Dùng công nghệ nhập cuộc chơi EUDR

Bình luận · 109 Lượt xem

Thông qua cảnh báo trên thời gian thực của hệ thống Terra-i, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương nhanh chóng đưa ra những cảnh báo hữu ích cho người dân.

 

Tăng cường thích ứng EUDR cho cấp huyện

Đáp ứng EUDR đã khó, không thực hiện còn khó hơn

Đừng để dính 'thẻ vàng' EUDR trên đất liền

Thích ứng EUDR - góc nhìn từ một doanh nghiệp

 

Mắt thần giữ rừng

"Địa bàn tỉnh Lâm Đồng đồi núi phức tạp, đặc biệt khu vực huyện Lạc Dương nơi tôi công tác, có khi phải đi một ngày mới tới địa phận rừng cần kiểm tra”, Nguyễn Đình Quốc Anh, cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Lạc Dương chia sẻ bên lề buổi tập huấn về cách vận hành và sử dụng hệ thống Terra-i hồi giữa tháng 8, do Dự án iLandscape phối hợp cùng Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tài trợ.

 

Tâm tư của Quốc Anh cũng là của hàng nghìn cán bộ kiểm lâm khắp cả nước nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng. Việt Nam là một trong những quốc gia đã thực hiện kiểm kê rừng có hệ thống và thường xuyên, nhưng hầu như chỉ triển khai một phương pháp duy nhất là tuần tra mặt đất.

 

Trong chuyến công tác qua nhiều Vườn quốc gia của Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức trong hai tháng 6 và 7, chúng tôi được nghe chuyện cán bộ kiểm lâm đi tuần hàng chục ngày liền trong rừng. Trên ba lô họ nặng trĩu hơn 10kg gạo, muối, một ít đồ khô và lỉnh kỉnh các thiết bị quan trắc, giám sát rừng.

 

Việt Nam có khoảng 14 triệu ha rừng nhưng lực lượng kiểm lâm chỉ khoảng 11.000 người, nghĩa là chia trung bình, mỗi người phải đảm nhiệm hơn 1.000ha. Đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn, đặc biệt là với những diện tích rừng khó tiếp cận. Không chỉ đòi hỏi nhân sự lớn, việc tuần tra mặt đất còn vấp phải vấn đề ở tốc độ triển khai, dễ làm chậm việc phát hiện các hoạt động bất hợp pháp và cản trở điều tra kịp thời, hiệu quả.

 

Giữa bối cảnh đó, hệ thống Terra-i do Chương trình UN-REDD Việt Nam và CIAT phối hợp triển khai thí điểm vào năm 2017 tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Ðồng giống như một cứu cánh. Terra-i là một hệ thống giám sát rừng sử dụng hình ảnh vệ tinh trên không gian 10m để phát hiện những thay đổi của thảm thực vật do hoạt động của con người trong thời gian gần nhất, được cập nhật 16 ngày một lần.

 

Bằng cách giảm thời gian phát hiện của kiểm lâm sau khi hoạt động bất hợp pháp như khai thác trái phép và lấn chiếm xảy ra, Terra-i đưa ra cảnh báo sớm về thay đổi rừng, giúp tăng cường năng lực thực thi pháp luật và tăng tính minh bạch trong giám sát rừng.

 

Tại Lâm Đồng, nơi có rừng lên tới khoảng 600.000ha, chiếm hơn 60% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, Terra-i còn hỗ trợ giám sát chặt chẽ các trang trại và diện tích trồng cà phê; giám sát việc thực hiện các dự án bảo tồn, thủy điện... Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, nhờ được xây dựng và quản lý theo thời gian thực, bản đồ rừng được xây dựng bởi hệ thống Terra-i đưa ra thông tin cảnh báo mất rừng rất chính xác và kịp thời.

 

“Dựa trên 3 mức độ ưu tiên là cao, trung bình, thấp tương ứng với diện tích rừng được phát hiện có sự thay đổi, Terra-i sẽ đưa ra mức cảnh báo. Trên cơ sở này các hạt kiểm lâm và đơn vị chủ rừng có cơ sở để lập kế hoạch tăng cường tuần tra mặt đất, xác định hoàn thiện dữ liệu các nguyên nhân gây mất rừng và suy thoái rừng kịp thời”, đại diện Sở NN-PTNT Lâm Đồng bày tỏ.

 

Trước kia, khi có bất kỳ tác động nào vào rừng như phá rừng, cháy rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp…, chủ rừng và cơ quan chức năng phải đến tận nơi, dùng máy định vị ghi lại tọa độ, tiếp đó phải sử dụng thêm máy tính, bản đồ… để phân định chính xác diện tích, vị trí, thiệt hại. Nhưng hiện tại, tất cả chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh. Nhờ thông tin từ Terra-i về sự thay đổi của độ che phủ rừng, lực lượng kiểm lâm nhanh chóng đưa ra những cảnh báo hữu ích cho chính quyền địa phương để xác định các vị trí ưu tiên, đồng thời lập kế hoạch và thực hiện các hành động kịp thời.

 

Tham gia ‘sân chơi’ EUDR

Chống suy thoái và gây mất rừng là mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là EU. Vừa qua, khối này đã ban hành Quy định không phá rừng (EUDR), trong đó yêu cầu các nhà nhập khẩu và đối tác trong chuỗi cung ứng phải chứng minh sản phẩm của họ không liên quan đến phá rừng hay suy thoái rừng sau ngày 31/12/2020.

 

Nhận định hệ thống Terra-i có thể hữu ích cho Việt Nam trong quá trình đáp ứng các quy định của EUDR, Dự án iLandscape đã mở rộng vùng vận hành lên khu vực 4 huyện, gồm Lạc Dương, Di Linh (tỉnh Lâm Đồng) và huyện Đắk G’lông, Đắk R’Lấp (tỉnh Đắk Nông). 10 cán bộ kỹ thuật lâm nghiệp được đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực trong việc giám sát và quản lý sử dụng đất một cách toàn diện, minh bạch, cũng như cảnh báo sớm.

 

Sau khi hoàn thành khóa học, những học viên sẽ tiếp thu kiến thức về các công cụ và có khả năng phân tích dữ liệu đầu vào cho Terra-i. Thông qua trình duyệt web, người sử dụng có thể xem và tải dữ liệu liên quan tới biến đổi môi trường từ ảnh vệ tinh Sentinel-1/2, Landsat-8 với độ phân giải không gian 10m.

 

Ông Lê Văn Trung, đại diện Sở NN-PTNT Lâm Đồng cho biết, tỉnh có diện tích cà phê lớn thứ nhì Việt Nam (hơn 150.000ha), đồng thời cũng có diện tích rừng lớn (khoảng 600.000ha). Với địa hình phức tạp, việc xác định những vùng chồng lấn và chứng minh nguồn gốc cà phê để đáp ứng EUDR là nhiệm vụ không đơn giản, dù cây cà phê tại Lâm Đồng đã được trồng lâu năm.

 

“Áp dụng công nghệ số với phương pháp phân tích dữ liệu phù hợp, giúp phản hồi thông tin nhanh về các thay đổi của rừng, của cà phê là vô cùng cấp thiết”, ông Trung chia sẻ.

 

Khóa học do Dự án iLandscape triển khai theo 4 bước: Giới thiệu Terra-i với các bên liên quan và xác định các nhu cầu và thách thức cần giải quyết; Triển khai dự án thí điểm Terra-i; Thực hiện kiểm định thực địa; Xác thực dữ liệu Terra-i với dữ liệu thực địa và tăng cường năng lực của cán bộ kiểm lâm địa phương.

 

Trước đó, Tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế thuộc Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU), Cộng hòa Liên bang Đức đã tài trợ và triển khai Dự án Cà phê nông lâm kết hợp và tăng cường chất lượng rừng tại vùng đệm Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

 

Một hệ thống truy xuất nguồn gốc gắn với quản lý trang trại cho các công ty và hộ kinh doanh cà phê, lập bản đồ số có tích hợp Terra-i đã được xây dựng cho hơn 2.000 hộ nông dân và hệ thống tương tác giữa các mắt xích trong chuỗi cung ứng cà phê. Thông qua dự án, vị trí trang trại của nông dân với các điểm cảnh báo lớp phủ thực vật có nguy cơ mất rừng cao sẽ được so sánh, đánh giá, nhằm đem lại cái nhìn tổng quát nhất về hiện trạng tại vùng đệm.

 

Hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã thông qua việc áp dụng Terra-i và quyết định mở rộng việc ứng dụng hệ thống này trên toàn tỉnh. Các tổ chức xã hội dân sự, như Trung tâm Phát triển Nông thôn Bền vững (SRD) cũng đã công nhận Terra-i là một công cụ hữu ích để thúc đẩy giám sát rừng có sự tham gia và đề nghị mở rộng ứng dụng của hệ thống tới các tỉnh khác ở Việt Nam.

 

Theo thư thỏa thuận giữa Dự án iLandscape và Sở NN-PTNT Đắk Nông, tỉnh cam kết xây dựng hệ thống quản trị hiệu quả, bao gồm khung giám sát quản trị sử dụng đất toàn diện, minh bạch và cảnh báo sớm theo thời gian thực được thiết lập và thí điểm dựa trên nền tảng Terra-i, nhằm thực thi các quy định về môi trường và truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng hàng hóa.

Bình luận