Hồ Xuân Hùng - Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT
Đó là quan điểm của ông Hồ Xuân Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Chủ tịch Tổng hội NN-PTNT Việt Nam về tầm nhìn phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn tới. Báo Nông nghiệp Việt Nam ghi lại ý kiến tâm huyết của ông để quý độc giả cùng bàn luận.
Không để ai ngoài cuộc
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tôi mừng nhất là thông qua Chiến lược, chúng ta đã đánh giá lại vai trò, vị trí rất quan trọng của nông nghiệp và nông thôn.
Chúng ta khẳng định vị trí của ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế quốc gia và phát triển kinh tế nông thôn chứ không phải chỉ tái cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn.
Trong giai đoạn hiện nay, nông nghiệp Việt Nam không chỉ đi theo xu hướng tiêu dùng mới, không chỉ hướng tới xuất khẩu mà phải hướng vào thị trường nội địa, hướng đến nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Chúng ta phải chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, từ cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn sang cơ cấu lại kinh tế nông thôn. Đây là bước chuyển lớn cho giai đoạn mới, đặc biệt là nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ gắn với công nghệ cao. Nếu chúng ta vẫn canh tác nông nghiệp hữu cơ theo kiểu truyền thống của ông cha thì năng suất, chất lượng và hiệu quả rất thấp, không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển.
Cuộc cách mạng 4.0 không để ai ngoài cuộc cả, và những ai đi sau sẽ cực kỳ thiệt thòi và lạc hậu. Chúng ta đã và đang bắt nhịp với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, nhưng phải nhanh hơn, thần tốc hơn.
Trong quá trình xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại kinh tế nông thôn, chúng ta phải lấy người dân làm trung tâm. Chúng ta phải làm sao để người nông dân đạt được trình độ của thời đại.
Tôi gặp một số chuyên gia nước ngoài, họ nói với tôi rằng nông dân Việt Nam thiếu chuyên nghiệp. Mà đúng thực như vậy. Hầu hết hoạt động sản xuất của người nông dân phụ thuộc vào các đại lý thuốc trừ sâu, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi. Họ rất thiếu tính chủ động.
Trong các chuỗi liên kết, ngay cả vấn đề hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với hợp tác xã và nông dân với doanh nghiệp cũng khá lỏng lẻo. Cho nên, Nhà nước cần phải có một chương trình đào tạo lại rất rõ, rất cơ bản để họ trở thành nông dân chuyên nghiệp thực sự.
Bẫy "4 không" là gì? Làm sao để không mắc bẫy?
Tôi nhớ cách đây 3 năm, tại buổi làm việc với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Chúng ta phải xây dựng một xã hội nông thôn văn minh và phồn thịnh”. Đấy là quan điểm rất đúng đắn. Hai từ “phồn thịnh” và “văn minh” hàm chứa đầy đủ ý nghĩa của sự giàu có, vừa bảo tồn được giá trị văn hóa truyền thống, vừa hội nhập với nền văn hóa quốc tế. Đó là điều cần thiết phải có.
Thời gian qua, chúng ta bàn luận nhiều đến những cụm từ “thành phố thông minh”, “phường, xã thông minh” nhưng nội hàm của những khái niệm đó đến bây giờ vẫn chưa rõ. Vậy thì khi chúng ta định hướng xây dựng nông thôn thông minh, cần phải làm rõ nội hàm của nó. Nếu không người dân sẽ lúng túng và hoang mang, thậm chí có những cái chúng ta tưởng đã đạt rồi mà thực ra chưa đâu vào đâu cả.
Tôi vẫn hay nói trong các hội nghị và tọa đàm rằng, chúng ta đang hướng tới công nghệ 4.0, nhưng không khéo nông nghiệp Việt Nam rơi vào bẫy “4 không”. Thứ nhất là không có nguồn lực, người có tiền thì không có đất, người có đất thì không có tiền. Thứ hai là không có lao động trẻ và có trình độ ở khu vực nông thôn. Thứ ba là không có công nghệ mới, chúng ta đang vấp phải cảnh cũ người mới ta, như thế thì làm sao phát triển mạnh mẽ được. Thứ tư là không có thông tin thật, bây giờ thông tin rất rối loạn, không chỉ không gian mạng mà cả thông tin đại chúng. Nếu chúng ta không chấn chỉnh được vấn đề này để cung cấp thông tin thật thì không khéo chúng ta sẽ đi lạc hướng.
Về nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, có những cái người dân phải tự lo cho chính họ, nhưng có những cái cần có bàn tay hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình là đầu tư để nâng cấp hạ tầng nông thôn, đầu tư để thúc đẩy chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới cho nông dân…
Vừa rồi Chính phủ đã hoạch định rất rõ nguồn lực nhà nước đầu tư cho nghiên cứu khoa học công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, khi xem xét Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội thông qua, tôi thấy rằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho phát triển nông thôn còn quá thấp, không đảm bảo mục tiêu như ban đầu đề ra là 5 năm sau tăng gấp đôi so với 5 năm trước.
Tôi rất mừng là vừa rồi Chính phủ đã khẳng định được vài trò quan trọng của doanh nghiệp trong đầu tư vào nông nghiệp, nhưng đến bây giờ các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ quá thấp trong tổng số doanh nghiệp của cả nước. Đó là những vấn đề chúng ta cần xem xét đến nơi đến chốn và phải rất cụ thể.
Tôi hy vọng thời gian tới, Trung ương sẽ có những chính sách lớn để tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, qua đó thích ứng với tình hình mới.
Cần cơ chế để nông dân, doanh nghiệp bắt nhịp thị trường nhanh hơn
Một trong những mục tiêu quan trọng trong Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 là thu nhập bình quân của người dân nông thôn sẽ tăng từ 2,5 đến 3 lần so với năm 2020. Tôi tin chúng ta đạt được. Nhưng để làm được điều đó, chúng ta cần giải quyết được một số vướng mắc nêu trên.
Tôi thấy rất lạ, 10 năm nay chúng ta đã xây dựng được sàn giao dịch bất động sản cho khu công nghiệp, khu đô thị nhưng lại không có sàn giao dịch đất nông nghiệp cho nông dân. Lần này Chính phủ đã xác định rất rõ thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp như quyền tài sản. Đồng thời nghiên cứu đổi mới hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất làm nền tảng để xây dựng “Ngân hàng đất” hỗ trợ cho giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp. Nếu làm được điều đó, chúng ta sẽ giải phóng được sức sản xuất rất lớn.
Thứ hai, chúng ta cũng phải nhận thức lại một số vấn đề xung quanh hợp tác xã, kinh tế hợp tác. Đừng nhầm hợp tác xã là kinh tế hợp tác. Chúng ta nhầm lẫn trong một thời kỳ quá dài. Và, ngay cả hợp tác xã cũng phải tổ chức lại sao cho thực sự đó là tổ chức hợp tác tự nguyện và cùng có lợi để giải quyết được những vấn đề then chốt của ngành nông nghiệp.
Thứ ba, thế giới đã đạt được những thành tựu vô cùng to lớn về nghiên cứu, sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Nhưng, chúng ta đi quá chậm mặc dù 10 năm trước đã có hẳn một chương trình quốc gia về nghiên cứu, sản xuất giống. Nhiều giống mới các nước phát triển đã khẳng định rồi nhưng đưa về Việt Nam vẫn phải khảo nghiệm hết năm nọ qua năm kia. Đến khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận giống thì các nước phát triển đã chuyển sang sử dụng giống khác rồi. Bởi vậy, cần có cơ chế, chính sách để nông dân, doanh nghiệp bắt nhịp thị trường trong nước và quốc tế nhanh hơn, từ đó tạo ra các sản phẩm thị trường có nhu cầu.