Đại dịch Covid-19 và sức ép từ giá năng lượng đang đẩy các nhà tắm công cộng ở Nhật Bản và Hàn Quốc đến bên bờ vực biến

Bình luận · 223 Lượt xem

ngâm mình trong những chiếc bồn nước nóng đầy tràn. Nhiều thế hệ người Nhật thường lui tới các nhà tắm trong khu phố của họ, cùng đổ mồ hôi theo tinh thần của một truyền thống gọi là hadaka no tsukiai, hay “cộng đồng tắ

 

Suốt gần 75 năm qua, “Daikokuyu” hay các nhà tắm công cộng đã trở thành một nét văn hóa của Nhật Bản, là nơi rất nhiều người dân tìm đến để rửa sạch bụi bẩn sau một ngày dài làm việc và ngâm mình trong những chiếc bồn nước nóng đầy tràn. Nhiều thế hệ người Nhật thường lui tới các nhà tắm trong khu phố của họ, cùng đổ mồ hôi theo tinh thần của một truyền thống gọi là hadaka no tsukiai, hay “cộng đồng tắm tiên”.

 

Trong thời gian Nhật Bản đô hộ Triều Tiên từ năm 1910 đến 1945, họ cũng mang văn hóa nhà tắm công cộng đến bán đảo, nơi có khí hậu mùa đông khắc nghiệt hơn nhiều. Việc cùng nhăm tắm rửa, kỳ cọ cũng nhanh chóng trở thành một phần cuộc sống ở Hàn Quốc.

 

Giờ đây, sau khi hệ thống nước hiện đại ra đời, giúp nhiều người có thể tắm tại nhà, các nhà tắm công cộng lại phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng sinh tồn kép mới. Nhiều nhà tắm chật vật tồn tại được sau đại dịch Covid-19 đang phải gánh chịu những hóa đơn sưởi ấm khổng lồ do cuộc xung đột Nga - Ukraine.

 

 “Vài tháng qua thực sự không thể tin nổi”, Takuya Shinbo, chủ sở hữu thế hệ thứ ba của một nhà tắm công cộng tại Tokyo, cho hay.

 

Do Tokyo phải chống chọi với nhiệt độ thấp kỷ lục mùa đông vừa qua, Shinbo đã phải gánh thêm hơn hai lần chi phí so với năm ngoái để giữ ấm nước qua những đêm dài lạnh giá. Hóa đơn gas hàng tháng của nhà tắm cũng tăng gấp đôi, từ hơn 5.000 USD vào tháng một năm ngoái lên hơn 12.000 USD vào đầu năm nay.

 

Tại nhà tắm Seyoung ở đông nam Seoul, Hàn Quốc, nơi Lee Young-ho đã điều hành 24 năm qua, hóa đơn sưởi ấm đã tăng 60% so với năm ngoái lên gần 4.000 USD hồi thán một. “Nó giống như một đòn chí mạng”, ông nói.

 

So với các nước châu, Nhật Bản và Hàn Quốc có mức tăng giá năng lượng tương đối nhỏ bé, nhưng chi phí gia tăng vẫn là trở ngại lớn đối với các cơ sở kinh doanh nhà tắm đang “bên bờ vực” ở cả hai nước.

 

Tiết kiệm khí đốt, nhiên liệu thiết yếu để vận hành các nhà tắm, là nhiệm vụ bất khả thi đối với những người vận hành.

 

Nhà tắm công cộng là xương sống của truyền thống tắm chung lâu đời mà người Nhật tự hào. Trong khi các suối nước nóng tự nhiên “onsen” là điểm đến nghỉ dưỡng phổ biến, thì nhà tắm công cộng là điểm đến nằm ngay trong khu dân cư, chuyên phục vụ những người không thể tắm ở nhà riêng. Số lượng nhà tắm công cộng ở Nhật đã giảm xuống chỉ còn 1.865 cơ sở so với 17.999 cơ sở vào năm 1968.

 

Hầu hết những người trẻ tuổi ở Nhật Bản ngày không có thói quen đến các nhà tắm công cộng thế hệ cũ. Những thay đổi văn hóa đang diễn ra, kết hợp với đại dịch và khủng hoảng năng lượng, làm dấy lên lo ngại một ngày nào đó, nhà tắm công cộng sẽ biến mất.

 

Ở Hàn Quốc, các nhà tắm có rất nhiều loại, từ các cơ sở ở cộng đồng dân cư giống như Nhật Bản cho đến những nhà xông hơi nhiều tầng, công phu có phòng tắm, phòng sưởi ấm, nhà hàng và thậm chí cả máy tính và thiết bị trò chơi.

 

Số lượng nhà tắm đơn giản như của Lee đã giảm một nửa so với mức đỉnh điểm lịch sử xuống còn 4.350 cơ sở trong năm nay. Rất nhiều nơi trong số này không thể sinh lời.

 

Đòn giáng đầu tiên bắt nguồn từ Covid-19. Đại dịch xuất hiện làm dấy lên nguy cơ “lây nhiễm hàng loạt” tại các không gian chung như nhà tắm công cộng. Người đến tắm ngày càng ít khi họ được yêu cầu đeo khẩu trang và không được nói chuyện với nhau. Đây đều là những yêu cầu “không thể chấp nhận” tại một nơi mà việc khỏa thân tán gẫu đã trở thành nghi lễ.

 

Những hạn chế như vậy là một rào cản lớn đối với những khách quen lâu năm như Yoon Gwang-sook. Nhưng điều đó không thể ngăn bà đến nhà tắm công cộng, thứ đã trở thành thói quen thiết yếu.

 

Trong khi những khách hàng trung thành như Yoon vẫn tiếp tục tìm đến, nhiều người khác lại quay lưng với việc tắm chung trong đại dịch. Vì thận trọng, Lee vẫn tiếp tục treo biển “cấm nói chuyện” phía trên các bồn tắm chung ngay cả sau khi quy định giãn cách xã hội trên toàn quốc chấm dứt vào năm ngoái.

 

Ngay cả bây giờ, số lượng khách hàng vẫn chỉ dao động quanh mức 40 người mỗi ngày, thấp hơn nhiều so với mức trước đại dịch là 180 khách.

 

Nhưng đáng lo ngại hơn là việc các chủ nhà tắm công cộng hoàn toàn “bất lực” trong nỗ lực giảm thiểu tác động từ thực trạng giá năng lượng cao. Tại Tokyo, những nhà khai thác tư nhân không có lựa chọn nào khác ngoài tăng phí tắm.

 

Vì vai trò mang tính biểu tượng của nhà tắm trong cộng đồng, Shinbo loại trừ khả năng cắt giảm giờ mở cửa. Ông vẫn mở nhà tắm suốt đêm do khách quen yêu cầu, nhiều người trong số họ là những lao động ca đêm đang tìm kiếm một nơi rũ bỏ mệt mỏi, căng thẳng.

 

Shinbo chọn cách tắt điện ngay sau khi cơ sở đóng cửa lúc 10h sáng và giảm nhẹ nhiệt độ trong khu vực thay đồ. “Chúng tôi thực sự không biết phải làm gì hơn”, ông chia sẻ.

 

Ở Seoul, Lee cũng gặp khó khăn tương tự. “Cứ khi nào mở cửa, các bồn tắm chung của chúng tôi dù trống vẫn phải duy trì nhiệt độ trên 40 độ”, ông cho biết.

 

Ngay cả sau khi tăng phí tắm lên 7,6 USD vào năm ngoái, Lee hiện vẫn không đủ tiền để làm ấm các bồn tắm trong cái lạnh dưới mức đóng băng vào mùa đông vừa qua.

 

Lượng khách hàng ngày càng giảm cũng khiến những nhân viên kỳ cọ vốn được yêu thích tại nhà tắm Seyoung trở nên nhàn rỗi.

 

“Hậu quả của đại dịch và cuộc khủng hoảng năng lượng gây ra những khó khăn trước mắt, nhưng điều chúng tôi thực sự lo lắng là đà suy giảm lâu dài và cuối cùng nhà tắm công cộng sẽ biến mất mãi mãi”, Kim Soo-cheol, đại diện Hiệp hội Công nghiệp Nhà tắm Công cộng Hàn Quốc, cho biết. Nhiều thanh niên hiện nay thậm chí có xu hướng coi nhà tắm công cộng là nơi ẩn dật tồi tệ dành cho người già, Kim nói thêm.

Bình luận