Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, tính đến tháng 6/2023, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2023 khoảng 1.752.000 tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách trung ương hỗ trực trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình MTQG, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.
Về kết quả thực hiện trong 03 năm qua, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn NTM (tăng 11,3% so với cuối năm 2020), trong đó, có 100 xã khu vực III vùng DTTS và MN, có 04 xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM, 1.331 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 176 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân cả nước đạt 16,9 tiêu chí/xã. Có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, tăng 90 đơn vị so cuối năm 2020 (chiếm khoảng 40,8% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước). Có 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 100% số xã đạt chuẩn NTM (tăng 07 địa phương so với cuối năm 2020), trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Trong 3 năm qua, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai mạnh mẽ, giúp nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành nghề nông thôn cũng phát triển mạnh cùng với phát triển du lịch nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp ở nông thôn, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến tháng 7/2023, đã có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 66,9% sản phẩm 3 sao; 32,2% sản phẩm 4 sao; 0,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Có 5.069 chủ thể OCOP, trong đó có 38,5% là HTX; 24,4% là doanh nghiệp; 34,1% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Sản phẩm OCOP đang từng bước khẳng định được giá trị và chất lượng trên thị trường, được người dân tín nhiệm.
Có 6.397 xã (78,2%) đạt tiêu chí về Thu nhập (tăng 3,4% so với cuối năm 2020); 7.460 xã (91,2%) đạt tiêu chí về Lao động (giảm 7,7% so với cuối năm 2020); 6.760 xã (82,7%) đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn (giảm 5,1% so với cuối năm 2020).
Ông Ngô Trường Sơn - Chánh VP Văn phòng Điều phối NTM Trung ương trình bày báo cáo tại hội nghị
Thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025: Có 6.393 xã (78,2%) đạt tiêu chí về Nghèo đa chiều (tăng 0,3% so với cuối năm 2020); so với mục tiêu đến năm 2025 là có 90% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM thì kết quả đạt được còn khá thấp và sẽ khó khăn để hoàn thành mục tiêu, nhất là khi mức chuẩn nghèo đa chiều có sự điều chỉnh cho giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu giai đoạn 2023-2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 60% số thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức và mục tiêu, tiến tới nhận thức chung là chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, là giải pháp để khắc phục sự xung đột, mâu thuẫn trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn.
“Tri thức hóa, tăng cường năng lực cho người nông dân để tham gia chương trình, để mọi người dân nông thôn đều là chủ thể của làng quê. Thay đổi cách tiếp cận về OCOP, về du lịch nông thôn để tạo ra tinh thần, linh hồn cho OCOP chứ không phải sản phẩm gắn mác OCOP. Một sản phẩm OCOP phải thể hiện được hình ảnh của người tạo ra OCOP”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề xuất mỗi tỉnh nên có trung tâm xúc tiến thương mại, đầu tư và yêu cầu tham mưu, bổ sung cho trung tâm này chức năng huấn luyện người dân khởi nghiệp, làm sản phẩm nông nghiệp, tạo sân chơi cho chính những chủ thể OCOP trở thành thầy giáo đào tạo, tạo ra áp lực đổi mới để trong hành trình đó giúp người dân nhận diện đâu là thời cơ, đâu là thách thức trong sản xuất nông nghiệp…
NLA (Mard.gov.vn)