Ba Vì tháo gỡ khó khăn trong xây dựng nông thôn mới
Hà Nội có 15 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới
Anh Phạm Văn Hoạch, Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cho biết, địa phương nghèo, thu ngân sách trước đây mỗi năm chỉ cỡ trên 100 tỉ, giờ khoảng 300 tỉ, chủ yếu từ đấu giá đất. Bởi thế, nguồn vốn đối ứng, giải phóng mặt bằng cho xây dựng các công trình đầu tư có mục tiêu rất khó khăn khiến tiến độ thực hiện bị chậm. Cấp huyện đã nghèo, cấp xã khi thực hiện việc đấu giá đất cũng rất khó bởi thị trường đóng băng, nguồn thu không được bao nhiêu.
Để huy động mọi nguồn lực của nhân dân, các tổ chức xã hội cùng chung sức xây dựng NTM, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các xã trong việc bố trí nguồn kinh phí đầu tư công trình xây dựng NTM, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai kiên cố hóa giao thông nông thôn theo QĐ 16 của TP.
Cơ chế hỗ trợ kinh phí là ngân sách TP 80% chi phí mua vật liệu, ngân sách huyện 20% chi phí vật liệu. Các doanh nghiệp lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và tự toán miễn phí. Việc quản lý dự án do thôn tự quản lý, người dân đóng góp ngày công, trí tuệ, tiền của, nhờ đó tiết kiệm được 1/3. Từ năm 2010-2020 trên toàn huyện đã triển khai thi công 169km đường giao thông thôn, xóm và rãnh thoát nước với kinh phí chỉ 237 tỉ đồng.
Việc thực hiện cơ chế đặc thù đã giảm áp lực về kinh phí xây dựng NTM cho ngân sách Nhà nước, không để nợ đọng trong xây dựng, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành sớm tiêu chí về đường giao thông, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng. Quá trình triển khai đã tạo ra phong trào hiến đất, mở đường xây dựng NTM sâu rộng. Từ bước đầu thực hiện còn khó khăn, có hộ chính quyền phải đến vận động rất nhiều lần, có hộ yêu cầu hỗ trợ kinh phí, vật liệu để xây dựng lại sau khi phá công trình dỡ.
Thành phố tập trung đầu tư các công trình lớn như đường giao thông liên xã, liên thôn, các công trình phúc lợi xã hội như trụ sở, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, còn các công trình nhỏ thì do huyện và người dân đóng góp. Ứng Hòa xác định đi chậm mà chắc. Việc đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi xã hội giai đoạn trước đây huyện tập trung vào sửa chữa và nâng cấp nhưng giai đoạn sau này thì xây mới, đầu tư đâu được đấy. Các khu cũ chật hẹp thì quy hoạch ra khu mới cho nên các công trình, nhất là trường học đảm bảo về mặt diện tích, cơ sở vật chất, với số vốn mỗi cái lên tới vài chục tỉ đồng.
Bên cạnh sự chung sức của các đơn vị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, Ứng Hòa còn huy động được sự giúp đỡ của các quận nội thành giúp đỡ xây dựng NTM. Tính đến hết năm 2020 huyện đã nhận được hỗ trợ của 4 quận với tổng kinh phí 126.120 triệu đồng trong đó quận Đống Đa hỗ trợ 38.120 triệu đồng, hỗ trợ xã Đông Lỗ mua trang thiết bị y tế và xây dựng trường Mầm non xã Phương Tú; quận Cầu Giấy hỗ trợ 23.000 triệu đồng, xây dựng nhà văn hóa thôn An Phú, xã Hòa Phú và hỗ trợ xã Hòa Lâm xây dựng Trạm y tế, nhà văn hóa thôn Trạch Xá, hội trường UBND xã; quận Hoàng Mai hỗ trợ 30.000 triệu đồng để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp trường Tiểu học Tân Phương, thị trấn Vân Đình; quận Tây Hồ hỗ trợ 35.000 triệu đồng để xây dựng trường Mầm non xã Sơn Công...
Năm 2021 huyện lại nhận hỗ trợ 35.800 triệu đồng của quận Tây Hồ hỗ trợ để xây dựng trường Tiểu học xã Tảo Dương Văn.
Có được điều này nhờ vào nhiều nguồn lực. Huyện đã tổ chức lễ phát động “Toàn dân chung sức xây dựng NTM” với trên 1.000 cán bộ, đảng viên và người dân tham dự. Chỉ đạo các xã, các thôn, các đoàn thể tổ chức lễ phát động, tổ chức hội thi tại các cụm dân cư, các thôn làng tạo phong trào thi đua sôi nổi. Đến nay toàn huyện đã huy động được 800.348 triệu đồng từ nhân dân đóng góp với nhiều hình thức như bằng tiền mặt, hiến đất, ủng hộ ngày công, vật liệu.