Phát triển sản phẩm OCOP gắn du lịch

Bình luận · 247 Lượt xem

Với tiềm năng và lợi thế về du lịch, tỉnh Bình Thuận đang phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP để phục vụ cho du khách.

 

Trứng vịt biển Đồng Rui hướng tới chế biến ăn liền và xuất khẩu

Hải Dương chuẩn bị kỹ cho tiêu thụ, xuất khẩu 40.000 tấn vải thiều

Nơi làm ra sợi miến dong OCOP 5 sao giữa núi rừng Na Rì

Hành trình 5 sao của sợi miến dong riềng đỏ đặc sản Bắc Kạn

Một số sản phẩm OCOP đặc trưng

Theo ông Ngô Minh Trang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện nay các hoạt động du lịch trải nghiệm gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh chưa nhiều.

 

Tuy nhiên bước đầu du khách có thể tham quan trải nghiệm quy trình làm nước mắm tại 2 cơ sở có sản phẩm OCOP 4 sao trên đường Nguyễn Thông, phường Phú Hài (TP Phan Thiết).

 

Đó là Công ty TNHH Nước mắm Cá Đen với 2 sản phẩm OCOP 4 sao gồm nước mắm và mắm nêm có gia vị và Bảo tàng nước mắm Làng chài xưa của Công ty TNHH Seagull với sản phẩm OCOP 4 sao (Nước mắm Tĩn 400N).

 

Một điểm nữa là cửa hàng Hải Nam Foods, địa chỉ 63 Bis Nguyễn Thông của Công ty Hải Nam, tại đây du khách có thể mua các sản phẩm được chế biến từ hải sản chất lượng, cũng như các sản phẩm nước mắm nổi tiếng của Phan Thiết.

 

Đặc biệt, Công ty Hải Nam có 2 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao gồm rong nho tươi và rong nho tách nước.

 

Nếu du khách đi lên Quốc lộ 28 có thể dừng tại điểm trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của HTX thanh long sạch Hòa Lệ nằm tại thị trấn Ma Lâm, huyện Hàm Thuận Bắc.

 

Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc HTX thanh long sạch Hòa Lệ cho biết, hiện HTX có 10 ha thanh long sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, 25ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, HTX còn liên kết tiêu thụ hơn 100 ha thanh long sản xuất GlobalGAP, VietGAP với các HTX, hộ nông dân trên địa bàn các huyện trong tỉnh.

 

Để đa dạng các sản phẩm, HTX đã đầu tư nhà sơ chế, với các loại máy móc hiện đại để chế biến thanh long theo quy trình khép kín. Nhờ vậy HTX không chỉ xuất khẩu thanh long quả tươi sang các thị trường Nhật, Úc, Nga… thông qua liên kết với các công ty ở TP. HCM mà còn phát triển nhiều sản phẩm chế biến từ thanh long đạt chứng nhận OCOP phục vụ du khách trong và ngoài tỉnh.

 

“Hiện HTX đã có 1 sản phẩm OCOP 4 sao đó là thanh long tươi ruột trắng và 2 sản phẩm OCOP 3 sao gồm kem thanh long tươi và rượu đế thanh long. Bên cạnh đó, hiện HTX còn phát triển nhiều sản phẩm như trà hoa thanh long, hoa thanh long sấy, thanh long sấy dẻo trắng, thanh long sấy dẻo đỏ, mứt thanh long, nước cốt thanh long trắng, nước cốt thanh long đỏ, rượu vang thanh long, rượu thanh long Men's… Các sản phẩm đã được đăng ký từ cuối năm ngoái và trong năm nay sẽ được hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP”, ông Hiệp chia sẻ.

 

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận, hiện toàn tỉnh có 70 sản phẩm đạt OCOP của 46 chủ thể gồm 15 HTX, 1 Tổ hợp tác và 18 doanh nghiệp, còn lại là cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh. Trong đó có 34 sản phẩm đạt 4 sao, 34 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao. Những sản phẩm chủ lực, lợi thế của tỉnh như nước mắm, sản phẩm từ cây thanh long. Mặc dù sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận còn ít, nhưng đi đúng hướng, không chạy theo số lượng mà chú trọng chất lượng, có tính khuyến khích, vận động các chủ thể tập trung vào khâu chế biến, chế biến sâu để tăng cao giá trị sản xuất.

 

Đẩy mạnh quảng bá sản phẩm OCOP gắn du lịch

Cũng theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn Bình Thuận, trong tương lai, với sự phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch nông nghiệp, các sản phẩm OCOP sẽ là một yếu tố thu hút du khách đến với Bình Thuận thông qua các hoạt động trải nghiệm, khám phá những nét văn hóa chứa đựng trong từng sản phẩm của địa phương.

 

Nhận thấy nhu cầu du lịch này, ngành nông nghiệp Bình Thuận đang định hướng các chủ thể phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, trong đó có sản phẩm OCOP để phục vụ cho du khách.

 

“Chúng tôi xác định tầm quan trọng của việc phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch, là kênh quảng bá thương hiệu, hình ảnh văn hóa, con người Bình Thuận đến với du khách thông qua những món quà lưu niệm, những sản phẩm chất lượng khi đến du lịch tại Bình Thuận.

 

Vì vậy, năm 2021, ngành nông nghiệp Bình Thuận đã phối hợp với Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thành phố Phan Thiết lựa chọn xây dựng thí điểm 2 điểm trưng bày và bán sản phẩm tại nơi có dân cư đông đúc, có lượng xe khách tham quan qua lại thường xuyên.

 

Đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để thông tin đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn giới thiệu rộng rãi 2 điểm bán này cho du khách”, lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn bày tỏ và cho biết thêm, Sở NN- PTNT cũng đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức nhiều hội nghị, sự kiện kết nối cung - cầu nhằm đưa sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng vào các siêu thị và cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh.

 

Một điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận đến với du khách và người dân. Ảnh: KS.

Một điểm giới thiệu sản phẩm OCOP của tỉnh Bình Thuận đến với du khách và người dân. Ảnh: KS.

 

Cùng với đó, trong kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Bình Thuận cũng đã đưa nội dung khảo sát, xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP tại các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh tại các thành phố lớn trên cả nước.

 

Tỉnh cũng có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư các điểm, trung tâm giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại các địa điểm du lịch trọng điểm.

 

Đồng thời giao Sở NN-PTNT tham mưu Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định về nội dung, mức chi hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng các Trung tâm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh đáp ứng các tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP theo Quyết định 950 ngày 18/4/2023 của Bộ Công thương.

 

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai chương trình OCOP hiệu quả, thực chất, không chạy theo số lượng, khuyến khích các cơ sở sản xuất đẩy mạnh chế biến và chế biến sâu. Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có 3-5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia.

 

Để làm được điều này, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nâng cấp các sản phẩm OCOP của địa phương đặc biệt các sản phẩm chế biến thành 4 sao, 5 sao, từng bước hỗ trợ các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn để đưa vào các hệ thống bán lẻ trong nước. Bên cạnh đó, hình thành các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các trung tâm du lịch của tỉnh, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để kết nối tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường cho các sản phẩm OCOP…

Bình luận