Sóc Trăng: Thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Bình luận · 110 Lượt xem

Nhằm khơi dậy tiềm năng kinh tế, nâng cao giá trị nông sản và tăng thu nhập cho nông dân, tỉnh Sóc Trăng đang ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất nông nghiệp.

07-41-30_mo_hinh_trong_ru_ung_dung_cnc_-_nh_kn
Mô hình trồng rau CNC ở Sóc Trăng

Theo Sở NN-PTNT Sóc Trăng, ứng dụng CNC trong các mô hình sản xuất nhỏ nhưng có triển vọng. Trong trồng trọt có 47 nhà lưới bán kiên cố trồng rau màu với diện tích 3,67ha và 4 mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm cho cây ăn trái với diện tích 2ha; chăn nuôi có 12 trang trại nuôi gà ứng dụng công nghệ cao quản lý khép kín hoàn toàn, trong đó 1 trại bò có tổng đàn gần 200 con và 1 dự án chăn nuôi heo giống quy mô 1.500 con ứng dụng công nghệ Hà Lan.

Đặc biệt trong thủy sản đã ứng dụng mô hình tự động quản lý môi trường nước ao tôm, sử dụng chế phẩm sinh học, quy trình tuần hoàn tái sử dụng nước để giảm sức tải môi trường, nuôi tôm 2 giai đoạn có lót bạt và khu SX giống thủy sản an toàn khép kín đạt chuẩn GMB của Tập đoàn Việt Úc, quy mô 5 tỷ con giống/năm.

Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản nhận xét: Các tổ chức hợp tác nuôi tôm ở Sóc Trăng chưa nhiều, hiệu quả hoạt động chưa cao nên khó liên kết với doanh nghiệp vào đầu tư ứng dụng CNC. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tổ chức sản xuất, bởi nếu không, sẽ rất khó ứng dụng CNC để tăng năng suất, chất lượng, truy xuất nguồn gốc và kết nối cung - cầu thông qua liên kết chuỗi giá trị ngành tôm”.

Đối với ứng dụng CNC trong SX lúa, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ nhận định: Sóc Trăng đã làm cuộc cách mạng CNC trên cây lúa rất thành công khi nghiên cứu, phóng thích các dòng lúa thơm đặc sản. Tuy nhiên, khi nói đến CNC, chúng ta mới đầu tư sản xuất thôi là chưa đủ, mà còn làm cả khâu chế biến, bảo quản nữa. Tỉnh cần kêu gọi đầu tư sâu hơn để trong thời gian tới sẽ hình thành những khu công nghiệp lúa gạo…

TS Trần Du Lịch, thành viên Ban cố vấn của Chính phủ cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất của ngành nông nghiệp Việt Nam chính là ở khâu tổ chức sản xuất. Nếu Sóc Trăng không tập hợp các hộ nhỏ lẻ thành HTX, tổ hợp tác; không có chính sách đất đai phù hợp để hình thành những trang trại và thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp thì khó có thể ứng dụng CNC vào sản xuất...

Bình luận