Đề xuất thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ

Bình luận · 254 Lượt xem

Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi xin chủ trương lập dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên khu vực tây Ba Tơ thuộc huyện miền núi Ba Tơ.

Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ (Quảng Ngãi) hiện có khoảng 167 cá thể chà vá chân xám.

Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ (Quảng Ngãi) hiện có khoảng 167 cá thể chà vá chân xám.

Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ dự kiến thành lập có diện tích khoảng 18.000ha nằm trên địa bàn các xã: Ba Xa, Ba Nam, Ba Lế, là khu vực rừng tự nhiên tập trung nhất của tỉnh Quảng Ngãi, nằm tiếp giáp với 3 tỉnh Bình Định, Gia Lai và Kon Tum.

Khu vực này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là Khu dự trữ thiên nhiên và được UBND tỉnh Quảng Ngãi cụ thể hóa bằng việc phê duyệt Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Khu vực này hiện được đưa vào quy hoạch rừng đặc dụng (Khu dự trữ thiên nhiên) trong Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi.

Qua các tài liệu nghiên cứu hiện có cho thấy, hệ sinh thái Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ chứa đựng giá trị đa dạng sinh học cao, với nhiều loài động, thực vật nguy cấp, quý, hiếm và đặc hữu có giá trị cho khoa học và kinh tế.

Kết quả điều tra sơ bộ của Trung tâm GreenViet và Tổ chức FFI thực hiện vào năm 2022 xác định, Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ (Quảng Ngãi) có khoảng 167 cá thể chà vá chân xám.

Kết quả đặt bẫy ảnh khảo sát vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2023, nhóm điều tra đã ghi nhận được 44 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 30 họ và 16 bộ. Trong đó, lớp thú có 12 loài, 9 họ và 6 bộ; lớp chim có 18 loài, 12 họ và 8 bộ; lớp bò sát có 8 loài, 6 họ và 1 bộ; lớp lưỡng cư có 6 loài, 3 họ và 1 bộ. Đặc biệt, có 2 loài thuộc diện nguy cấp, quý, hiếm được ghi nhận là 3 đàn vượn thông qua tiếng hót tại tiểu khu 463, 461 và quan sát trực tiếp 1 đàn chà vá chân xám tại tiểu khu 462.

Theo Sở NN-PTNT Quảng Ngãi, việc xây dựng dự án thành lập Khu dự trữ thiên nhiên Tây Ba Tơ là hết sức cần thiết, làm cơ sở để quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan, dịch vụ môi trường; là cơ sở cho việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng rừng đặc dụng; huy động sự tham gia rộng rãi của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước vào hoạt động bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng, góp phần nâng cao nhận thức và mức sống của người dân, bảo vệ an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bình luận