Du lịch nông thôn tạo sinh kế cho nông dân
Xã người Dao đam mê làm du lịch
Xây dựng nông thôn mới gắn phát triển du lịch: [Bài 2] Tích hợp đa giá trị
Cần có cơ chế thu hút nhà đầu tư làm du lịch chuyên nghiệp
Hiện nay trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn đã trở thành xu thế tất yếu và đang trên đà phát triển, mở rộng, trở thành sản phẩm thu hút du khách du lịch với nhiều hoạt động trải nghiệm du lịch mang đặc trưng văn hóa nông nghiệp, nông thôn của điểm đến.
Một số tour du lịch cộng đồng gắn với vùng trung du, vùng núi phía Bắc đã trở thành “thương hiệu” của vùng như tour trải nghiệm, thăm quan nông trường Mộc Châu; tour du lịch ngắm ruộng bậc thang, thăm quan bản làng tại Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Lai Châu.
Bên cạnh đó còn có rất nhiều mô hình nông nghiệp phục vụ du lịch như: trang trại đồng quê tại Ba Vì (Hà Nội), mô hình phát triển du lịch cộng đồng Ecohost, du lịch nông nghiệp tại làng rau Trà Quế (Quảng Nam), ở thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) có mô hình người dân làm du lịch tại Cù Lao Thới Sơn, mô hình nhà vườn làm du lịch tại tỉnh Đồng Tháp…
Có thể nói, du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình khai thác các vùng nông thôn như một nguồn tài nguyên để đáp ứng nhu cầu của cư dân đô thị trong việc tìm kiếm không gian yên tĩnh và giải trí ngoài trời hơn là chỉ liên quan đến thiên nhiên.
Hay nói một cách khác, du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch trong đó nông nghiệp, sinh hoạt nghề truyền thống, cảnh quan nông thôn... vốn chưa được xem là tài nguyên du lịch giờ được sử dụng như những tài nguyên du lịch dành cho du khách tiếp xúc trải nghiệm với đời sống nông thôn.
Tiềm năng của Ninh Bình
Theo Sở Du lịch Ninh Bình, tỉnh là vùng đất có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn. Là một tỉnh thuần nông, với hơn 70% dân số sống ở nông thôn, sở hữu nền sản xuất sinh thái nông nghiệp đã có truyền thống, lịch sử lâu đời, nhiều cánh đồng ở Ninh Bình đã xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng của thế giới, như cánh đồng lúa Tam Cốc đã từng lọt top 15 địa danh “tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến” do tờ Telegraph (Anh) bình chọn, tạp chí Business Insider khi đứng đầu danh sách 50 điểm đến hấp dẫn nhất.
Ngoài cánh đồng lúa Tam Cốc nổi tiếng, thì Ninh Bình có nhiều cánh đồng đang triển khai các mô hình canh tác thu hút quan tâm của du khách trong và ngoài nước đến tham quan và chụp ảnh, như cánh đồng dứa Đồng Giao trải dài ngút mắt xen giữa những dãy núi trùng điệp là nơi lý tưởng cho những người thích khám phá vào dịp mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8, cánh đồng hoa Ninh Phúc với nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc, khoe hương, làng hoa Đào Đông Sơn Tam Điệp bừng sắc hoa Đào mỗi dịp xuân về, …
Ngoài ra, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long được công nhận năm 1999. Kể từ đó, mô hình du lịch nông nghiệp ở Ninh Bình được hình thành, đưa vào khai thác. Bắt đầu từ việc du khách đến với Vân Long có nhu cầu nghỉ tại nhà dân, tìm hiểu và khám phá cuộc sống của cư dân địa phương.
Đến nay mô hình này đã lan rộng ra nhiều địa phương trong toàn tỉnh và được triển khai dưới các loại hình du lịch homestay, du lịch cộng đồng… Các địa phương phát triển mạnh mô hình du lịch này như: xã Gia Vân, Gia Hòa (Gia Viễn), xã Sơn Hà (Nho Quan), xã Ninh Xuân, Ninh Hải, Trường Yên (Hoa Lư) và Yên Mạc, Yên Từ (Yên Mô), thành phố Tam Điệp…
Tại Ninh Bình, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ khách nông thôn phần nào đáp ứng được nhu cầu lưu trú, ăn nghỉ của du khách. Tính đến 31/12/2022, toàn tỉnh có 800 cơ sở lưu trú du lịch, với gần 10.000 phòng nghỉ. Bên cạnh đó, toàn tỉnh còn có 990 trang trại, gia trại, trong đó có 88 trang trại tổng hợp với diện tích đất bình quân 4,5ha/trang trại.
Gắn du lịch với phát triển
Chia sẻ về phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc sở Du lịch Ninh Bình khẳng định, định hướng của tỉnh trong thời gian tới là du lịch gắn với phát triển từ đó sẽ đưa ra những chính sách hỗ trợ phù hợp.
“Du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình kết hợp giữa hiện đại với truyền thống, tạo ra một cách làm mới. Ví dụ, chúng ta có thể gắn những trải nghiệm làng quê vào những tour du lịch thông thường, từ đó giúp những du khách thành thị khám phá được những sự mới lạ trong chuyến đi của họ”, ông Bùi Văn Mạnh chia sẻ.
Khẳng định thêm định hướng này, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nói: “Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 22 nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra nhiệm vụ là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch”.
Cụ thể, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tiếp tục thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa hữu cơ, tiên tiến, phát huy các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương, xây dựng và hình thành các chuỗi giá trị nông sản của tỉnh, gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tiếp tục tập trung xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao kiểu mẫu, thực chất để không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, gắn dây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại và phát triển du lịch..
Có thể thấy, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới đang dần trở thành xu hướng phát triển kinh tế bền vững tại các địa phương. Đặc biệt là khai thác các giá trị nội tại vùng nông thôn, duy trì, bảo tồn và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đang phải chịu áp lực của phát triển kinh tế đô thị.
Ngoài ra đây là nguồn đem lại thu nhập kinh tế cho người dân, là cơ sở tiền đề để thúc đẩy du lịch phát triển và ở chiều ngược lại, phát triển du lịch dựa trên tài nguyên nông nghiệp cũng làm gia tăng giá trị các sản phẩm nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nông dân, qua đó bảo tồn, phát huy các giá trị tự nhiên, văn hóa truyền thống nông thôn.