Chăn nuôi phải gắn với môi trường xanh và nói không với chất cấm

Bình luận · 215 Lượt xem

Cục Chăn nuôi đang phấn đấu và quyết tâm phát triển đàn vật nuôi bền vững, gắn với mục tiêu phải đảm bảo an toàn thực phẩm và thân thiện môi trường.

 

Ngày 15/9, tại tỉnh Bình Thuận, Cục Chăn nuôi tổ chức Hội nghị triển khai pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi.

 

Hội nghị quy tụ lãnh đạo Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Hiệp hội chăn nuôi của 32 tỉnh thành phía Nam.

 

Chương trình nhằm phổ biến kịp thời, đầy đủ những quy định pháp luật mới của ngành chăn nuôi, giám sát chất cấm thuộc nhóm Beta-Agonist (Salbutamol, Clenbuterol) và Ractopamin trong chăn nuôi.

 

Đồng thời giới thiệu quy trình chứng nhận phù hợp quy chuẩn nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Trước đó, Hội nghị cũng được tổ chức tại Ninh Bình, với sự tham dự của 29 tỉnh, thành; hàng chục doanh nghiệp, người chăn nuôi khu vực phía Bắc.

 

Phát biểu tại Hội nghị, ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, trong những năm qua, chăn nuôi là lĩnh vực có tốc độ tăng tưởng cao nhất trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

 

Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của ngành chăn nuôi là 5,93%, đạt 23,7 tỷ USD chiếm 27,6% tỷ trọng ngành nông nghiệp.

 

“Để đạt được những thành tựu nêu trên, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật trong chăn nuôi, sự đầu tư ngày càng lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp vào lĩnh vực chăn nuôi thì hệ thống văn bản pháp luật, chính sách hỗ trợ để quản lý hiệu quả hoạt động chăn nuôi cũng luôn được Bộ NN-PTNT, Cục Chăn nuôi quan tâm và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu”, ông Thắng chia sẻ.

 

Cục trưởng Cục Chăn nuôi cũng mong muốn Báo Nông nghiệp Việt Nam sẽ luôn đồng hành cùng với ngành chăn nuôi để thông tin được lan truyền, hai chiều. Bởi theo ông Dương Tất Thắng, từ vấn đề truyền thông mới tổng quan được câu chuyện sản xuất của thị trường, mà thị trường quyết định sản xuất.

 

Các đại biểu tham dự Hội nghị đã thảo luận sôi nổi trên tỉnh thần xây dựng về các vấn đề về tính pháp lý và thực tiễn của quy định liên quan đến việc sử dụng Ractopamine trong chăn nuôi; Việc thực thi áp dụng QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng: Quy định liên quan đến kiểm soát an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi; Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi tại địa phương liên quan đến quản lý môi trường chăn nuôi...

 

Thông qua các ý kiến thảo luận, Cục Chăn nuôi đã giải đáp, đặc biệt là tiếp thu, ghi nhận nhiều ý kiến góp ý để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện chính sách quản lý chăn nuôi.

 

Từ thực tiễn hơn 3 năm triển khai Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn đã phát hiện một số vấn đề mới nổi, một số quy định chưa được hướng dẫn cụ thể, một số bất cập trong quá trình thực thi cần điều chỉnh cho phù hợp hơn với điều kiện thực tế.

 

Ông Phạm Kim Đăng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi thông tin, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang xuất hiện trở lại tại một số cơ sở chăn nuôi lợn, bò thịt tại các tỉnh miền Trung và miền Nam.

 

Điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất ngành chăn nuôi trong nước. Do đó, cần phải quản lý chặt và mạnh tay trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

 

“Việc đảm bảo không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một trong những điều kiện tiên quyết để phát triển chăn nuôi bền vững. Chính vì vậy, công việc này sẽ được giám sát thường xuyên và tăng cường hơn trong những năm sắp tới. Chúng ta không chỉ siết chặt bằng những quy định, phạt hành chính mà còn sẽ áp dụng những chế tài mạnh, xử lý bằng pháp luật", ông Đăng nhấn mạnh.

 

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, kiểm soát chất cấm chăn nuôi cũng xuất hiện nhiều khó khăn. Thủ phủ Đồng Nai có đặc thù nhiều trang trại lớn, khép kín và thuộc doanh nghiệp nước ngoài nên rất khó khăn trong cách lấy mẫu. Nếu nhân viên thú y muốn trực tiếp lấy mẫu thì phải tuân thủ cách ly 3 ngày để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

 

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Đồng Nai điều này gây khó khăn cho công tác kiểm soát. Đây cũng là khó khăn chung của nhiều tỉnh thành có đàn chăn nuôi lớn.

 

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Cục chăn nuôi, đối với tình huống này thì các địa phương có thể linh hoạt bằng cách hướng dẫn nhân viên của các trang trại đó và giám sát thông quan điện thoại, online. Sự linh hoạt này nên được áp dụng như trong bối cảnh của giai đoạn dịch Covid-19 hoành hành.

 

Vấn đề sử dụng nước thải chăn nuôi vào trong trồng trọt cũng được bàn luận và thu hút sự quan tâm, đóng góp của các đại biểu tham dự. Trước nay, tập quán canh tác của đa số người nông dân là tận dụng chất thải chăn nuôi để bón trực tiếp cho cây trồng. Điều này phù hợp với định hướng kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi bởi nước thải chăn nuôi là nguồn tài nguyên hữu cơ có giá trị cho cây trồng.

 

Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi, theo quy chuẩn, nước thải chăn nuôi cần được xử lý mới được bón cho cây trồng nhằm tránh tác động xấu đến môi trường.

 

"Nước thải cho cây trồng là nước phải qua xử lý, phù hợp với các quy định tại quy chuẩn sau đó mới được sử dụng cho cây trồng. Ngoài những chất có lợi thì trong chất thải chăn nuôi còn có những chất gây tác động xấu cho môi trường, liên quan đến an toàn thực phẩm và sức khỏe con người", bà Hoàng Thị Thủy, chuyên viên Phòng Môi trường và công nghệ chăn nuôi, Cục Chăn nuôi cho biết.

 

Hội nghị còn nhận được nhiều ý kiến góp ý về quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, an toàn sinh học trong chăn nuôi, góp phần nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

Bình luận