Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổng kết vụ đông năm 2022 cho thấy, các địa phương phía bắc gieo trồng 373 nghìn ha, sản lượng khoảng 4,7 triệu tấn, giá trị đạt 36.794 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 99 triệu đồng/ha, tăng 3,4 triệu đồng/ha so vụ đông 2021.
Qua thống kê, vụ đông năm 2022, các địa phương đã có nhiều mô hình sản xuất tập trung trong sản xuất và tiêu thụ nông sản mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Trong đó, tại tỉnh Hưng Yên có mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ thực hiện liên kết tiêu thụ với các nhà hàng, khách sạn và siêu thị ở thành phố Hà Nội cho hiệu quả kinh tế cao hơn so thâm canh truyền thống từ 25-30 triệu đồng/ha. Hay như tại tỉnh Nam Định với mô hình trồng dưa, rau các loại công nghệ cao trong nhà màng theo hướng VietGAP ở xã Đại Thắng, huyện Vụ Bản, quy mô 7ha, sản lượng tiêu thụ 100 tấn/năm, lợi nhuận cao gấp 3-5 lần so phương thức sản xuất truyền thống.
Vụ đông năm 2023, các địa phương phía bắc dự kiến gieo trồng khoảng 380 nghìn ha, phấn đấu sản lượng 5 triệu tấn, giá trị đạt hơn 40 nghìn tỷ, bình quân đạt 110 triệu đồng/ha. Nhằm bảo đảm sản xuất vụ đông 2023 đạt kết quả tốt, các địa phương cần tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để bảo đảm sản xuất vụ đông 2023 đạt kết quả tốt, các địa phương cần tập trung phát triển một số cây trồng có giá trị kinh tế cao, liên kết sản xuất theo chuỗi, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, bảo đảm đầu ra cho bà con nông dân. Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết nối cung cầu, tìm kiếm thị trường, khuyến khích các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm; hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất cây vụ đông lớn, tập trung và ổn định.
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao kết quả sản xuất vụ đông năm 2022 của 31 tỉnh, TP phía Bắc, đồng thời nhấn mạnh trong chiến lược phát triển trồng trọt xác định vụ đông là vụ sản xuất chính. Do đó, các ngành, địa phương và người dân tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh sản xuất cây vụ đông bài bản, hiệu quả hơn.
Để vụ đông năm 2023 thắng lợi, Thứ trưởng đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương rà soát kế hoạch sản xuất cho phù hợp với điều kiện, cân đối thị trường cung cầu, từ đó định hướng sản xuất, bảo đảm giá trị sản phẩm. Tiếp tục tham mưu, xây dựng chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ cho người sản xuất, mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, mở rộng khu sản xuất tập trung, quy mô lớn. Các địa phương tranh thủ tối đa điều kiện thời tiết để thu hoạch sớm diện tích lúa mùa, tránh thiệt hại do mưa bão và giải phóng đất cho sản xuất vụ đông.
Thứ trưởng lưu ý, với nhóm cây ưa ấm cần lựa chọn cơ cấu giống phù hợp, gieo trồng càng sớm càng tốt. Đối với nhóm cây ưa lạnh cần bố trí thời vụ hợp lý để khai thác tối đa điều kiện đất đai, lao động nhằm hạn chế thu hoạch số lượng lớn sản phẩm trong một thời điểm gây dư thừa, rớt giá. Tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị sản xuất và kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; ngăn chặn, xử lý kịp thời các hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng…
Đối với các cơ quan trực thuộc Bộ, Thứ trưởng đề nghị Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương, đặc biệt với các tỉnh trọng điểm rà soát, xây dựng kế hoạch sản xuất vụ đông theo phương án tăng diện tích cây trồng có giá trị cao; bám sát diễn biến của thời tiết để có những biện pháp chỉ đạo kịp thời.
Cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi phát hiện những đối tượng sâu, bệnh hại mới để có biện pháp xử lý kịp thời những điểm phát sinh dịch hại; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường chủ động, tăng cường xúc tiến thương mại; Cục Kinh tế hợp tác và PTNT chỉ đạo phát triển liên kết sản xuất và ứng dụng cơ giới hóa nhằm nâng cao hiệu quả trong sản xuất..
HNN (tổng hợp)