Theo đó, trong 104 sản phẩm OCOP Trà Vinh được công nhận đợt này, có 1 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng là Điểm du lịch cộng đồng Cồn Chim; 1 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu là Dầu dừa nguyên chất Kokofi; 6 sản phẩm thuộc nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, còn lại đều thuộc nhóm hàng thực phẩm và đồ uống. Có 22 sản phẩm OCOP được tái công nhận là: bánh tét ba nhân Anh Thư, bánh tét thập cẩm Năm Nhan, nước mắm rươi Phong Vinh, Tôm khô Tiến Hải, thảm xơ dừa Út Mừng, lạp xưởng Vạn Thành, chả hoa Năm Thụy… Trong đợt công nhận này, thành phố Trà Vinh có 22 sản phẩm OCOP, huyện Châu Thành có 16 sản phẩm, huyện Càng Long 15 sản phẩm, huyện Cầu Ngang 14 sản phẩm, huyện Cầu Kè 10 sản phẩm, thị xã Duyên Hải 8 sản phẩm, huyện Tiểu Cần 8 sản phẩm, huyện Trà Cú 6 sản phẩm và huyện Duyên Hải 5 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP Trà Vinh được công nhận đợt này sẽ được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao; được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao in, dán trên bao bì sản phẩm theo quy định hiện hành. Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP có giá trị 3 năm, kể từ ngày ký quyết định 30/12/2022.
Ngoài ra, tỉnh Trà Vinh cũng vừa phê duyệt kết quả chấm điểm 3 sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao. Đó là Bánh tráng IMEX TRAVINH của Công ty Lương thực Trà Vinh; Tôm thẻ tẩm bột dừa đông lạnh và Tôm thẻ đông lạnh ASC chần, xiên que tẩm gia vị garlic chilli của Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long. UBND tỉnh Trà Vinh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Công ty Lương thực Trà Vinh và Công ty Cổ phần Thủy sản Cửu Long hoàn thiện hồ sơ sản phẩm theo quy định của Chương trình, tham mưu trình Hội đồng cấp Trung ương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia năm 2022.
Thanh Tuyển