Nhiều sản phẩm của Yên Bái được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể

Bình luận · 750 Lượt xem

Để giúp các làng nghề phát triển bền vững, tỉnh Yên Bái chú trọng xây dựng nhãn hiệu tập thể cho làng nghề hoặc đặc sản địa phương mang địa danh.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều hoạt động trong quản lý, hỗ trợ, xây dựng bảo hộ, khai thác phát triển quyền sở hữu công nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các sản phẩm đặc sản, đặc thù của địa phương.

6 tháng đầu năm 2023, tỉnh Yên Bái đã xác lập quyền nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm: Gạo nếp Lếch (xã Bảo Ái, huyện Yên Bình); rượu thóc La Pán Tẩn (huyện Mù Cang Chải); hoa hồng Mù Cang Chải; chè shan tuyết Púng Luông (huyện Mù Cang Chải); nếp lẩu cáy Trạm Tấu...

Cùng với đó, tỉnh quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý theo chuỗi giá trị sản phẩm đối với sản phẩm măng tre Bát Độ Yên Bái; quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Khoai sọ nương Trạm Tấu”.

Sản phẩm miến đao của xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) đã xây dựng được thương hiệu thông qua việc xác nhận sở hữu trí tuệ tập thể. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm miến đao của xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) đã xây dựng được thương hiệu thông qua việc xác nhận sở hữu trí tuệ tập thể. Ảnh: Thanh Tiến.

Trước đó, Yên Bái cũng đã có rất nhiều sản phẩm được bảo hộ về sở hữu trí tuệ dưới các hình thức nhãn chứng nhận, nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý bao gồm: Nhãn hiệu chứng nhận đối với cá hồ Thác Bà, gạo nếp Làng Mu - Khánh Thiện, gà xương đen Mù Cang Chải, vịt bầu Lâm Thượng, khoai sọ nương Trạm Tấu, lợn đen bản địa Trạm Tấu, gà trống thiến Lục Yên, măng mai Lục Yên...; nhãn hiệu tập thể đối với thịt hun khói Mường Lò, chè xanh Hán Đà, gạo nếp 87 Trạm Tấu, măng ớt Trạm Tấu...; chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm mật ong Mù Cang Chải, măng tre Bát Độ Yên Bái, chè shan Phình Hồ.

Các sản phẩm sau khi được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mở ra hướng đi mới cho đồng bào vùng cao phát triển kinh tế. Đồng thời, giúp nâng cao vị thế, giá trị, danh tiếng, thương hiệu của sản phẩm; thúc đẩy mở rộng sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang sản xuất các sản phẩm có giá trị kinh tế phù hợp với điều kiện tự nhiên ở từng địa phương.

Sản phẩm măng tre Bát Độ Yên Bái được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan nhờ được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Thanh Tiến.

Sản phẩm măng tre Bát Độ Yên Bái được xuất khẩu đi các thị trường khó tính như Nhật Bản, Đài Loan nhờ được xác lập quyền nhãn hiệu tập thể. Ảnh: Thanh Tiến.

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu chung của tập thể, các thành viên của tập thể đều được sử dụng và quảng bá cho sản phẩm của mình. Tập thể ở đây có thể là hợp tác xã, hội nông dân làm vườn, tổ hợp tác, doanh nghiệp, các hội nghề… Bên cạnh quyền được sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của mình, các thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.  

Nhãn hiệu tập thể thường đi liền với tên địa danh để chỉ sản phẩm có xuất xứ từ địa phương và vùng lãnh thổ mang địa danh đó. Việt Nam từ lâu là nước nông nghiệp, mỗi vùng miền đều có nét đặc trưng riêng về điều kiện tự nhiên (khí hậu, thổ nhưỡng) nên sản phẩm nông nghiệp có những nét đặc thù riêng của từng vùng miền mà vùng khác không thể có được hoặc sản phẩm có chất lượng không bằng.

Việc chọn lựa và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đi liền với tên địa danh sẽ đem đến nhiều lợi ích cho tập thể và cho các thành viên của tập thể. Danh tiếng và chất lượng của sản phẩm xuất xứ từ vùng mang địa danh chắc chắn sẽ nhanh chóng được người tiêu dùng gần xa đón nhận.

Bình luận