Huyện Hòa Bình phấn đấu về đích nông thôn mới sớm nhất
Xây dựng huyện Hòa Bình đạt đô thị loại IV vào năm 2025
Một bãi biển mềm như lụa
Cuối cùng rồi cửa biển cũng hiện ra, một vùng bao la, bát ngát toàn màu gạch cua tưởng chừng như chạm tới tận chân trời. Anh Huỳnh Mừng Em tên thường gọi là Mừng - Giám đốc HTX Đồng Tiến (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) khoát tay, cười và bảo: “Đây chính là nồi cơm mà cả ngàn người ăn mãi nhiều năm cũng không hết!”.
Đang cơn nước ròng, từ xuồng tôi khẽ chạm chân xuống bãi. Một cảm giác mát mềm mịn và dịu êm như lụa khiến cho tôi sau đó chỉ muốn chạy tung tăng mãi như một đứa trẻ. Chưa bao giờ tôi thấy một bãi biển nào lại bằng phẳng đến mức chạy xe máy thoải mái như thế, lại mát mịn tựa lụa như thế. Nó toàn là phù sa và hầu như không có những mảnh vỏ nhuyễn thể nhọn sắc cắt vào thịt da, còn vỏ nghêu thì có nhiều nhưng vô hại. Kỳ lạ hơn là sau khi rút chân lên, lớp phù sa biến mất như chưa từng xuất hiện.
“Bãi này buổi chiều có thể thả diều, đá bóng hay chơi bóng chuyền được”. Tiếng anh Mừng nói như lẫn vào tiếng sóng. Trong mấy ngày ở Vĩnh Thịnh tôi đã nhiều lần được ăn nghêu hấp và lần nào cũng háo hức như mới lần đầu. Nó ngọt và thơm khác biệt, xứng đáng là một trong những món ăn đáng phải thử ở trên đời. Nhưng mấy ai biết, trước đây cũng trong những con nghêu ấy còn có cả nước mắt và máu.
HTX Đồng Tiến thành lập năm 2006. Anh Cổ Tân Xuyên - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ là Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh đã cùng mấy anh em trong Ban quản lý HTX, tổng cộng 6 người chạy trên 3 xe máy vượt cỡ 300km đến tận HTX Rạng Đông chuyên nuôi nghêu của tỉnh Bến Tre để học cách quản lý. Anh cũng chính là người đặt tên cho HTX. Có phải HTX Đồng Tiến là nói lái của từ tiền đống? Tôi hỏi. Anh lắc đầu cười rồi trả lời Đồng Tiến có nghĩa là cùng tiến.
Xã Vĩnh Thịnh hồi đó còn là một vùng bãi ngang cuộc sống đầy cơ cực, đa số là các hộ nghèo và gia đình chính sách. Anh Huỳnh Văn Khởi - Chủ nhiệm đầu tiên của HTX Đồng Tiến kể lúc đó đơn vị quản lý 1.800 ha bãi và trên 300 thành viên nhưng số hộ nghèo chiếm tới trên 90%. Sau 1 năm 300 thành viên lần lượt bỏ, chỉ còn 26 hộ góp vốn, tổng cộng được 26 triệu đồng. Không có vốn, lại thêm vấn nạn người bên ngoài vào đánh bắt kiểu tận diệt, HTX “tiền đống” 7-8 năm liền hoạt động cầm hơi, không còn nổi một cắc bạc trong quỹ. Tương tự, 6 HTX nghêu ở Bạc Liêu thì đã tan 5 cái, chỉ còn lại 1.
Huyện, xã muốn vực dậy HTX Đồng Tiến không còn cách nào khác ngoài phải đi tìm một người lãnh đạo mới có tâm và có tầm. Và họ đã tìm thấy Huỳnh Mừng Em, tên thường gọi là Mừng, thuyết phục anh nhận chiếc “ghế nóng” Giám đốc. Lúc bàn giao tài sản, ngay cả một cây bút cũng không có.
Trước đó, anh Mừng là một người buôn nghêu sò xuyên tỉnh, làm ăn rất phát đạt. Đi nhiều nơi trong cả nước, anh thấy lắm bãi rất nhỏ vẫn có thể nuôi nghêu tốt, thế mà Bạc Liêu bãi mênh mông lại bỏ hoang rất lãng phí trong khi bản thân mình biết kỹ thuật, sẵn con giống. Khi biết anh định nhận chức Giám đốc HTX, vợ con cũng can dữ lắm: “Ông Chủ nhiệm HTX cũ đã phải bỏ cuộc rồi mà ông còn nhận làm?”. Nhưng vì nghĩ cho cả ngàn người nên anh vẫn một lòng kiên định.
Năm 2014 anh nhận chức Giám đốc HTX Đồng Tiến trong tiếng đàm tiếu của người dân rằng: “Vàng bỏ trong nhà mà không giữ còn mất nữa là con nghêu ngoài bãi”. Xưa bãi biển của xã Vĩnh Thịnh từng có rất nhiều nghêu nhưng do bị săn bắt cả con to lẫn con nhỏ nên gần như vắng bóng. Rồi bởi bãi vô chủ nên chuyện người dân tranh cãi, thậm chí vác gậy, cầm dao đuổi đánh nhau xảy ra như cơm bữa. Người ta ví trong con nghêu lắm khi có cả máu người là vì vậy. Xã Vĩnh Thịnh hồi đó trở thành một điểm nóng về tệ nạn xã hội của huyện Hòa Bình bởi người dân không có công ăn việc làm, rượu chè, cờ bạc rồi nảy sinh chuyện xấu.
Nhiều HTX nghêu ỉ lại vào cái “mỏ” nghêu giống tự nhiên nhiều năm cứ thế cào lên là bán, hốt tiền, quy mô cứ thế phình ra nhưng về sau con giống giá rẻ, sản lượng lại không đạt thành ra sa sút. Còn HTX Đồng Tiến không có mỏ nghêu, phải mua giống từ 2 nguồn tự nhiên tại chỗ và nhân tạo từ phía Bắc chuyển vào nên cả chục năm nay tự lực tự cường được.
Chia trứng làm hai giỏ
Lúc đầu HTX Đồng Tiến được giao diện tích bãi 1.800 ha nhưng không quản lý được vì rộng quá chừng. Anh Mừng nghĩ nếu cứ ôm hết vào là chết, vả lại còn phải chừa một phần để tạo sinh kế cho dân nên mới quyết định trả lại cho xã 900 ha để làm bãi đánh bắt tự nhiên, chỉ còn 900 ha của HTX:
“Vậy mà người dân vẫn cự lại: “Đất biển mà mấy ông HTX lại ra chiếm”. Tôi phải giải thích: “Đây là chủ trương của Nhà nước, tập trung những hộ nghèo, yếu thế ngay tại địa phương vào HTX để bảo vệ và khai thác nghêu bền vững, còn người ở nơi khác đến thì không được”. Họ vẫn bực lắm, chửi những người canh nghêu là…chó săn. Phải mất vài tháng sau tình hình mới dần yên”.
Phần 900 ha còn lại năm đầu tiên anh Mừng “trải thảm đỏ” kêu gọi nhà đầu tư vào với cam kết lời thì bên có giống được 75%, bên có bãi được 25%. Vụ đầu tiên, một nhà đầu tư đã bỏ 6 tỉ mua 600 triệu con giống thả xuống bãi. Sau hơn 1 năm thu lời 4 tỉ, nhà đầu tư được 3 tỉ, HTX được 1 tỉ và trả cổ tức theo mức 50%/vốn góp.
Qua năm sau, HTX đã có vốn, còn người dân đã thấy hiệu quả của việc nuôi nghêu nên ào ào xin vào tới 265 hộ thành viên, trong đó khoảng 75% là hộ nghèo hay đồng bào dân tộc và 25% là cán bộ xã nhưng kinh tế cũng rất khó khăn. Thêm một nhà đầu tư nữa tham gia nên tổng vốn vụ thứ hai lên 10 tỉ đồng, thả được 1,5 tỉ con giống. Chẳng may năm đó dịch bệnh, nghêu trên bãi bị hao hụt tới 95%, cuối vụ chỉ thu được 6 tỉ, lỗ 4 tỉ. Sau cú thất bát một nhà đầu tư đã ra đi.
Điều an ủi là các thành viên không ai rút lui cả vì thực sự HTX đã tạo công ăn việc làm thường xuyên cho mấy trăm hộ thành viên. Khi nghêu còn nhỏ thì họ làm công đoạn san thưa, khi nghêu lớn thì cào rồi ăn theo sản phẩm. Những việc này ai cũng làm được, kể cả phụ nữ và trẻ em, chỉ có điều năng suất khác nhau nên thu nhập cũng chênh lệch từ 200-500.000đ/ngày. Mỗi năm 7-8 tháng có việc. Mỗi tháng 20-22 ngày nước ròng thì làm, 8-10 nước lớn thì nghỉ.
Còn những tháng mùa mưa bão không có việc thì HTX lại xét các hộ đặc biệt khó khăn để bán thiếu cho mỗi nhà 20-50 kg gạo, tùy theo số nhân khẩu ít hay đông, lúc nào có cổ tức thì trừ. Khi gia đình thành viên nào bị đau ốm hoặc tang gia, HTX cũng trích một phần hỗ trợ. Dịch Covid 19 đã có trên 50 hộ được hỗ trợ 1 triệu đồng như vậy.
Trở lại vụ nghêu thứ ba, khi một nhà đầu tư rút lui, HTX đã nghĩ ra cách tận dụng vốn hỗ trợ hộ nghèo của các thành viên, mỗi nhà được 4 triệu để góp cổ phần. Ngoài ra, đơn vị còn vay thêm vốn của Liên minh HTX tỉnh, được thêm 2 tỉ nữa để vụ đó có 3,4 tỉ thả nửa bãi, nhà đầu tư trung thành góp 4 tỉ thả nửa bãi còn lại, tổng cộng 1,8 tỉ con giống. Cuối vụ, lời được 6 tỉ, sau khi trừ lại một phần để tái sản xuất, HTX chia cổ tức ở mức 100%.
Vụ thứ tư, HTX trả cổ tức kỷ lục ở mức 180%. Vụ thứ năm, số thành viên đã tăng lên tới trên 500 hộ, được lời trên 9 tỉ, HTX trả cổ tức ở mức 100%. Hiện đang là vụ thứ sáu, giống đã thả được 10 tháng, dự báo sản lượng 10.000 tấn, lời quãng 10 tỉ. 900 ha bãi được chia ra làm hai phần, nửa của nhà đầu tư, HTX được chia 25%, còn nửa của HTX. Trong nửa của nhà đầu tư ấy, HTX ra quy định chỉ được dùng lao động là thành viên của mình để tạo công ăn việc làm.
Từ khi HTX Đồng Tiến trở thành cái “nồi cơm” của cả ngàn con người, chuyện tranh chấp không còn, chuyện ăn nhậu ngày ba cữ trưa, tối và sáng hôm sau lại “lấy ngót” dăm mười ly cho sớm… phục hồi, rồi xảy ra cãi nhau, đánh nhau cũng dần hạn chế. Từ quãng 80-90% thành viên là hộ nghèo, giờ HTX chỉ còn chưa đầy 10% là hộ nghèo.
Những thành phần còn lại, trừ một vài gia đình đặc biệt neo người, thiếu lao động, còn chủ yếu là ỉ lại, trông chờ. Hết tiền nhậu thì họ sẵn sàng đòi rút vốn nhưng HTX cương quyết không đưa bởi: “Huyện, xã đưa tiền hỗ trợ hộ nghèo vào HTX để góp vốn, giờ muốn rút vốn thì mấy ông lên huyện, xã xin xác nhận”. Vậy là họ đành phải chịu…
Trong việc phát triển bền vững, anh Mừng còn băn khoăn chuyện xã mình tiếng là nông thôn mới, rồi đô thị loại 5 nhưng chung thực trạng với nhiều xã, huyện khác ở Bạc Liêu là không có hệ thống thu gom, xử lý rác. Mọi rác thải đều quăng ra kênh rồi đổ ra biển, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Nhiều kỳ họp xã, huyện hay tiếp xúc cử tri hội đồng nhân dân tỉnh anh đều ý kiến nhưng vẫn chưa có sự thay đổi nào. Rác vẫn lập lờ đêm ngày tấp vào bãi nghêu, tấp vào rừng đước, rừng tràm.
Nhờ có chòi mới có nhà, có vàng cất trữ
Theo cái thang gỗ chênh vênh, tôi leo lên căn chòi lá lộng gió của anh Võ Quốc Đang và Cao Thành Vũ. Trong chòi quý nhất là những can nước ngọt, mùa khô phải chở từ bờ vào, còn mùa mưa như này cứ việc hứng trên mái lá xuống. Mỗi ngày họ được tiếp tế thực phẩm một lần, chủ yếu là rau và thịt, còn cá, tôm thì sẵn mấy tay lưới, rải một tí là thừa ăn. HTX Đồng Tiến có tổng cộng 5 cái chòi như vậy.
Đi một vòng bãi là 10 km nhưng không giống như đi trên đường, gió mát, cát và phù sa mịn êm chân nên chẳng hề thấy mệt. Dừng chân ở một chỗ có nhiều lỗ thở của lũ nghêu đang thò lên mặt bãi, anh Vũ xoa xoa tay xuống bãi một lúc. Nước cùng phù sa trôi đi để lại một lớp nghêu dày đặc như những hòn cuội nhỏ.
Hết xoa xoa tay, anh Vũ lại dẫm dẫm chân trên bãi khiến tôi cũng bắt chước theo. Chỉ một lát là có thể cảm nhận dưới gan bàn chân mình nhột nhột hệt như được mát xa do chạm vào lưng những chú nghêu. Nghêu là một công cụ dự báo thời tiết tuyệt vời. Khi chúng ăn nông là biển lặng, ăn sâu là biển động, bão bùng.
Anh Vũ kể, xưa 10 năm liền vợ chồng anh nằm trong diện hộ nghèo, phải ở đậu ở nhà bạn của mẹ vợ. Nghề đi lưới làm bữa đực, bữa cái nhiều khi còn không đủ ăn chứ đừng nói đến chuyện dựng một túp lều làm nơi trú ngụ. Hơn 10 năm trước, thấy HTX Đồng Tiến làm ăn được, anh liền xin tham gia làm thành viên, lúc đầu chỉ một mình, sau đó là vợ và con trai.
HTX đã cho anh mượn 2 triệu đồng để góp vốn, kế tới anh lấy vốn hộ nghèo góp thêm vào, tổng được 7,7 triệu đồng. Năm ít thu lời cổ tức 100%, năm nhiều thu lời cổ tức 180% trên tổng vốn đóng góp. Giờ cha con anh làm bảo vệ bãi nghêu, lương tháng mỗi người 6 triệu, cộng thêm với việc bắt nghêu ăn theo sản phẩm, thưa nghêu thì giá 6.000đ/kg, dày nghêu thì 2-3.000đ/kg, cũng được cỡ 5-7 triệu/người/ tháng nữa. Còn vợ anh làm đầu bếp cho hội quán của HTX được trả lương 8 triệu/tháng. Tính ra cả nhà thu nhập đều đều 30 triệu/tháng. Nhờ đó mà hơn 1 năm trước anh đã cất được căn nhà xây trị giá 400 triệu chẳng những không thiếu nợ mà vẫn còn dư ít vàng phòng thân khi đau ốm hay có việc trọng.
Chòi canh của hai anh có nhiệm vụ trông 400 ha bãi. “Mình nuôi nghêu thì giữ nghêu thôi, còn dân bắt ốc, đăng lưới cá thì việc của họ”. Anh Vũ nói thoạt qua thì nghe tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại không hề đơn giản chút nào. Nước lớn họ có thể ngủ nhưng nước cạn thì phải trông nom suốt bởi vắng bóng bảo vệ là những người đi bắt ốc ở muôn nơi đổ về có thể “tiện tay” bắt luôn cả nghêu. Nếu ở gần thì các anh ra ngăn cản, nếu ở xa mà người ta đã bỏ về rồi thì thông báo cho các thành viên khác của HTX trong đất liền để chặn bắt bởi chỉ có duy nhất một con đường bộ ra bãi mà thôi.
Từ nghêu trứng kích cỡ 500 con/kg cứ 3 tháng 1 lần phải can thưa để chúng đủ không gian mà sinh sống. Con giống tự nhiên đi theo con nước chứ không chịu nằm yên ở trong bãi riêng của HTX, nhờ đó mà tái tạo thêm nguồn lợi cho vùng bãi ngoài để người dân tự do đánh bắt.
Hiện HTX đang tạo công ăn việc làm trực tiếp cho hơn 1.000 lao động và gián tiếp cũng cỡ hàng trăm. Vào vụ thu hoạch nghêu, mỗi ngày 500-700 người đổ ra bãi để khai thác 80-90 tấn giống. Anh Mừng đi tới đâu, thành viên nào cũng niềm nở chào hỏi. Vào vụ thu hoạch nghêu, các quán nhậu trong vùng chật ních tiếng cười, tiếng nói cùng tiếng cụng ly. Vào vụ thu hoạch nghêu, các tiệm vàng trong vùng người kéo đến đông nghịt để mua cất trữ.
Con tôm, con cá “ăn sổ đỏ” của rất nhiều người nhưng con nghêu nuôi hầu như chỉ có lời, không mấy khi bị lỗ. Không gì vui bằng đại hội chia lãi mỗi năm một lần của HTX, số người dự đông tới 150-200 thành viên. Lúc đầu phải mượn cả hội trường UBND xã để tổ chức, về sau có hội quán của HTX thì mới thôi.
Mơ về một bãi biển “tắm tiên”
Năm 2022 HTX khai trương Hội quán ẩm thực làng tôi với mức đầu tư 3 tỉ. Đó là một loạt các chòi lợp bằng lá lớn, nhỏ khác nhau được đặt ngay trên khu ao nuôi trồng thủy sản, kết nối bằng hệ thống cầu dẫn. Hội quán là nơi không chỉ các thành viên của HTX đến bàn việc mà các nông dân làm nghề khác như muối, tôm cũng có thể đến để bàn về kỹ thuật, về giao thương rồi đặt tiệc.
Anh Mừng giải thích: “Ý tưởng của tôi là mở ra khu du lịch trải nghiệm trên bãi nghêu rồi về ăn những sản phẩm mà chính HTX làm ra. Hiện chúng tôi mới chỉ làm được một khúc là ẩm thực, tháng nhiều lời 200 triệu, tháng ít lời 50 triệu, còn du lịch trải nghiệm đang bị vướng vì phương tiện xuồng ra bãi chưa đủ điều kiện an toàn. Để khắc phục điều này, sắp tới HTX sẽ kêu gọi nhà đầu tư mở một cây cầu dẫn từ bờ ra tận ngoài bãi”.
Theo TS Ngô Kiều Oanh - chuyên gia về du lịch nông nghiệp thì tiềm năng của Vĩnh Thịnh rất lớn, tuy nhiên phải vượt qua được định kiến “bẩn” của người Việt về những bãi biển đầy phù sa. Nhìn lớp phù sa óng ả thế mà không mấy ai dám bước xuống. Nhưng họ không hề biết rằng phù sa thường có nhiều khoáng chất quý như vàng và bạch kim cùng những loại đá quý khác nên rất có lợi cho sức khỏe, tắm vào có thể trẻ hóa làn da, giải độc cho cơ thể.
Và bởi cách xa khu dân cư nên bãi biển của Vĩnh Thịnh ngoài hoạt động trải nghiệm nuôi ngao, tắm biển thông thường còn có có thể phát triển thêm cả loại hình “tắm tiên” nữa. Giữa sông Hồng đỏ nặng phù sa tại bãi giữa Hà Nội đã có hàng trăm người nghiện “tắm tiên” nhiều năm vì tính hiệu nghiệm của nó trong việc phục hồi sức khỏe. Chỉ tiếc là Bạc Liêu chưa biết cách quảng bá, khai thác những bãi biển đỏ nặng phù sa của mình.
Tôi đã có trải nghiệm 2 ngày đêm ở Hội quán ẩm thực làng tôi, ăn những món dân dã vùng miền và hít thở đầy buồng phổi những luồng gió trong lành, thoáng đãng của biển cả nên mới trêu anh Mừng rằng: “Lương Giám đốc của anh ở đây không phải là 6 triệu/tháng mà cộng đúng phải là 36 triệu/tháng. Bởi những người thành phố muốn được sống trong bầu không khí như thế này cần ít nhất mỗi ngày 1 triệu để vào các khu resort”. Cả bàn tiệc nghe thấy thế bỗng nhiên đều cùng cười rổn rảng, những cái đầu gật gù nghe chừng đồng tình.
Hứa Như Ý - một nhân viên ở Hội quán đang thoăn thoắt bê đồ ăn cũng cười cả bằng mắt lẫn miệng. Gia đình cô trước đây rất khó khăn nhưng từ khi cha mẹ đều là thành viên của HTX, đến cuối năm được chia cổ tức, rồi tới lượt cô làm phục vụ ở đây, thu nhập quãng trên 10 triệu/tháng thì kinh tế đã khá lên được nhiều phần. Mới đây cô đã được vào Đảng và hiện là Bí thư chi đoàn chỉ đạo 6 đoàn viên trẻ khác.
Ngoài là “nồi cơm” của hơn 1.000 người, HTX Đồng Tiến còn thường xuyên có những hoạt động như ủng hộ các ấp, các trường sách, sở, cặp, quần áo cho học sinh nghèo, hỗ trợ các gia đình gặp thiên tai.