Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Cần có tầm nhìn chiến lược trong hợp tác quốc tế

Bình luận · 111 Lượt xem

Ngày 18/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức cuộc họp bàn về Chiến lược Hợp tác quốc tế (HTQT) ngành NN&PTNT đến năm 2030. Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp.

 


Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ HTQT cho biết: Ngành NN&PTNT đã có sự hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết và triển khai; Hội nhập trong WTO, ASEAN, ASEAN+3; APEC được củng cố mở rộng. Nhiều nội dung trong các hiệp định liên quan đến nông nghiệp, các tuyên bố được thông qua. Hoạt động tại các nhóm công tác chung về an ninh lương thực, chống khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp, công nghệ sinh học… được đẩy mạnh. Nhiều tập đoàn có tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp trên thế giới đã đầu tư lớn vào Việt Nam như Nestle, De Heus, CJ, CP, New Hope.

Nguồn vốn ODA thu hút cho ngành nông nghiệp trong 10 năm qua chiếm xấp xỉ 50% tổng vốn đầu tư phát triển của Bộ NN&PTNT. Hệ thống hạ tầng phục vụ nông, lâm, thủy sản và nghề muối được cải thiện, cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, thúc đẩy áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới trong sản xuất, chế biến, bảo quản.

Về kết nối tri thức thông tin qua các đối tác, Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn dẫn chứng như Nhóm đối tác Một sức khỏe (One health) giúp nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc giải quyết nguy cơ các bệnh dịch truyền nhiễm có nguồn gốc động vật trong mối quan hệ tương tác giữa con người – động vật – hệ sinh thái. Nhóm đối tác công tư cho phát triển nông nghiệp bền vững (PSAV) giúp kết nối các tác nhân trong ngành nông nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, cùng hợp tác phát triển chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam theo hình thức Đối tác công tư (PPP). Nhóm điều phối chuyển đổi nông nghiệp bền vững Đồng bằng Sông Cửu Long điều phối các nguồn lực huy động từ các đối tác quốc tế kết hợp với các nguồn lực trong nước để hỗ trợ chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại khu vực này.

Mục tiêu của Chiến lược HTQT ngành NN&PTNT đến năm 2030 là tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm trong quá trình toàn cầu hóa; Nâng cao vị thế, hình ảnh, khả năng cạnh trang của nền nông nghiệp và sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam; Phát huy tính chủ động, sáng tạo trong huy động nguồn lực con người, công nghệ, tài chính, thu hút đầu tư từ bên ngoài.

Theo Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê Nông nghiệp, khoa học công nghệ phải là trọng tâm của công tác HTQT trong nông nghiệp. Về thị trường, cần đầu tư xây dựng một danh mục các mặt hàng cụ thể cần mở cửa thị trường, tránh tình trạng bị động. Phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và các hiệp hội ngành hàng.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh: HTQT cần mang tầm chiến lược. Các nước trên thế giới luôn mong muốn Việt Nam hợp tác. Đây là cơ hội và cũng là thách thức đối với Việt Nam. Không gian hợp tác còn rộng, đòi hỏi sự kiên trì và phải có thông điệp rõ ràng. Công tác HTQT muốn bền vững cần có cộng đồng doanh nghiệp. Cần tăng cường hệ thống thương mại nông nghiệp, kết nối với các tham tán tại các thị trường. Cần có tầm nhìn chiến lược trong hợp tác quốc tế.

Theo Bộ trưởng, Chiến lược HTQT ngành NN&PTNT đến năm 2030 cần lấy ý kiến tham vấn của các tổ chức tài trợ quốc tế. Chiến lược này cần coi là sách trắng, thông điệp thể hiện tư duy về HTQT, thể hiện cách tiếp cận mới của ngành NN&PTNT với thế giới.  

HNN (mard.gov.vn)

Bình luận