Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên đánh giá mối liên quan giữa hút thuốc lá với cả hai loại suy tim: giảm phân suất tống máu (còn gọi là suy tim tâm thu) và phân suất tống máu bảo tồn (còn gọi là suy tim tâm trương).
Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã phân tích hồ sơ từ một nghiên cứu dài hạn với gần 9.500 cá nhân ở 04 tiểu bang của Hoa Kỳ. Nghiên cứu cho thấy những cá nhân này đã ngừng hút thuốc có nguy cơ mắc một trong hai loại suy tim tăng lên đáng kể trong nhiều thập kỷ sau khi họ bỏ thuốc.
PGS.TS.Bác sĩ Kunihiro Matsushita, Khoa Dịch tễ học, Trường Y tế Công cộng Bloomberg, tác giả của nghiên cứu cho biết: “Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa hút thuốc ngay từ đầu, đặc biệt là ở trẻ em và thanh niên. Chúng tôi hy vọng kết quả này sẽ khuyến khích những người hút thuốc hiện tại bỏ thuốc sớm còn hơn là muộn, vì tác hại của hút thuốc lá có thể kéo dài tới 30 năm”.
Suy tim là một bệnh lý tiến triển trong đó cơ tim không đủ khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu cung cấp máu và oxy cho cơ thể. Theo dữ liệu gần đây nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, đây là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tàn tật và tử vong ở các nước phát triển, với hơn 6 triệu người trưởng thành đang sống chung với bệnh suy tim ở Hoa Kỳ. Bên cạnh việc hút thuốc lá còn có các yếu tố rủi ro khác có nguy cơ gây bệnh suy tim như: béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh mạch vành và tuổi cao.
Có hai dạng suy tim: giảm phân suất tống máu (còn gọi là suy tim tâm thu) và phân suất tống máu bảo tồn (suy tim tâm trương). Ở dạng suy tim tâm thu, tâm thất trái - cơ quan bơm máu chính của tim - không thể co bóp đủ để bơm máu đưa đến các cơ quan khác của cơ thể. Suy tim tâm thu có mối liên hệ chặt chẽ hơn với bệnh mạch vành. Bệnh này được điều trị bằng một số loại thuốc giúp cải thiện tiên lượng.
Ở dạng suy tim tâm trương, tâm thất trái không thể giãn rộng để chứa đủ máu. Việc điều trị suy tim tâm trương còn rất hạn chế, do đó việc phòng ngừa là cực kỳ quan trọng. Các yếu tố có nguy cơ gây ra bệnh suy tim tâm trương chưa rõ ràng. Một số nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng hút thuốc lá có nguy cơ cao hơn đối với bệnh suy tim tâm trương.
Bác sĩ Matsushita và các đồng nghiệp đã đánh giá hồ sơ sức khỏe của các bệnh nhân tham gia vào nghiên cứu Nguy cơ xơ vữa động mạch trong cộng đồng (ARIC). Nghiên cứu ARIC được bắt đầu năm 1987, bao gồm những người trung niên và người lớn tuổi trên khắp đất nước Mỹ, với đại diện đáng kể là người Mỹ da đen. Kết quả phân tích của nghiên cứu mới này gồm dữ liệu từ 4 tiểu bang (Maryland, North Carolina, Minnesota, và Mississippi) tập trung vào 9.345 người tham gia ARIC, độ tuổi từ 61 đến 81, có đầy đủ hồ sơ và không có chẩn đoán suy tim tính đến đầu năm 2005.
Trong thời gian theo dõi trung bình 13 năm, có 1.215 trường hợp suy tim trong nghiên cứu này, trong đó có 492 trường hợp giảm phân suất tống máu và 555 trường hợp phân suất tống máu bảo tồn. Kết quả phân tích của các nhà nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc trong nhóm được chẩn đoán mắc hai loại suy tim với cùng tỷ lệ tăng cao so với những người không bao giờ hút thuốc - cao hơn 2,28 lần đối với loại phân suất tống máu được bảo tồn và 2,16 lần đối với loại giảm phân suất tống máu.
Mối liên hệ với việc hút thuốc cũng cho thấy mối quan hệ "liều lượng - phản ứng" – những người hút thuốc nhiều hơn mỗi ngày và hút thuốc nhiều năm hơn sẽ có nguy cơ suy tim cao hơn. Tương tự, bỏ thuốc lá làm giảm nguy cơ suy tim. Nhìn chung, những người từng hút thuốc có 31% khả năng mắc bệnh suy tim tâm trương và 36% mắc bệnh suy tim tâm thu, so với những người không bao giờ hút thuốc.
Khi các nhà nghiên cứu phân tầng những người từng hút thuốc theo số năm kể từ khi bỏ thuốc, họ nhận thấy rằng nguy cơ suy tim của những người đã từng hút thuốc vẫn cao hơn đáng kể so với nguy cơ của những người không bao giờ hút thuốc - ngoại trừ nhóm người không hút thuốc trong 30 năm trở lên.
Bác sĩ Matsushita khẳng định: “Điều này củng cố quan điểm rằng hút thuốc lá ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe tim mạch”./.
VTH (Theo Sciencedaily)