dựng các thiết chế văn hoá nông thôn…

Đến nay, có 146 trong tổng số 227 xã của Hải Dương đã đạt chuẩn NTM (huyện Kinh Môn đã được công nhận là huyện NTM, TX Chí Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2017). Bình quân trên địa bàn toàn tỉnh các xã đạt khoảng 17,3/19 tiêu chí NTM.

Phấn đấu đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm. Vậy giải pháp mà tỉnh đưa ra là gì?

Vấn đề chúng tôi đặc biệt chú trọng, đó là xây dựng các mô hình liên kết chuỗi để nâng cao giá trị sản xuất. Đồng thời, chúng tôi sẽ xây dựng và phê duyệt đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” nhằm phát triển nền nông nghiệp hàng hoá chất lượng cao, nâng cao giá trị sản phẩm mang đặc trưng thương hiệu địa phương.

Bên cạnh đó, chúng tôi còn khoảng 4.000 ha đất lúa có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Nếu có hướng chuyển đổi và đầu tư hiệu quả, chắc chắn diện mạo kinh tế nông thôn sẽ chuyển biến tích cực.

Để nông sản của Hải Dương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, định hướng đến năm 2020, diện tích rau sản xuất an toàn theo quy trình VietGAP trên địa bàn toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 30% trở lên. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản là 150 triệu đồng.

Về nguồn lực đầu tư, tỉnh sẽ ưu tiên bố trí ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn theo cơ chế cứ 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước theo đúng tinh thần Nghị quyết 26-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khoá X.

Bình luận