Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu

Bình luận · 218 Lượt xem

Muốn tăng xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, phải xây dựng được các cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Vì vậy, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 889/TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt kế hoạch xây dựng các cơ sở, vù

Chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chăn nuôi phải đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Tại tọa đàm trực tuyến “Phổ biến và giải đáp những quy định mới của pháp luật về thú y” mới đây, ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), nhận định ngành chăn nuôi những năm gần đây phát triển mạnh, nhưng điểm yếu lớn nhất là xuất khẩu sản phẩm rất hạn chế. Cả năm 2022, giá trị xuất khẩu thịt động vật và các sản phẩm từ động vật chỉ đạt 400 triệu USD, thấp hơn rất nhiều so với giá trị nhập khẩu.

ĐƯA NGÀNH CHĂN NUÔI HÒA NHẬP THẾ GIỚI

Trong 7 tháng của năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 277 triệu USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm trước. Sản phẩm thịt gia súc, gia cầm của Việt Nam hiện đã được xuất khẩu sang các nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…

Đối với thịt lợn, sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là thịt lợn sữa đông lạnh với hơn 19.000 tấn, trị giá trên 18,4 triệu USD trong nửa đầu năm 2023; tăng 3,0% về lượng và tăng 17,0% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường xuất khẩu thịt lợn sữa đông lạnh lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu tăng 13,0% về lượng và tăng 43,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu  - Ảnh 1

Ngoài ra, thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh của Việt Nam đang được xuất khẩu sang thị trường Lào, Papua New Guinea, Malaysia. Đối với lợn sống, năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 21.560 con nhưng 6 tháng đầu năm 2023 chỉ xuất được 6.833 con.

Xuất khẩu thịt gia cầm trong nửa đầu năm nay đạt 75 triệu USD, tăng đột biến hơn 46% về lượng và hơn 79% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 18,87 nghìn tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm các loại, giá trị đạt 84,6 triệu USD.

Theo ông Long, mặc dù là nước có đàn gia cầm số lượng lớn thứ 2 thế giới, đàn lợn lớn thứ 5 thế giới, nhưng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi mới chỉ đạt hơn 400 triệu USD/năm là quá nhỏ so với nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi lên tới 3,32 tỷ USD trong năm 2022.

Nguyên nhân cơ bản là do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các quy định, quy chuẩn về vệ sinh thú y tại Việt Nam còn lỏng lẻo, chưa đạt theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới. Điều cốt lõi là ở Việt Nam vẫn còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm trên động vật, dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người khiến các nước nhập khẩu quan ngại.

Nhằm giải quyết vấn đề này, Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật để thúc đẩy xuất khẩu, giai đoạn 2023-2030.

“Khi đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng một ngày sau khi đăng ký kiểm dịch”.

Bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng, Cục Thú y.

Quyết định 889 đề ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 19 vùng chăn nuôi đạt an toàn dịch bệnh theo quy chuẩn của Việt Nam. Trong đó, 4 vùng của tỉnh Bình Phước và 1 vùng của tỉnh Tây Ninh đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE). Đến năm 2030, sẽ có 8 vùng của tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Tây Ninh được xây dựng theo tiêu chuẩn của OIE.

Về xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật, Quyết định nêu rõ, phấn đấu xuất khẩu được thịt gà chế biến sang các thị trường Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc) và 5 nước Liên minh kinh tế Á - Âu và các thị trường Hàn Quốc, Singapore, Anh, EU và Trung Quốc.

Để giúp địa phương, doanh nghiệp, trang trại có cơ sở triển khai thực hiện, Cục Thú y đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 24/2022 ngày 30/12/2022, quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật. Đề cập những điểm mới trong Thông tư 24, bà Huỳnh Thị Thanh Bình, Trưởng phòng Thú y cộng đồng (Cục Thú y) cho biết với các cơ sở, vùng đã được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh trước ngày Thông tư có hiệu lực (15/2/2023), sẽ phải bổ sung Kế hoạch an toàn sinh học, kế hoạch giám sát dịch bệnh, kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo quy định tại thông tư này trong vòng 12 tháng.

NHIỀU VẤN ĐỀ CHƯA THÔNG

Một doanh nghiệp tại Tây Ninh đặt câu hỏi nếu đã có chứng nhận an toàn dịch bệnh, thì có cần tiêm phòng cho vật nuôi hay không? Giải đáp thắc mắc này, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cho biết theo quy định của OIE, về nguyên lý nếu đã tiêm vaccine phải chứng minh vaccine hiệu quả, phải có đánh giá sau tiêm phòng.

Nếu không tiêm phòng thì phải chứng minh vùng đó có an toàn dịch bệnh. Giải pháp trước mắt vẫn cần tiêm phòng và lấy mẫu lại để giám sát. Tất cả các loại vaccine được cung ứng ra thị trường, tiêm đúng liều chắc chắn sẽ đáp ứng tỷ lệ kháng thể theo yêu cầu.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai, nêu vấn đề: công tác xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, phần kinh phí trước đây 300.000 đồng, giờ thành 3,5 triệu đồng hỗ trợ cho mỗi trang trại, các đơn vị địa phương chưa kịp điều chỉnh...

Bình luận