Hưng Yên không né tránh những hạn chế, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới

Bình luận · 237 Lượt xem

Sau 10 năm tổ chức thực hiện, tỉnh Hưng Yên đã có 139/139 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó có 19 xã và 93 khu dân cư NTM kiểu mẫu, 83 xã NTM nâng cao

 

Hưng Yên cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn xây dựng nông thôn mới

Hưng Yên vượt khó, quyết tâm xây dựng nông thôn mới

Mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Phụng Công- Văn Giang.

Mô hình trồng hoa công nghệ cao ở Phụng Công- Văn Giang.

 

Hưng Yên là một trong những tỉnh đi đầu trong phong trào xây dựng NTM trong toàn quốc. Cụ thể, chỉ sau 7 năm (2013-2020) triển khai thực hiện, địa phương này đã có 139/139 xã được công nhận chuẩn NTM.

 

Tiếp đó đến nay, dù bị dịch Covid-19 gây ảnh hưởng lớn tới nguồn lực tài chính và dân sinh, nhưng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hưng Yên vẫn không ngừng vươn lên, khắc phục khó khăn, xây dựng được 19 xã NTM kiểu mẫu, 83 xã NTM nâng cao và 93 khu dân cư kiểu mẫu.

 

Nhìn thẳng vào sự thật

Đạt được thành tựu rất ấn tượng nêu trên, ông Nguyễn Tiến Dũng, Chánh Văn phòng Điều phối NTM vẫn thẳng thắn nhìn nhận, sau đạt chuẩn NTM đã có một số xã chủ quan, lơ là củng cố duy trì các tiêu chí đạt được. Đồng thời, sau nhiều năm vận hành, cơ sở hạ tầng ở một số xã bắt đầu xuống cấp, làm giảm chất lượng các tiêu chí NTM được công nhận trước đó. Nhất là tiêu chí về đường giao thông nội đồng. Ngoài ra, còn 111 trường học, 18 trung tâm văn hóa xã, 85 nhà văn hóa thôn chưa đạt chuẩn về cơ sở vật chất; việc mua sắm trang thiết bị y tế cũng đang còn thiếu.

 

Công tác quản lý, vận hành tại một số điểm tập kết rác và bãi chôn lấp chất thải chưa tốt. Còn để xảy ra tình trạng đổ rác thải không đúng nơi quy định, đổ chất thải công nghiệp ra bãi rác dân sinh và đốt chất thải gây ô nhiễm môi trường. Cùng với đó, việc đầu tư lò đốt rác còn chậm. Hiện tại có khoảng 24% rác thải sinh hoạt chưa được thu gom, xử lý hợp vệ sinh

 

Một số khu dân cư chưa bố trí rãnh thoát nước, dẫn đến ứ đọng tràn ra mặt đường, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân, do nước thải chưa được thu gom triệt để, không bố trí nắp đậy. Có xã chưa đưa khu chăn nuôi tập trung vào hoạt động theo qui hoạch. Còn nhiều trang trại chăn nuôi lớn trong khu dân cư, gây khó khăn cho công tác phòng dịch nói chung, làm tăng ô nhiễm môi trường, khó xử lý triệt để, hiệu quả.

 

Cảnh quan môi trường tại một số xã chưa đạt yêu cầu như, một số tuyến đường chính của xã và khu dân cư chưa tổ chức trồng hoa hoặc cây xanh; một số tuyến đường trồng hoa nhưng ít chăm sóc cắt tỉa; công tác vệ sinh đường làng, ngõ xóm và nạo vét, trục vớt rác thải trên sông, ao, hồ chưa thường xuyên, gây mất mỹ quan làng quê.

 

Một số địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ đầu tư của cấp trên, thiếu quan tâm huy động các nguồn lực tại chỗ; việc đấu giá quyền sử dụng đất có lúc, nơi còn chậm, chi phí xây dựng hạ tầng cao. Thông tin báo cáo của một số địa phương, đơn vị vừa chậm vừa thiếu số liệu, làm cho công tác tham mưu, tổng hợp gặp nhiều khó khăn

 

“Giai đoạn 2022- 2025, Hưng Yên không được nhận hỗ trợ từ nguồn ngân sách trung ương như trước. Ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) phải chủ động cân đối, bố trí vốn và huy động các nguồn hợp pháp khác để duy trì chuẩn NTM và đạt NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đây là một trong những khó khăn thách thức, địa phương phải khắc phục vươn lên”, ông Nguyễn Tiến Dũng cho biết thêm

 

Kế hoạch và giải pháp thực hiện tới hết năm

 

Trên cơ sở nhìn rõ khó khăn, thách thức và những tồn tại, hạn chế, tỉnh Hưng Yên đã đề ra, đến cuối năm 2023 sẽ có thêm 10-15 xã được công nhận NTM kiểu mẫu, 25-30 xã đạt NTM nâng cao, 15-20 khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đồng thời củng cố các tiêu chí NTM còn yếu trong giai đoạn 2016-2020, nhằm duy trì mức đạt chuẩn NTM với các xã còn lại. Và đẩy mạnh phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, đảm bảo đồng bộ, hiện đại, kết nối nông thôn với đô thị và giữa các địa phương

 

Hoàn thiện các trung tâm Văn hóa xã và nhà văn hóa các thôn chưa đạt chuẩn; đầu tư xây mới hoặc nâng cấp mở rộng 40 trạm y tế xã; Đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế cho 155 trạm y tế xã; Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và các cơ sở hạ tầng theo hướng kiên chuẩn hóa, hiện đại hoá chuẩn quốc gia

 

Để hoàn thành các mục tiêu kế hoạch đề ra, tỉnh sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, sản xuất theo chuỗi giá trị tăng cao và hiệu quả; Thí điểm xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; Tiếp tục triển khai đề án “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có hiệu quả; phát triển ngành nghề nông thôn, kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, kết hợp chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang các khu vực kinh tế khác”; Xây dựng và tổ chức thực hiện các đề án, dự án về giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản

 

Thực hiện hiệu quả đề án, “Đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời đẩy mạnh công tác xử lý đất dôi dư xen kẹp. Lồng ghép các chương trình, dự án và các nguồn vốn khác để tăng nguồn lực cho xây dựng NTM; Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức tư nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn,...

 

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư khu xử lý chất thải tại huyện Khoái Châu, Phù Cừ và nâng cấp lò đốt Dị Sử. Nhân rộng các mô hình phân loại rác và xử lý rác hữu cơ tại gia đình. Khuyến khích thành lập công ty dịch vụ môi trường tư nhân làm ở các huyện và thị xã

 

Đề nghị Bộ TN-MT sớm ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong đó, hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định định mức kinh tế, kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải sinh hoạt rắn; hướng dẫn thực hiện quy định về giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân cho từng công nghệ xử lý thống nhất về giá trên toàn quốc; xử lý nước thải sinh hoạt tại chỗ đối với hộ gia đình, cá nhân. Hỗ trợ địa phương xử lý triệt để ô nhiễm môi trường các làng nghề tái chế chì xã Chỉ Đạo, tái chế nhựa Minh Khai (huyện Văn Lâm). Sớm triển khai thực hiện Đề án bảo vệ môi trường sông Bắc Hưng Hải, đề xuất giải pháp tổng thể giữa các địa phương trong việc bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải;

 

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm thực hiện dự án “Xây dựng trạm bơm Xuân Quan”; Có phương án xử lý ô nhiễm môi trường Hệ thống Thuỷ nông Bắc Hưng Hải, đảm bảo Hệ thống này bên cạnh chức năng tưới, tiêu sản xuất nông nghiệp có thêm vai trò thoát nước thải công nghiệp và dân sinh.

Bình luận