Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Đại sứ Cộng hòa Ireland tại Việt Nam; đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO); lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang; lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 43 tỉnh, thành phố. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội thảo.
Sau hơn 4 năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến ngày 31/10/2022, 63/63 tỉnh thành đã tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm. Cả nước đã có 8.565 sản phẩm đạt 3 sao trở lên.Hơn 4.392 chủ thể OCOP có sản phẩm đạt 3 sao trở lên.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực đến phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy suất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường.
Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Chương trình đã góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị. Nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn. Bên cạnh đó, chương trình thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng đặc biệt khó khăn và các nhóm yếu thế… Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn, tồn tại như số lượng sản phẩm OCOP tăng nhanh nhưng chưa thực sự bền vững; thiếu sự chủ động của các chủ thể khi tham gia vào chương trình; chưa tập trung đến các giải pháp về chuẩn hóa chất lượng, mẫu mã bao bì sản phẩm; hoạt động xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu đồng bộ…
Đại biểu các tỉnh, thành phố đã thảo luận, chia sẻ những khó khăn và kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Đồng thời, đưa ra các giải pháp, kiến nghị để phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, hình thành các các tuyến, điểm du lịch cộng đồng, xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề; bảo tồn, phục dựng các lễ hội dân gian của các dân tộc trở thành sản phẩm du lịch….
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh chương trình OCOP là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, đây là tiền đề thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn song lại mang đặc trưng rất riêng. Triển khai thực hiện chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh có 128 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Đến hết năm 2021 đã có 54/122 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Với nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch được triển khai, hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều khởi sắc. Tuyên Quang còn nhiều tiềm năng, cơ hội phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn. Thời gian tới tỉnh mong nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; sự phối hợp chặt chẽ giữa các tỉnh, thành trong cả nước...
Tham gia thảo luận tại hội thảo, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Ireland tại Việt Nam John McCullagh cho biết, hoạt động thí điểm phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía Bắc do Chính phủ Ireland hỗ trợ thông qua thông qua Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) với tổng kinh phí là 100.000 Euro và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2022 - 2023. Hoạt động được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận với các sinh kế nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ khu vực miền núi phía bắc, góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng thông qua tạo cơ hội và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị nông nghiệp và thị trường…
Kết luận hội thảo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế, văn hóa cho khu vực nông thôn và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Một trong những giải pháp trọng tâm phát triển sản phẩm OCOP là nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho các chủ thể OCOP; tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt là phát triển sản phẩm làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn. Chương trình đề ra mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận 3 sao trở lên.
Các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP.
Cũng tại hội thảo, các cơ quan đã công bố chương trình thí điểm “Phát triển sinh kế ứng phó với biến đổi khí hậu cho phụ nữ nông thôn khu vực miền núi phía bắc”. Chương trình do Cộng hòa Ireland hỗ trợ thông qua tổ chức FAO.
Với tổng kinh phí là 100.000 euro và dự kiến sẽ được thực hiện trong năm 2022-2023, hoạt động được thực hiện nhằm hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận với các sinh kế nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho phụ nữ khu vực miền núi phía bắc. Chương trình góp phần giải quyết tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng thông qua tạo cơ hội và và thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị nông nghiệp và thị trường.
BBT tổng hợp