Cấp giấy chứng nhận giảng viên TOT-IPM cho 35 cán bộ

Bình luận · 232 Lượt xem

Các giảng viên TOT-IPM sẽ phục vụ công tác đào tạo, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân về quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu tại các địa phương.

Chiều 15/9, Cục Bảo vệ thực vật đã tổ chức bế giảng, trao giấy chứng nhận giảng viên TOT-IPM về quản lý sâu keo mùa thu tổng hợp trên cây ngô cho 35 cán bộ đang công tác tại các Chi cục Trồng trọt & BVTV ở 17 tỉnh thành.

Lớp đào tạo giảng viên TOT-IPM diễn ra trong 5 ngày (từ ngày 11 - 15/9) với sự tham gia của 35 cán bộ kỹ thuật ở 17 tỉnh/thành có diện tích trồng ngô lớn và đang bị sâu keo mùa thu gây hại tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ.

Sau 5 ngày, các học viên đã được bổ sung kiến thức về cách nhận biết hình thái, đặc tính sinh trưởng, phát triển và phân biệt sâu keo mùa thu với các loại sâu khác; biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp trong quản lý sâu keo mùa thu như biện pháp canh tác, biện pháp thủ công, biện pháp sinh học, biện pháp bẫy, bả và biện pháp hóa học…

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu bế mạc lớp đào tạo. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật phát biểu bế mạc lớp đào tạo. Ảnh: Quang Yên.

Ngoài ra, các học viên cũng được đào tạo, trau dồi kỹ năng huấn luyện và xây dựng kế hoạch các lớp FFS (huấn luyện nông dân), các mô hình trình diễn về quản lý sâu keo mùa thu.

Thông qua khóa đào tạo, các học viên được đào tạo kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng điều tra, đánh giá, kỹ năng truyền thông… từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để áp dụng trong công việc, tổ chức các hoạt động cộng đồng và tổ chưc sản xuất.

Kết thúc khóa đào tạo, học viên sẽ trở thành giảng viên TOT-IPM cho các tỉnh để phục vụ công tác đào tạo, tổ chức các lớp huấn luyện nông dân về quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu và kịp thời đưa ra biện pháp nhằm lan tỏa, tiếp cận đến bà con nông dân, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp tại địa phương theo hướng bền vững, giảm thiểu rủi ro về thuốc BVTV, an toàn với môi trường, sức khỏe con người và đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai.

Các học viên được cấp giấy chứng nhận giảng viên TOT. Ảnh: Quang Yên.

Các học viên được cấp giấy chứng nhận giảng viên TOT. Ảnh: Quang Yên.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, mặc dù sâu keo mùa thu được khống chế tại nước ta nhưng chỉ cần lơ là sẽ rất nguy hiểm.

Do đó, Cục đã tổ chức các lớp tập huấn phòng trừ sâu keo mùa thu cho các cán bộ trồng trọt tại những địa phương có diện tích ngô lớn.

Theo ông Dương, mặc dù thời gian đào tạo ngắn nhưng cách đào tạo, tiếp cận vấn đề được các giảng viên đưa ra phù hợp, thực tế.

“Sau lớp tập huấn các cán bộ cần phối với Chi cục Trồng trọt & BVTV xây dựng được mô hình, tổ chức các lớp tập huấn TOT. Các học viên phải tham mưu được cho lãnh đạo xây dựng được kế hoạch chung trong việc phòng chống sâu keo mùa thu hàng năm”, ông Dương nhấn mạnh.

Năm 2022 tại Sơn La, Cục BVTV phối hợp cùng Văn phòng FAO (Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc) tại Việt Nam cũng đã tổ chức khóa đào tạo giảng viên (TOT) về quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu trên cây ngô ở các tỉnh phía Bắc theo hướng an toàn, hiệu quả, hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học. Qua đó, phát triển các giải pháp quản lý dịch hại bền vững trên cây ngô nói chung và sâu keo mùa thu nói riêng.

Ông Nguyễn Quý Dương (trái) kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô của nông dân tại huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Hùng.

Ông Nguyễn Quý Dương (trái) kiểm tra tình hình sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô của nông dân tại huyện Mộc Châu (Sơn La). Ảnh: Nguyễn Hùng.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV cho biết, ngay khi phát hiện sự xâm nhập của loài sâu keo gây hại cây ngô tại các tỉnh miền Bắc, Cục BVTV đã kịp thời báo cáo Bộ NN-PTNT và đề xuất giải pháp phòng chống. Cục BVTV đã giao các trung tâm BVTV vùng thuộc Cục triển khai các điều tra, nghiên cứu về sâu keo mùa thu, từ đó đưa ra biện pháp phòng trừ phù hợp với điều kiện thực tế.Cục BVTV cũng đã tham mưu Bộ NN-PTNT chỉ đạo, ban hành quy trình phòng chống sâu keo mùa thu tại Quyết định số 218/QĐ-BNN-BVTV ngày 16/01/2020.

Ông Nguyễn Quý Dương nhấn mạnh, với tốc độ xâm nhập nhanh của sâu keo mùa thu, cần phải triển khai các biện pháp theo hệ thống quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) mới có thể phát huy hiệu quả cao, mang tính lâu dài, giảm chi phí phòng trừ và thân thiện với môi trường. Vì vậy, trong khuôn khổ Dự án hỗ trợ kỹ thuật xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), Cục BVTV đã phối hợp với Văn phòng FAO Việt Nam tổ chức khóa đào tạo giảng viên (TOT) về quản lý tổng hợp sâu keo mùa thu gây hại trên cây ngô.

Sau lớp đào tạo giảng viên tại Sơn La, 6 tỉnh phía Bắc đã được lựa chọn triển khai mô hình phòng chống sâu keo mùa thu với các lớp học hiện trường kèm theo. Đây là các tỉnh có nhiều diện tích trồng ngô, có nhiều diện tích nhiễm sâu keo mùa thu. Từ các mô hình và lớp học hiện trường về phòng chống sâu keo mùa thu này, sẽ là hạt nhân giúp truyền thông, lan tỏa cho bà con nông dân ở các địa phương…

Bình luận