Chủ tịch Đồng Tháp: Tháo điểm nghẽn, mở đường rộng cho đầu tư nông nghiệp

Bình luận · 202 Lượt xem

Đồng Tháp trong ký ức nhiều người dân là “rốn phèn”, giao thông cách trở, nhưng nay đã khoác lên mình bộ áo mới và 15 năm liền dẫn đầu khu vực ĐBSCL về PCI.

 

Tiếp cận giá trị rừng ở góc độ nhân văn, xã hội và văn hóa

OCOP mở đường cho nông sản đi xa

Đồng Tháp thuần khiết như sen

Ở làng thông minh Tân Thuận Tây

Từ xuất phát điểm là một địa phương thuần nông “khuất nẻo”, nhưng “trong cái khó, bó cái khôn”, với sự nhiệt huyết đoàn kết nhất trí cao của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân đã phát huy tiềm năng lợi thế, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Đồng Tháp đã vươn lên tốp đầu khu vực. 

 

Chia sẻ về kết quả đạt được trong thời gian qua cũng như định hướng phát triển của địa phương trong thời gian tới, ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã dành cho Báo Nông nghiệp Việt Nam cuộc trao đổi.

 

Được biết, trong 6 tháng đầu năm nay tỉnh Đồng Tháp nằm trong tốp dẫn đầu khu vực ĐBSCL về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xin ông chia sẻ sâu hơn thông tin vui này.

 

Theo kết quả công bố của Tổng Cục Thống kê, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 của Đồng Tháp ước đạt 5,89%, tăng cao hơn cùng kỳ năm trước 2,06%, đứng thứ 6 khu vực ĐBSCL. Trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 5,38%, cao hơn cùng kỳ 5,83%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,53%, thấp hơn cùng kỳ 1,56%. Còn khu vực thương mại - dịch vụ (kể cả thuế sản phẩm) tăng 6,48%, cao hơn cùng kỳ 1,03%.

 

Tình hình kinh tế trong tháng 6 tiếp tục có nhiều điểm sáng. Ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển khá nhờ vào hoạt động sản xuất và tiêu thụ lúa, hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày có nhiều thuận lợi. Về sản lượng, diện tích thu hoạch tăng so với cùng kỳ và giá bán tiếp tục ở mức cao, lợi nhuận tiếp tục tăng; ngành thủy sản có giá bán tiếp tục tăng và đạt lợi nhuận khá ở hầu hết các loại. Ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển tốt so cùng kỳ. Hoạt động thương mại - dịch vụ tiếp tục có nhiều khởi sắc. Hoạt động giải ngân vốn đầu tư công có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2022.

 

Có thể nói Đồng Tháp là tỉnh thuần nông trong khi giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp thường thấp hơn các lĩnh vực khác, thế nhưng tỉnh Đồng Tháp vẫn lọt vào tốp địa phương có mức tăng trưởng cao, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, nhờ đâu địa phương có được thành quả đó, thưa ông?

 

Sau dịch Covid-19, hầu hết các ngành sản xuất, xuất khẩu đều gặp khó khăn. Trong đó, ngành nông nghiệp phải đối mặt với bất cập khi mà thị trường xuất khẩu, giá bán giảm nhưng nguyên vật liệu đầu vào lại tăng liên tục. Xuất khẩu thủy sản chiếm tỷ trọng lớn (hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) nhưng giảm hơn 40%, bù lại xuất khẩu gạo tăng hơn 70%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023 kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 770 triệu USD, giảm 16,45% so với cùng kỳ năm trước.

 

Với mức tăng trưởng 5,38% khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đạt mức tăng cao nhất trong 6 tháng đầu năm trong 5 năm trở lại đây. Tuy vậy, đây cũng chưa phải là mức tăng cao nhất đạt được trong 10 năm qua. 

 

Về cơ cấu kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 33,4%, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 20,38%, khu vực dịch vụ chiếm 40,03%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 6,2%. 

 

Cơ cấu trên cho thấy Đồng Tháp đã có sự chuyển dịch kinh tế mạnh mẽ từ nông nghiệp sang công nghiệp - xây dựng, thương mại dịch vụ, chủ yếu là gắn kết sản xuất nông nghiệp với chế biến và giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp.

 

Riêng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương cũng đã triển khai nhiều mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Tích cực vận động nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp…

 

Với cuộc vận động chuyển đổi tư duy sản xuất trong khu vực nông nghiệp, chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp sang phi nông nghiệp, thu nhập của người dân không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,7%, 99% xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới và nhiều xã đạt tiêu chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. 

 

Đồng Tháp trong ký ức của nhiều người dân là “rốn phèn” Đồng Tháp Mười, giao thông cách trở, nhưng nay đã khoác lên mình bộ áo mới, không những vươn lên “bằng chị, bằng anh” mà còn nức tiếng “Đất Sen hồng nghĩa tình”, 15 năm dẫn đầu khu vực về môi trường đầu tư kinh doanh (PCI), xin ông chia sẻ kinh nghiệm về quản lý điều hành của địa phương trong thời gian qua? 

 

Đồng Tháp - một địa phương còn nhiều hạn chế về hạ tầng giao thông mà chúng tôi thường nói là “khuất nẻo” nhưng lại được doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh, điều đó được chứng minh qua suốt thời gian 15 năm qua, PCI của tỉnh Đồng Tháp luôn đứng thuộc tốp đầu cả nước và dẫn đầu khu vực.

 

Để đạt được kết quả trên, địa phương đã xây dựng đề án và cụ thể hóa bằng chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động. Trong đó, xác định điều đầu tiên là phải thay đổi tư duy đội ngũ cán bộ, công chức từ chính quyền hành chính sang chính quyền phục vụ, trong đó lấy người dân và doanh nghiệp là chủ thể chính để phục vụ.

 

Lãnh đạo địa phương luôn xác định mình là “đầu tàu” kéo cho cả con tàu cùng tiến về phía trước. Mỗi cán bộ, công chức phải xây dựng được hình ảnh thân thiện gần gũi người dân qua cách ăn mặc, tác phong, lời nói, cử chỉ, hành động; nói phải đi đôi với làm để tạo niềm tin cho người dân. Việc ban hành văn bản hành chính cũng phải dùng từ ngữ địa phương dễ hiểu, để người dân dễ nắm bắt, dễ nhớ. Hàng tuần, cán bộ công chức phải có ít nhất một hoạt động tiếp xúc với người dân như “ngày thứ sáu lắng nghe dân nói”…

 

Về phía lãnh đạo tỉnh, ngoài các cuộc tiếp công dân định kỳ, địa phương còn tổ chức các cuộc gặp gỡ khác như cà phê doanh nhân, thăm hội quán, thăm các mô hình sản xuất, thăm doanh nghiệp… Các hoạt động này luôn được duy trì và ngày càng được mở rộng không gian tổ chức xuống đến các khu, cụm công nghiệp, huyện, thị xã… Đồng thời, hàng tuần, hàng tháng, địa phương cũng có những cuộc làm việc nội bộ, tự soi rọi lại mình để xem bộ phận nào, ngành nào chưa thực hiện tốt công việc được giao, để kịp thời chấn chỉnh, tránh tình trạng người dân phản ánh nhưng cán bộ chỉ ghi chép lại rồi để đó mà không thực hiện.

 

Trước tình hình khó khăn chung của kinh tế trong nước và thế giới nhưng Đồng Tháp vẫn giữ được tăng trưởng vững chắc. Với nền tảng đó, ông có kỳ vọng gì về sự phát triển của địa phương trong các tháng cuối năm 2023?

 

Mặc dù tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn cùng kỳ năm trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức kế hoạch đặt ra cho cả năm 2023 (tăng 7,5%), vì vậy nhiệm vụ còn lại của các tháng cuối năm là rất nặng nề.

 

Cụ thể, để đạt được tăng trưởng cả năm 2023 là 7,5%, 6 tháng cuối năm phải đạt được mức tăng 8,88%. Trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,52%, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 13,21%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 12,46%.

 

Để đạt được mục tiêu đề ra năm 2023, lãnh đạo địa phương đề nghị các ngành, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm cao, đi vào chiều sâu. Trên tinh thần đó, các đơn vị tập trung phân tích rõ hơn những thuận lợi, khó khăn để xây dựng các phương án tăng trưởng những tháng cuối năm cho từng khu vực. 

 

Đồng thời tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực. Khẩn trương khắc phục điểm yếu, tồn tại và tập trung triển khai các giải pháp cải thiện PCI, Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023. Song song đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục… Chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tập trung triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP; tập trung thực hiện các công trình trọng điểm, giải quyết việc làm… 

 

Kết nối giao thông và thiếu lao động có tay nghề là 2 điểm nghẽn của địa phương trong những năm qua. Tuy nhiên, bước sang năm 2023 đã có bước cải thiện khi có hơn 40% lao động đã qua đào tạo và địa phương cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ này lên 79% vào năm 2025. Ngoài ra, địa phương còn có trên 10.000 lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài, đây là nguồn lao động đã thạo việc mà các doanh nghiệp có thể tuyển dụng ngay sau khi họ trở về nước.

 

Năm 2023, Đồng Tháp chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tập trung triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2023, Đồng Tháp chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là tập trung triển khai chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

 

Về điểm nghẽn giao thông, mới đây địa phương đã khởi công tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, kết nối với cao tốc Mỹ Thuận - TP.HCM, khi tuyến đường này đưa vào sử dụng thì từ trung tâm tỉnh đến TP.HCM chỉ mất khoảng 2 tiếng, rất thuận tiện. 

 

Như vậy, 2 điểm nghẽn của địa phương đã dần được tháo gỡ. Cùng với lợi thế là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp, với các sản phẩm chủ lực dẫn đầu khu vực như gạo, cá tra, xoài, quýt, nhãn, sen và làng hoa Sa Đéc, Đồng Tháp sẽ là điểm đến lý tưởng đối với nhà đầu tư trên lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.

 

Xin cảm ơn ông!

 

 

Bình luận