Xây dựng hợp tác xã mạnh để đáp ứng tiêu chí 13

Bình luận · 125 Lượt xem

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối NTM TP Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội, trên địa bàn có 1.053 HTX hoạt động.

Các hợp tác xã (HTX) góp phần quan trọng vào việc xây dựng nông thôn mới (NTM) khi đáp ứng tiêu chí số 13 là có HTX hoạt động hiệu quả và tổ chức được chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên. Khi đời sống kinh tế đi lên, tình trạng người dân chán ruộng, bỏ ruộng xuất hiện mỗi lúc một nhiều ở các huyện ngoại thành Hà Nội.

Là một người yêu đất, ông Đinh Văn Bình cùng một số hộ dân khác ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức đã đứng ra gom đất nông nghiệp của bà con trong vùng để canh tác lúa tập trung, mỗi hộ mỗi vụ cấy 2 - 3 mẫu. Ông được HTX Nông nghiệp Lê Thanh kết nối với doanh nghiệp thu mua thóc tươi ngay tại ruộng chứ không còn phải lo mỗi khi giông gió mà thóc trên sân phơi chưa kịp cào. 

Ông Phạm Văn Hai, Giám đốc HTX Nông nghiệp Lê Thanh cho biết kể từ khi tiếp quản HTX kiểu cũ, đơn vị đã chuyển đổi theo Luật HTX mới vào năm 2015, hiện quản lý 453ha đất nông nghiệp và hơn 5.000 thành viên. HTX của ông năng động, không chỉ bó hẹp trong mấy khâu dịch vụ đầu vào như làm đất, thủy lợi, vật tư giống, phân bón, máy gặt mà còn làm cả dịch vụ đầu ra, bao tiêu sản phẩm, tạo thành chuỗi liên kết. Cuối vụ, xe tải của doanh nghiệp đến tận ruộng để thu mua lúa cho các thành viên.

HTX Nông nghiệp Lê Thanh bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ảnh: Tư liệu.

HTX Nông nghiệp Lê Thanh bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ảnh: Tư liệu.

Có hai dạng liên kết, thứ nhất là “cứng” khi HTX ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Lương thực Long Vũ và Công ty Thái Bình, tổng diện tích mỗi vụ xung quanh 30ha. Ở đó, các thành viên của HTX phải sản xuất theo đơn đặt hàng, theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn nghiêm ngặt của doanh nghiệp đề ra. Còn thứ hai là liên kết “mềm”, HTX bao tiêu thêm sản phẩm cho bà con, mỗi vụ khoảng hơn 200 tấn với các giống lúa như TBR 225, Đài Thơm…

Tôi hỏi trong khi nhiều HTX mới chỉ làm được dịch vụ đầu vào chứ chưa đảm đương được dịch vụ đầu ra cho bà con, vậy bí quyết nào để HTX Lê Thanh có thể làm được điều đó? Ông Hai cười vang, tất cả phụ thuộc vào sự năng động của người lãnh đạo HTX. Là người đi nhiều nơi, ông có lắm mối quan hệ, thậm chí quan hệ với cả các công ty để cung ứng lúa cho Cục Dự trữ, mỗi vụ cả mấy ngàn tấn, trong đó có một phần là bao tiêu sản phẩm của chính các thành viên HTX.  

Bước đầu HTX chỉ đạo các thành viên sản xuất theo cùng một tiêu chuẩn VietGAP nhưng vụ xuân năm nay đã thử nghiệm cấy 10ha lúa theo hướng hữu cơ. Họ không còn bán lúa tươi cho doanh nghiệp nữa mà còn chế biến thành gạo, đóng gói dưới thương hiệu của mình, bán tới 22.500 đồng/kg cho các cửa hàng thực phẩm an toàn ngoài nội thành. Đích hướng đến của HTX là sẽ phải sản xuất đạt tiêu chuẩn hữu cơ trong thời gian tới.

Nông dân làm kinh tế trên thửa ruộng của mình. Ảnh: Tư liệu.

Nông dân làm kinh tế trên thửa ruộng của mình. Ảnh: Tư liệu.

“Chúng tôi sản xuất nhưng không dùng một loại thuốc hóa học nào, kể cả thuốc ốc bươu vàng. Ở những vùng trũng như huyện Mỹ Đức thường hay bị ốc bươu vàng, chúng tôi cho bẫy bằng cách đưa xơ mít, lá sắn xuống ruộng cho ốc tập trung vào một chỗ rồi thuê người bắt, đổ đi.

Trong việc phát triển kinh tế, chính trị xã hội của địa phương, HTX đóng vai trò quan trọng. HTX hoạt động vì mục đích phục vụ các thành viên là chính chứ không đơn thuần vì lợi nhuận. Như chúng tôi bao tiêu sản phẩm lúa tươi cho dân, bán cho các công ty với giá 6.500 đồng/kg vẫn trả cho dân đủ 6.500 đồng/kg. Lợi nhuận của HTX ở các khâu dịch vụ khác như làm đất, tưới tiêu, máy gặt… Mỗi năm HTX cũng được lãi khoảng hơn 200 triệu, đóng bảo hiểm và trả lương cho 9 người thường trực, còn 10 cán bộ cơ sở, không chuyên trách thì hàng tháng được trả theo phụ cấp”, ông Phạm Văn Hai cho biết.   

Ông Phạm Trọng Của, Chủ tịch UBND xã Lê Thanh đánh giá mô hình liên kết giữa HTX Nông nghiệp Lê Thanh và Công ty TNHH Llương thực Long Vũ, Công ty Thái Bình đã mang lại giá trị cho cả ba bên là doanh nghiệp, HTX và nông dân, góp phần xây dựng NTM. Những thành công bước đầu của mô hình liên kết đó cần đúc kết kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra hơn nữa. Trong thời gian tới, Lê Thanh xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là hình thành nên những vùng diện tích tập trung trồng cây ăn quả ven sông Đáy. 

Bình luận