Sau 5 năm triển khai (từ năm 2018 - 2022), Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP), tỉnh Hà Giang đã đánh giá, phân hạng được 270 sản phảm, trong đó có 229 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao và 39 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao cấp tỉnh; đặc biệt tỉnh có 2 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 5 sao cấp Quốc gia là Trà xanh hộp Bà cụ 100 gam và Hồng trà hộp Bà cụ 100 gam của HTX chế biến chè Phìn Hồ huyện Hoàng Su Phì. Riêng trong năm 2022 Hà Giang đã có 37 sản phẩm OCOP được công nhận và phân hạng đạt từ 3 đến 4 sao cấp tỉnh.
Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã trở thành đặc sản đối với khách du lịch và người tiêu dùng như Mật ong Bạc hà trên vùng cao nguyên đá Đồng Văn, gạo tẻ Già Dui, Mận Hậu huyện Xín Mần, Mận máu huyện Hoàng Su Phì, Ớt gió huyện Đồng Văn, ngô nếp núi đá huyện Yên Minh, gà xương đen và rượu ngô men lá Thanh Vân huyện Quản Bạ, thịt bò khô trên cao nguyên đá Đồng Văn, dê núi đá vùng cao, Hồng không hạt huyện Quản Bạ, rượu đặc sản được làm từ hạt của cây Hoa Tam giác mạch, chè Shan tuyết tại các huyện vùng cao.....
Trong những năm qua, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh khai thác lợi thế các địa phương nhằm phát triển các sản phẩm OCOP chủ lực và đã được du khách trong và ngoài nước đón nhận và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Nhờ đó, trong các mùa lễ hội tại các vùng miền trong tỉnh đã tạo điều kiện cho các địa phương của tỉnh quảng bá và tiêu thụ được phần lớn các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương; nhờ đó đó đã giúp các địa phương trong tỉnh mở rộng qui mô sản xuất, đầu tư khoa học kỹ thuật nhằm không ngừng nâng cao năng suất và chất lượng của các sản phẩm OCOP. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng giúp người dân Hà Giang nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo trong quá trình xây dựng thành công nông thôn mới.
Ông Vàng Sửa Chúa, dân tộc Mông, một hộ nuôi ong mật bạc hà tại xã Lũng Pù huyện Mèo Vạc cho biết: Trong những năm qua, nhờ có chủ trương đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP của tỉnh gắn với lợi thế địa phương nên các sản phẩm mật ong bạc hà của bà con nông dân chúng tôi được khách du lịch trong nước và khách nước ngoài tiêu thụ mạnh. Nhờ đó đã giúp người nuôi ong nâng cao được thu nhập và mở rộng qui mô nuôi ong để nâng cao thu nhập cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.
Trong những năm qua, nhờ đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP gắn với lợi thế các địa phương đã góp phần thúc đẩy phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm OCOP đặc thù của Hà Giang cả về số lượng và chất lượng, được thị trường và du khách đón nhận. Tuy nhiên, các sản phẩm OCOP của Hà Giang cũng chỉ mới phát triển ở qui mô nhỏ, số lượng còn hạn chế, chưa có sự kết nối giữa các tour du lịch với các vùng sản xuất các sản phẩm OCOP tập trung....Vì vậy, để nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đặc thù của các địa phương phục vụ cho công tác du lịch, tỉnh Hà Giang đã xây dựng các chính sách nhằm phát triển và nâng cao chất lượng của các sản phẩm OCOP như đầu tư khoa học kỹ thuật, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX mở rộng qui mô sản xuất và nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng kế hoạch tập trung phát triển các sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương đi đôi với xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm. Ngoài ra, tỉnh cũng đề ra chủ trương mở rộng hình thức phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, gắn các tour du lịch với việc tham quan của khách du lịch đối với các làng nghề truyền thống và các vùng sản xuất các sản phẩm OCOP đặc thù của tỉnh. Điều đó, ngoài tạo nên sự hấp dẫn thu hút đối với các du khách còn là nền tảng để giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng được mở rộng và phát triển.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong 5 năm qua, tỉnh đã phân hạng, đánh giá, xếp loại được 270 sản phẩm OCOP. Nhằm đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm OCOP…
Văn Phú