Nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm OCOP thông qua bao bì

Bình luận · 240 Lượt xem

Ngày 3/11, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp cùng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Văn Phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN-PTNT) tổ chức Hội nghị “Tư vấn thiết kế mẫu mã bao b?


Ông Nguyễn Minh Tiến - Giám đốc Văn Phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động của Hội chợ Làng nghề và Sản phẩm OCOP Việt Nam lần thứ 18 và Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2022.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết: Sự phát triển của các sản phẩm OCOP trong những năm qua đã gắn với đặc thù sản xuất của các làng nghề và không ngừng đổi mới sáng tạo. Sức sáng tạo của các chủ thể OCOP đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân bền vững mà Chính phủ, Bộ NN-PTNT đang đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản

Theo ông Toản, trong bức tranh tổng quan chung về hàng hóa nông sản thì mẫu mã, bao bì sản phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đưa sản phẩm đến gần, đến nhanh và hiệu quả hơn tới người tiêu dùng. Do đó, việc thay đổi nhận thức về bao bì sản phẩm vô cùng quan trọng, góp phần kiến tạo hệ sinh thái, xây dựng ngành công nghiệp bao bì giành riêng cho phân khúc sản phẩm OCOP và sản phẩm làng nghề. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng thu nhập cho người dân nông thôn.
Trên quan điểm của ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, muốn tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm và thuận lợi tiếp cận với các doanh nghiệp phân phối, hệ thống siêu thị trong và ngoài nước, việc hoàn thiện bao bì sản phẩm là điều cần thiết đối với các chủ thể.
Khi sản phẩm bắt đầu đi ra thị trường, một thiết kế bao bì đẹp và khác biệt sẽ có khả năng liên kết cảm xúc với khách hàng. Khi người tiêu dùng lần đầu tiên tiếp cận với một sản phẩm mới thì bao bì sẽ là kênh thông tin hữu hiệu để truyền tải tất cả những ưu điểm, thông điệp của chủ thể gửi gắm trong đó. Từ đó, giúp sản phẩm dễ dàng thâm nhập thị trường, gia tăng giá trị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi sôi nổi về vai trò của bao bì, ý nghĩa và tầm quan trọng của bao bì trong sản xuất, kinh doanh; đưa ra những giải pháp, tư vấn về thiết kế mẫu mã bao bì sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP phù hợp với nhu cầu của từng thị trường.
Theo thống kê, bao bì chiếm tới 80% thành công của một sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm OCOP hiện nay đang gặp phải rất nhiều hạn chế về kiểu dáng, chất liệu, bao bì đơn giản, trùng lặp, ghi nhãn chưa đúng quy định, thiếu thông điệp sản phẩm... Những hạn chế này xuất phát từ năng lực hoạt động, khả năng tiếp cận kỹ thuật, tài chính… của các chủ thể. Thách thức đặt ra với sản phẩm OCOP chính là sự so sánh và gia tăng giá trị.
Theo ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng OCOP, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, cần nhìn nhận đúng và trúng về vấn đề bao bì trong phát triển sản phẩm OCOP ở Việt Nam. Ngoài ra, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi, thảo luận về các giải pháp thiết kế bao bì sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP giúp tăng doanh số; về tính đồng bộ và câu chuyện văn hoá trong thiết kế bao bì sản phẩm OCOP. Hầu hết đại biểu tham dự Hội nghị đều nhất trí rằng, bao bì có nhiều công dụng và ngày càng phát triển đa dạng phù hợp với xu thế mới, không đơn thuần chỉ để bảo quản sản phẩm, bao bì đã trở thành cầu nối cung cấp thông tin (thông tin về sản phẩm, thông tin về doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu...), thu hút sự chú ý của khách hàng, kể câu chuyện về sản phẩm, phát triển thương hiệu doanh nghiệp đặc biệt là giúp tiết kiệm chi phí nhân công, quản lý cũng như có các chất liệu, cấu trúc phù hợp mang lại sự thuận tiện cho khách hàng, sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm của người sử dụng và nhất là thiết kế mang bản sắc của Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Nielsen tại TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và TP Cần Thơ, 67% người tiêu dùng coi trọng bao bì thiết kế của sản phẩm khi mua sắm. Điều này cho thấy bao bì chính là một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp, chủ thể truyền tải thông điệp, tiếp cận khách hàng. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều sản phẩm có thể "hút khách" từ cái nhìn đầu tiên. Đó chính là kinh nghiệm của đơn vị sản xuất mỳ chũ Xuân Trường (Lục Ngạn, Bắc Giang) khi đơn vị này không chỉ chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đầu tư cho mẫu mã, bao bì. Tại Hội nghị, Giám đốc Phạm Xuân Trường cho biết, trước đây sản phẩm đã có bao bì nhưng đóng gói không đẹp, sử dụng chủ yếu là túi nilon nên việc tiêu thụ chưa thuận lợi. Từ năm 2020, với việc lựa chọn loại giấy kraft cao cấp của Nhật Bản để làm túi đựng thành phẩm và thuê đơn vị thiết kế mẫu mã, logo in ấn, sản phẩm nhìn đẹp, bắt mắt và phù hợp làm quà biếu tặng, được nhiều người ưa chuộng. “Việc tiết chế màu sắc, hoa văn phù hợp, khu vực in mã vạch rõ ràng kết hợp sử dụng chất liệu thân thiện môi trường giúp quá trình tiêu thụ thuận lợi hơn. Trung bình mỗi tháng, đơn vị sản xuất khoảng 85 tấn mỳ, bán giá 30.000 đồng/kg, cao hơn 5.000 đồng/kg so với trước”, ông Trường chia sẻ.
Hiện nay, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), với những sản phẩm nào đạt từ 4 sao trở lên đều cho thấy sự đầu tư của chủ thể cho bao bì sản phẩm. Còn đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 2-3 sao, tiêu chí bao bì, nhãn mác mới dừng ở mức có đầy đủ các yếu tố, chưa có sự sáng tạo, nét đặc trưng riêng biệt, chưa hiển thị các tiêu chuẩn và chưa phù hợp với tiêu chuẩn thương mại quốc tế. Đối với các sản phẩm đạt tiêu chuẩn 1 sao, các tiêu chí về tính hoàn thiện của bao bì, phong cách của bao bì đạt mức điểm thấp nhất, do hầu hết sản phẩm sử dụng bao bì truyền thống, không phát triển thêm hoặc không có bao bì, chỉ để trong túi/chai hoặc đóng gói thông thường. Đây là một sự lãng phí rất đáng tiếc đối với các sản phẩm đặc sản của các địa phương và cũng là “nút thắt” khiến sản phẩm khó có thể tiếp cận với các doanh nghiệp và các siêu thị.
Bà Phạm Thị Thùy Linh, Giám đốc thu mua miền Bắc Siêu thị Big C (hiện đã chuyển sang tên gọi Tops Market và GO!) cho biết, hầu hết chủ thể gặp khó khăn là chất lượng sản phẩm mặc dù đủ điều kiện theo yêu cầu, có thể truy xuất được nguồn gốc nhưng bao bì nhãn mác lại chưa được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn tem mác của Nhà nước.
Thực tế cho thấy, một thiết kế bao bì đẹp và khác biệt sẽ có khả năng liên kết cảm xúc tới khách hàng. Để làm được điều đó, trước tiên phải đáp ứng đầy đủ phần nội dung để người tiêu dùng nhận diện sản phẩm. Chính vì vậy, khi thiết kế bao bì, chủ thể OCOP cần phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn quốc gia tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP về thi hành Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa…, có như thế mới thuận tiện cho hoạt động thương mại, lưu thông hàng hóa.
Điều này đòi hỏi các chủ thể phải tăng cường liên kết với các doanh nghiệp có chuyên môn về thiết kế bao bì sản phẩm. Thông qua doanh nghiệp, chủ thể sẽ nhận được những thông tin chính xác, đáng tin cậy và được cập nhật liên tục về đối tượng khách hàng của mình, từ đó xây dựng chiến lược đầu tư hợp lý nhất để đổi mới bao bì theo đúng yêu cầu của thị trường. Điển hình cho liên kết này phải kể đến chủ thể Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) với hầu hết các sản phẩm khi đưa ra đều để lại dấu ấn riêng trên thị trường, góp phần khẳng định hình ảnh riêng biệt, đồng thời truyền tải hiệu quả giá trị mà thương hiệu sản phẩm của chủ thể đem lại cho người tiêu dùng ở trong và ngoài nước.
Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị cũng đồng tình rằng, thiết kế bao bì sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP sẽ giúp tăng doanh số. Vì lẽ đó, cần đáp ứng đủ các chức năng về bảo vệ sản phẩm, thông tin sản phẩm, vận chuyển sản phẩm, quảng bá, trưng bày và khuyến mãi, đảm bảo logo và nhận diện cơ bản, nhất là định vị sản phẩm với những hình ảnh thương hiệu mang giá trị cộng đồng, bản địa, địa phương… đặc trưng nhất./..

 

 

NLA (Tổng hợp)

Bình luận