Trang trại trên sườn đồi khiến nhiều khách nước ngoài 'để ý'
Quảng Trị 'hồi sinh' hoạt động du lịch trong điều kiện mới từ tháng 1/2022
Đón doanh nghiệp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái
Vừa qua, cộng đồng các điểm du lịch xã Hướng Phùng, xã Tân Hợp (huyện Hướng Hóa, Quảng Bình) đã được đón những vị khách đặc biệt. 50 đại biểu đến từ Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Hội Lữ hành và các doanh nghiệp du lịch của 4 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế đã tham gia chuyến FAMTRIP Du lịch cộng đồng Chênh Vênh – Hướng Hóa 2022, góp phần phát triển chuỗi du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng tại các tỉnh miền Trung.
Đây là một hoạt động thuộc Tiểu hợp phần 6 của Dự án “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học” (VFBC) do USAID tài trợ, Helvetas Việt Nam phối hợp với Công ty Cổ phần TM và DV Ken Group (Ken Travel) thực hiện nhằm cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm của rừng đặc dụng và phòng hộ tại tỉnh Quảng Trị để giảm áp lực vào rừng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học.
Trong chuyến FAMTRIP lần này, ngoài việc giới thiệu tới các công ty lữ hành một điểm đến mới tại vùng khí hậu “tiểu Đà Lạt” của tỉnh Quảng Trị, Helvetas và Ken Travel đã tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp và Hiệp hội Du lịch để hoàn thiện sản phẩm du lịch tại Chênh Vênh (xã Hướng Phùng) và Vườn hoa Tà Cơn (Hợp tác xã Tân Hợp), góp phần đa dạng hoá sản phẩm du lịch cộng đồng, đáp ứng nhu cầu nhu cầu nghỉ ngơi, tìm hiểu thiên nhiên, đa dạng sinh học của du khách.
Đây cũng là dịp quảng bá du lịch Chênh Vênh, Vườn hoa Tà Cơn nói riêng và cho huyện Hướng Hóa nói chung, bởi nơi đây vốn là địa danh lịch sử nổi tiếng với Sân bay Tà Cơn, gắn liền với chiến thắng Khe Sanh. Các doanh nghiệp lữ hành tham dự sẽ thu thập thông tin để xây dựng và kết nối tour tuyến mới. Sau chuyến FAMTRIP này, các doanh nghiệp sẽ lên kế hoạch khai thác sản phẩm tour mới, đưa vào các điểm đến Chênh Vênh, Tà Cơn, Hướng Hoá từ mùa du lịch 2023 - 2024.
Đại biểu thích thú
Du khách thích thú "check-in" vườn chanh dây trĩu quả tại vườn hoa Tà Cơn (xã Tân Hợp).
Khám phá thác Chênh Vênh
Chênh Vênh là điểm đến hấp dẫn với đa dạng hoạt động trải nghiệm về tự nhiên và văn hóa. Đoàn FAMTRIP được trekking khám phá rừng vầu xanh mướt, đắm chìm trong dòng nước mát lạnh của thác Chênh Vênh và chèo thuyền kayak, giao lưu lửa trại với cộng đồng, thưởng thức các món ăn đặc trưng của người Vân Kiều, lưu trú qua đêm tại bản và thức dậy đón ánh nắng mai, nghe tiếng suối róc rách, ngắm trời xanh, mây trắng, nắng vàng và cảm nhận một chút se lạnh, trong lành của khí trời vùng cao Quảng Trị.
Vườn hoa Tà Cơn lại đem đến trải nghiệm thú vị và hoàn toàn khác với Chênh Vênh. Nhiều đại biểu lần đầu được làm quen với vườn chanh dây trĩu quả nên rất thích thú chụp ảnh "check in", xem quy trình múc dịch chanh dây, làm mứt cũng được các đại biểu hào hứng khám phá, trải nghiệm. Các đại biểu cũng được chị Lê Thị Huệ, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Hợp trình bày về quá trình sinh trưởng, quy mô sản xuất, giá cả của loài cây chanh leo đặc sản của HTX. Các đại biểu tin tưởng rằng, khách du lịch sẽ cực kỳ thích thú và hài lòng với những trải nghiệm thú vị này khi đến với vườn hoa Tà Cơn.
Theo kết quả từ phiếu khảo sát sau chuyến FAMTRIP, phần lớn các công ty tham gia đã dự kiến đưa điểm du lịch Chênh Vênh, vườn hoa Tà Cơn vào khai thác từ mùa tới (88% đối với Chênh Vênh; 70% đối với vườn hoa Tà Cơn)
Các đại biểu đều hứng thú và đánh giá cao chuyến FAMTRIP. Nhiều đại biểu cũng đã đóng góp những ý kiến có giá trị để hoàn thiện điểm du lịch mới đầy hấp dẫn này.
“Chênh Vênh là địa điểm đẹp, có cả suối, thác, khu vực bãi cắm trại… Hi vọng bà con vững tin làm du lịch vì đây là lựa chọn đúng đắn để cải thiện dần sinh kế của cộng đồng. Góp ý với bà con về gian hàng nên có nhiều sản phẩm hơn và được đóng gói để khách có thể mang về làm quà”, anh Nguyễn Đình Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Đại Bàng (Eagle) ở TP Huế chia sẻ.
“Làng du lịch sinh thái cộng đồng Chênh Vênh cần lắp internet, xây thêm nhà vệ sinh, chú ý vệ sinh cảnh quan cộng đồng, thêm đặc sản để làm quà cho du khách mua về, cải thiện phần ẩm thực. Thêm phần giao lưu và kể chuyện cho khách về bản sắc văn hoá dân tộc của làng Chênh Vênh. Nên bố trí 1 hướng dẫn viên chuyên nghiệp để có thể thổi hồn cho chương trình. Cố gắng cho đoàn đi tham quan được thật nhiều điểm tham quan, bao gồm các tuyến điểm lịch sử của Quảng Trị", chị Nguyễn Kim Liên, Giám đốc Công ty Du lịch OTG (Đà Nẵng) góp ý.
“Khu vực Chênh Vênh có những yếu tố thuận lợi để triển khai du lịch như mặt bằng cảnh quan tốt, gần đường lớn, có khu vực bãi cắm trại và suối đẹp. Khu vực Chênh Vênh cần có hướng dẫn viên để giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc, sắp đặt lại cảnh quan khu vực suối để tạo thành khu tắm riêng cho nam - nữ bằng cách sắp đặt đá; cải thiện thêm khu nhà vệ sinh để có thể phục vụ những đoàn khách lớn hơn", anh Võ Viết Hùng, Thành viên Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Khu du lịch - Nhà hàng Cồn Tộc (TP Huế) chia sẻ.
“Hiện nay, khách nước ngoài đang có xu hướng du lịch thiên nhiên nên để khu vực Chênh Vênh đón được nhiều khách nước ngoài, cần bắt đầu quảng bá. Sản phẩm du lịch cũng nên xác định rõ sản phẩm nào là nổi bật, sản phẩm chủ đạo. Nên có phòng trưng bày trang phục và cho thuê trang phục để trải nghiệm chụp ảnh và trang bị thêm thiết bị phát wifi", chị Phạm Thị Ái Hòa, Phó Giám đốc Công ty Vietnamtourism Hà Nội - Huế đóng góp ý kiến.
Sức hút núi rừng, văn hóa
Nằm lọt giữa những cánh rừng đại ngàn xanh ngát, thác Chênh Vênh ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) mang vẻ đẹp hoang sơ nhưng không kém phần hùng vĩ. Mảnh đất này ẩn chứa trong nó bao nhiêu điều thú vị. Những tảng đá đủ kích cỡ nằm giữa lòng suối. Dòng nước suối có đoạn phẳng lặng, có khúc cuộn ào ào, len lỏi qua những mỏm đá to nhỏ nhấp nhô.
Hai bên bờ suối là những “bức tường” bằng đá dựng đứng với vô số những khóm cây chằng chịt. Thời gian gần đây, địa điểm thác Chênh Vênh được rất nhiều dân “phượt” trẻ tuổi tìm đến khám phá, ghi lại những hình ảnh hoang sơ đưa lên mạng xã hội nên cộng đồng du lịch ngày càng biết đến nhiều hơn.
Cách thác Chênh Vênh khoảng vài km, có đường mòn đi bộ qua khu rừng trúc và đến khu suối và thác giữa rừng, cảnh quan trông rất bắt mắt. Ngoài ra, ở gần đỉnh đèo Sa Mù (khu vực cao có nhiều sương mù) có Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Khu này đang trồng thử nghiệm dâu tây và các loài lan, là địa điểm thú vị cho khách du lịch đến thăm, chiêm ngưỡng, chụp ảnh và mua sản phẩm.
Ngay cạnh thôn Chênh Vênh là con suối lớn, có vài khúc cua lộ ra những tảng đá lớn nằm san sát nhau với những hình thù và đường vân trông khá đẹp mắt trong lòng suối. Ngay cạnh bờ suối là những khoảng đất trống bằng phẳng, thích hợp cho việc tổ chức cắm trại, ăn đồ nướng, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ.
Trên đường đến thôn Chênh Vênh, có khá nhiều trang trại cafe lớn, vào mùa hoa cafe nở trắng xóa, cảnh quan nhìn rất đẹp, là điểm có thể khai thác cho hoạt động du lịch check-in chụp ảnh cho du khách.
Thôn Chênh Vênh cách trung tâm xã Hướng Phùng 3km, có 119 hộ dân, trong đó trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số. Truyền thống văn hóa đặc sắc của đồng bào Vân Kiều được lưu giữ và phát huy, trong đó đáng chú ý là hệ thống nhà sàn, văn hóa ẩm thực và nghề truyền thống vẫn được giữ gìn qua năm tháng.
Thôn Chênh Vênh vẫn còn bảo tồn và lưu giữ những nét văn hóa độc đáo của người Vân Kiều như nhà sàn, văn hóa ẩm thực, nghề truyền thống cùng các lễ hội, phong tục đặc sắc như cồng chiêng, hát dân ca, mừng lúa mới, cúng Giàng, tập tục đi Sim, tục cưới hỏi, tắm tiên, thưởng thức các làn điệu dân ca như Oát, Tà Oải, Cha Chấp, Ka Lơi, A Dên… và các nghề truyền thống như đan lát, chế tác nhạc cụ truyền thống. Đây là một trong những điều kiện rất thuận lợi trong việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng.
Nhiều năm nay, khách du lịch khắp nơi trong tỉnh thường xuyên tìm đến Chênh Vênh như một địa điểm vui chơi đầy lý thú, với bầu không khí trong lành, được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ và tìm hiểu truyền thống văn hóa đặc sắc của người bản địa.