Giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm

Bình luận · 241 Lượt xem

Ngày 8/6/2023, tại Yên Bái, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm”.


Tọa đàm “Giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cây dâu tằm”

Theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ Trung ương, nghề trồng dâu nuôi tằm đem lại việc làm và thu thập, cải thiện đời sống cho nông dân vùng nông thôn, cung cấp nguồn nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất tơ, các làng nghề dệt nên các sản phẩm tơ lụa mang đậm nét văn hóa của từng khu vực, từng thời đại.

Nhờ sự đổi mới mạnh mẽ, toàn diện trên mọi mặt của nghề tằm, đến năm 2009 thì diện tích dâu tằm ổn định. Từ năm 2016, diện tích dâu cả nước bắt đầu tăng trở lại và trong suốt 6 năm qua diện tích dâu đang tăng nhanh chóng.

Hiện nay, cây dâu tằm có ở cả 8 vùng sinh thái trên cả nước, trải dài trên 36 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Trong đó Tây Nguyên là vùng sản xuất có điều kiện sinh thái phù hợp với sinh trưởng, phát triển của cây dâu và đặc tính sinh lý của con tằm, có diện tích cây dâu là lớn nhất đạt 10.061 ha, chiếm 75,53% tổng diện tích cây dâu của cả nước. Tại phía Bắc đang có sự dịch chuyển vùng sản xuất. Cây dâu đang phát triển mở rộng nhanh trên vùng trung du miền núi và có nhiều tiềm năng tại Đông Bắc với diện tích 1.409 ha, chiếm 11,10%, tập trung chủ yếu tại Yên Bái 929 ha, Cao Bằng 266 ha, và Lào Cai 140 ha.

Theo thống kê năm 2021 cả nước sản xuất được 16.456 tấn kén tằm các loại. Từ năm 2016 đến nay, sản lượng kén tăng dần, năm sau cao hơn năm trước trên 6%. Năm 2019 là năm sản lượng kén có tốc độ tăng trưởng cao nhất đạt 42,93%. Năm 2021 sản lượng kén đạt 16.456 tấn, tăng 1.519 tấn so với năm 2020, tương đương tăng 10,2 %.

Mặc dù tốc độ tăng trưởng sản lượng kén của Việt Nam trong 10 năm có nhiều biến động nhưng năng suất kén tằm trung bình từ năm 2011 đến năm 2017 tăng chậm. Từ năm 2018 đến nay, do việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, cơ cấu sản xuất thay đổi nên năng suất kén tằm tăng nhanh. Hiện nay, năng suất kén tằm đạt trung bình 1,25 tấn/ha.

Tại Yên Bái, năm 2001, huyện Trấn Yên bắt đầu thực hiện mô hình thử nghiệm trồng dâu nuôi tằm và được giao cho Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Trấn Yên triển khai thực hiện; đã lựa chọn trồng dâu trên diện tích khoảng hơn 1 mẫu tại cánh đồng thôn Lan Đình (xã Việt Thành). Sau khi thử nghiệm thấy cây dâu – con tằm phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương thì huyện Trấn Yên đã quyết định nhân rộng mô hình, mở rộng diện tích. Ban đầu thì lựa chọn các xã Việt Thành, Bảo Đáp, Tân Đồng để đưa vào áp dụng mở rộng diện tích trồng dâu. Được sự hỗ trợ giúp đỡ của Trung tâm nghiên cứu dâu tằm tơ Trung ương, các chuyên gia trong ngành dâu tằm tư vấn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật về giống dâu, các tiến bộ kỹ thuật mới trong nuôi tằm, đến nay huyện Trấn Yên đã phát triển trồng dâu nuôi tằm với quy mô tập trung diện tích 895 ha, diện tích ở xã Tân Đồng, Việt Thành, Nga Quán, Y Can, Bảo Đáp, Đảo Thịnh, Hòa Cuông, Quy Mông. Sản lượng kén tằm của huyện đạt trên 1.400 tấn/năm. Giá trị sản phẩm bình quân đạt trên 250-300 triệu đồng/ha/năm cao hơn so với trồng lúa hoặc cây rau màu khác 3 - 3,5 lần; góp phần nâng cao thu nhập, làm giàu cho nhiều hộ nông dân ở các xã trong vùng trồng dâu nuôi tằm của huyện, đồng thời đã giải quyết việc làm thường xuyên cho nhiều lao động nông thôn ở khu vực nông thôn.

Tại buổi Tọa đàm, Tiến sỹ Nguyễn Thị Min, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dâu tằm tơ trung ương đã đưa ra một số giải pháp phát triển sản xuất dâu tằm tơ trong thời gian tới, trong đó có giải pháp về khoa học công nghệ như tâp trung nghiên cứu chọn tạo giống dâu và kỹ thuật canh tác theo hướng năng suất cao nhưng phù hợp với thu hoạch dâu; Tập trung nghiên cứu phát triển công nghệ nuôi tằm trong điều kiện điều hòa nhiệt độ, nuôi tằm trên giá phẳng để phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu luôn biến động của nước ta; Nghiên cứu phát triển kỹ thuật chế biến tơ lụa và chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng cao…

Sau buổi Tọa đàm, các đại biểu đi tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên và Nhà máy ươm xe tơ tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Các đại biểu tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên

T.Hiền

Bình luận