Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Thủy lợi

Bình luận · 216 Lượt xem

Ngày 28/8, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức buổi gặp mặt Kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống ngành Thủy lợi.


Toàn cảnh buổi gặp mặt

 

Nhìn lại lịch sử, khi Cách mạng tháng Tám thành công, trong tuyên cáo ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Bộ Giao thông Công chính - cơ quan thực hiện chức năng, nhiệm vụ về thủy lợi. Hệ thống thủy lợi giữ vai trò quan trọng, không thể thiếu trong việc phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng tăng diện tích gieo trồng, tăng thời vụ, cải tạo đất, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đưa sản lượng nông nghiệp Việt Nam từ chỗ không đủ cung cấp nội địa đến trở thành một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp hàng đầu.

Theo Cục Thủy lợi, đến nay, cả nước đã xây dựng được hơn 900 hệ thống thủy lợi có quy mô phục vụ từ 200 ha trở lên. Trong đó, có 122 hệ thống thủy lợi vừa và lớn (hơn 2.000 ha). Bên cạnh đó, còn có hơn 86.200 công trình thủy lợi, gồm: 6.750 hồ chứa, 592 đập dâng, 19.416 trạm bơm, 27.754 cống, 16.057 đập tạm, 291.013 km kênh mương, 16.573 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Ngoài ra, trên hầu hết các lưu vực sông đều có hệ thống hồ chứa tham gia phòng chống lũ với tổng dung tích cắt, giảm lũ cho hạ du ở các hồ chứa lớn khoảng 14,6 tỷ mét khối nước.

Ông Nguyễn Tùng Phong, Cục trưởng Cục Thủy lợi

Cùng với đó, hệ thống đê sông hiện có 9.242 km, 1.035 km kè, 1.563 cống dưới đê và hơn 30 nghìn cống bọng, 28 nghìn trạm bơm nội đồng tưới, tiêu kết hợp; hàng nghìn ki-lô-mét bờ bao, phục vụ chống lũ, ngăn mặn, tiêu thoát nước ở đồng bằng sông Cửu Long. Qua đánh giá, các công trình, hệ thống công trình thủy lợi, phòng chống thiên tai đã góp phần cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, bảo vệ dân sinh, sản xuất, cải thiện môi trường, nhất là góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ quốc gia thiếu lương thực, trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Sau thời gian xây dựng kỹ lưỡng, bảo đảm chất lượng, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 847/QÐ-TTg ngày 14/7/2023. Mục tiêu đến năm 2023 của Quy hoạch là cấp nước tưới chủ động cho lúa hai vụ với tần suất bảo đảm 85%, riêng vùng đồng bằng sông Hồng từ 85 đến 90%; cấp nước tưới bảo đảm cho 70% diện tích cây trồng cạn; nâng dần tần suất bảo đảm tưới cho rau màu lên 90%; bảo đảm cấp đủ nước cho gia súc, gia cầm với khoảng 10,5 triệu con; bảo đảm tiêu thoát nước qua công trình thủy lợi cho khoảng 3,5 triệu héc-ta sản xuất nông nghiệp...

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp chỉ ra bốn thời cơ với ngành thủy lợi, đó là: Thứ nhất, ngành thủy lợi được tiếp thu nền tảng vững chắc của những người đi trước, nền tảng không chỉ được trong nước mà cả thế giới thừa nhận. Thứ hai, đến thời điểm này có cả Luật Thủy lợi và Quy hoạch Thủy lợi, cùng với đó là các chỉ đạo đầy đủ từ Đảng và Nhà nước về công tác thủy lợi. Thứ ba, những vấn đề đặt ra về biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế nóng đặt ra nhiều mặt trái, nhưng cũng là cơ hội cho ngành thủy lợi. Thứ tư, các cán bộ trong ngành thủy lợi là những người có nhiều kinh nghiệm.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp phát biểu tại buổi gặp mặt

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành thủy lợi cũng có nhiều thách thức như việc xác định hướng đi và lộ trình của ngành là câu chuyện khó. Thách thức thứ hai là câu chuyện về nhân lực trong vòng 5 đến 10 năm tới là vấn đề lớn của ngành. Hiện, số sinh viên học ngành thủy lợi rất ít nên trong giai đoạn khoảng 10 năm tới ngành có thể không còn nhân lực.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh trước mắt ngành thủy lợi cần tập trung vào một số công trình lớn như đập dâng Sông Hồng, xây dựng phương án chuyển nước tại Đồng bằng sông Cửu Long, nghiên cứu các công trình kiểm soát mặn, ngọt tại cửa Hàm Luông, cửa Vàm Cỏ. Ngành thủy lợi cần nghiên cứu các giải pháp và từng bước biến các thách thức thành cơ hội. Về nguồn nhân lực, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đề xuất ngành thủy lợi có thể đặt hàng đào tạo 50-100 sinh viên về các ngành cần cho thủy lợi để giải quyết vấn đề lớn này của ngành.

Kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành thủy lợi Việt Nam là cơ hội để mỗi người làm công tác thủy lợi nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của ngành để viết tiếp các trang lịch sử hào hùng, phấn đấu hoàn thành tốt sứ mệnh “Thủy lợi đi đến đâu, đói nghèo ra đi đến đấy”.

HNN (mard.gov.vn)

Bình luận