Mang nợ vì vay tiền mua vật liệu giúp xã làm đường nông thôn mới

Bình luận · 221 Lượt xem

HẢI PHÒNG Nhiều hộ dân ở xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng vay hàng trăm triệu đồng mua cát, đá giúp xã làm đường nông thôn mới, đã 4 năm trôi qua nhưng chưa được thanh toán.

Con đường giao thông nội đồng do ông Nguyễn Trọng Phấn bỏ hàng trăm triệu đồng ra để mua cát, đá thi công từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được UBND xã Tây Hưng tất toán. Ảnh: Đinh Mười.

Con đường giao thông nội đồng do ông Nguyễn Trọng Phấn bỏ hàng trăm triệu đồng ra để mua cát, đá thi công từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa được UBND xã Tây Hưng tất toán. Ảnh: Đinh Mười.

4 năm chưa đòi được nợ

Phản ánh tới Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhiều người dân ở xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng cho hay, thực hiện chương trình nông thôn mới giai đoạn 1, họ được chính quyền địa phương vận động đứng ra mua đá và cát để làm đường giao thông nội đồng, sau khi hoàn thiện sẽ được thanh toán đầy đủ.

Tuy nhiên, sau khi làm xong các tuyến đường, dù đã nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng được 4 năm nay nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa thanh toán kinh phí, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, có người phải đi vay tiền để trả lãi cho các khoản vay làm đường nông thôn mới từ năm 2019 đến nay.

Anh Nguyễn Bá Thiện, trú tại thôn Tân Hưng, xã Tây Hưng cho biết, năm 2019, gia đình anh được UBND xã Tây Hưng vận động bỏ tiền mua cát, đá giúp địa phương làm tuyến đường giao thông nội đồng tại Lô 7, đoạn từ cầu Trạm Bơm đến cầu ông Soóc.

Ủng hộ chủ trương xây dựng nông thôn mới mà địa phương đang thực hiện, anh Thiện đã vay mượn và lấy số tiền tiết kiệm của gia đình để mua 323 khối cát và 618 khối đá để làm con đường dài 562m với tổng số tiền hơn 286 triệu đồng.

Anh Nguyễn Bá Thiện cho biết, hàng tháng gia đình đang phải lo trả lãi cho khoản vay để mua cát, đá làm đường nông thôn mới cho xã Tây Hưng từ năm 2019. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Bá Thiện cho biết, hàng tháng gia đình đang phải lo trả lãi cho khoản vay để mua cát, đá làm đường nông thôn mới cho xã Tây Hưng từ năm 2019. Ảnh: Đinh Mười.

Việc mua cát, đá đều có hồ sơ quyết toán và được lãnh đạo UBND xã Tây Hưng hứa là sẽ hoàn trả ngay sau khi tuyến đường hoàn thiện, bàn giao cho địa phương. Tuy vậy từ khi bàn giao cho địa phương đến nay đã 4 năm trôi qua nhưng gia đình anh Thiện vẫn chưa được thanh toán số tiền đã bỏ ra như thỏa thuận. Đáng nói, khi anh Thiện lên UBND xã để hỏi thì được trả lời là “chưa có tiền” và “không biết lấy đâu để trả”.

Cùng hoàn cảnh như anh Thiện, ông Nguyễn Trọng Phấn, trú tại thôn Xuân Hưng, xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng cũng vay mượn gần 400 triệu đồng để giúp xã mua cát, đá làm đường giao thông nội đồng nhưng từ năm 2019 đến nay vẫn chưa được thanh toán.

Ông Phấn cho biết, vào tháng 9/2019, UBND xã Tây Hưng, huyện Tiên Lãng có mời gia đình ông lên làm việc liên quan đến làm đường giao thông nội đồng.

Tại đây, ông Phấn gặp ông Phạm Hữu Vì, Chủ tịch UBND xã và ông Nguyễn Hữu Bột, Bí thư Đảng ủy xã cùng một số cán bộ có nói chuyện và đề nghị ông Phấn cùng chung tay với UBND xã để làm tuyến đường nội đồng tại lô 6 và lô 7, sau khi làm xong, được nghiệm thu thì xã sẽ thanh toán toàn bộ.

Ông Nguyễn Trọng Phấn lo lắng vì không biết có lấy lại được số tiền đã bỏ ra để mua cát, đá giúp xã làm đường giao thông nội đồng năm 2019 hay không. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Trọng Phấn lo lắng vì không biết có lấy lại được số tiền đã bỏ ra để mua cát, đá giúp xã làm đường giao thông nội đồng năm 2019 hay không. Ảnh: Đinh Mười.

Làm theo đề nghị của địa phương, gia đình ông Phấn đã vay mượn từ nhiều nguồn, trong đó có cả vay lãi với tổng số tiền gần 400 triệu đồng để cùng với UBND xã Tây Hưng triển khai làm 2 tuyến đường nói trên, đến tháng 12/2019 thì hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Đợi lâu không được thanh toán, các khoản vay để làm đường đã phải trả lãi, tháng 8/2020, ông Nguyễn Trọng Phấn lên UBND xã Tây Hưng để đòi tiền nhưng được trả lời là “chưa có”.

Lo lắng vì đường làm xong cũng đã lâu, không có tiền để trả nợ, ông Phấn đã tiếp tục kiến nghị UBND xã Tây Hưng nhiều lần và gửi cả UBND huyện Tiên Lãng nhưng không có tiến triển nên đã làm đơn gửi Chủ tịch UBND TP Hải Phòng để cầu cứu.

Theo tìm hiểu, không chỉ trường hợp ông Phấn, ông Thiện bị “nợ” mà những người tham gia trực tiếp thi công đến nay cũng khốn đốn, không có tiền trả cho người lao động vì chủ thầu cũng trốn tránh không trả vì họ cũng bị xã “nợ”.

Văn bản xác nhận khối lượng công việc mà ông Nguyễn Trọng Phấn đã thực hiện các tuyến đường nông thôn mới cho UBND xã Tây Hưng. Ảnh: Đinh Mười.

Văn bản xác nhận khối lượng công việc mà ông Nguyễn Trọng Phấn đã thực hiện các tuyến đường nông thôn mới cho UBND xã Tây Hưng. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Trọng Thắng ở thôn Xuân Hưng, xã Tây Hưng chia sẻ, gia đình anh sắm máy móc để phục vụ việc trộn bê tông, làm đường nông thôn mới. Năm 2019, anh Thắng được ông Phạm Minh Thuân, trưởng thôn Xuân Hưng, đoạn đường giao thông có 3 đoạn ở Lô 6, một đoạn ở thôn Ngọc Hưng.

Anh Thắng vừa làm trộn bê tông, vừa làm cả mặt bằng, từ khi các con đường hoàn thiện đến nay đã 4 năm trôi qua nhưng ông Thuân vẫn còn nợ 170 triệu đồng. Lí do ông Thuân đưa ra là làm đường nông thôn mới, chưa được xã thanh toán.

Theo anh Thắng, ông Thuân cũng là một trường hợp bỏ tiền giúp xã làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã Tây Hưng, đến nay chính quyền đã trả được một phần và đang còn nợ khoảng 400 triệu đồng.

Anh Nguyễn Trọng Thắng bị chủ thầu nhiều lần khất nợ với lí do xã chưa trả tiền. Ảnh: Đinh Mười.

Anh Nguyễn Trọng Thắng bị chủ thầu nhiều lần khất nợ với lí do xã chưa trả tiền. Ảnh: Đinh Mười.

Liệu chính quyền có quỵt của dân?

Vấn đề này, theo những văn bản mà UBND xã Tây Hưng cung cấp, sự việc diễn ra từ năm 2019, lúc đó ông Nguyễn Hữu Vì là Chủ tịch UBND xã, theo chủ trương, làm đường giao thông nội đồng thì người dân bỏ công sức, thành phố hỗ trợ xi măng, xã và huyện sẽ hỗ trợ cát và đá.

Ông Nguyễn Hữu Vì, nguyên Chủ tịch UBND xã Tây Hưng, cho biết, thời điểm năm 2019, do huyện còn thừa xi măng nên xã làm đầy đủ thủ tục để xin về làm đường giao thông. Phải được chấp thuận xã mới lấy xi măng về nhưng không hiểu sao khi nghiệm thu thì không được huyện thanh toán.

Theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã Tây Hưng đã thông qua về kế hoạch làm đường giao thông nội đồng áp dụng cơ chế đặc thù thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia năm 2019 có các tuyến đường thuộc trường hợp ông Nguyễn Trọng Phấn, ông Nguyễn Bá Thiện đã làm.

Sau khi các tuyến đường hoàn thành, tháng 8/2020, UBND xã Tây Hưng có làm tờ trình gửi UBND huyện Tiên Lãng để xin hỗ trợ tiền cát xây dựng giao thông nội đồng đợt cuối năm 2019 và quý I năm 2020.

Trong đó có đề nghị UBND huyện Tiên Lãng phân bổ hỗ trợ khối lượng cát đối với 4 tuyến đường nội đồng, trong đó có các tuyến đường của ông Nguyễn Trọng Phấn và ông Nguyễn Bá Thiện đã bỏ tiền ra mua cát, đá.

Tại văn bản trả lời tờ trình của UBND xã Tây Hưng, UBND huyện Tiên Lãng khẳng định, trong 4 tuyến đường giao thông nông thôn theo đề nghị tại Tờ trình số 50 ngày 17/8/2020 của UBND xã Tây Hưng, có 3 tuyến đường nội đồng đã vượt kế hoạch hỗ trợ kinh phí mua cát vàng theo Nghị quyết số 13 ngày 4/7/2019 của Hội đồng nhân dân huyện Tiên Lãng và 1 tuyến đường không thuộc diện hỗ trợ đường thôn xóm.

Hạ tầng đường giao thông nông thôn ở xã Tây Hưng đang thuộc nhóm kém nhất của huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Hạ tầng đường giao thông nông thôn ở xã Tây Hưng đang thuộc nhóm kém nhất của huyện Tiên Lãng. Ảnh: Đinh Mười.

Do vậy 4 tuyến đường giao thông nói trên chỉ được hỗ trợ xi măng từ ngân sách thành phố Hải Phòng, số còn lại do ngân sách xã và huy động nhân dân đóng góp, ngân sách huyện không hỗ trợ.

Sau đó, UBND huyện Tiên Lãng đã giao cho UBND xã Tây Hưng chủ động huy động nguồn lực để quyết toán công trình, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ quyết toán đối với 4 tuyến đường giao thông nói trên từ năm 2020 nhưng đến thời điểm tháng 9/2023, vẫn có hộ dân khẳng định là “vẫn chưa nhận được 1 đồng nào”.

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Phạm Văn Rần, Chủ tịch UBND xã Tây Hưng cho biết, nội dung đề nghị của ông Nguyễn Trọng Phấn và ông Nguyễn Bá Thiện là đúng, UBND xã đã làm biên bản xác định khối lượng công việc cùng số tiền nói trên. Chính quyền địa phương không trốn tránh, sẽ trả cho người dân nhưng phải chia ra, mỗi năm trả một ít do không có nguồn.

“Chúng tôi không chối bỏ trách nhiệm, việc người dân bỏ tiền ra mua cát, đá làm đường là đúng sự thật, UBND xã đã làm biên bản ghi nhận khối lượng công việc với trường hợp ông Phấn, ông Thiện. Xã sẽ có trách nhiệm trả cho người dân nhưng nếu tất cả đều đòi một lúc thì chúng tôi không có nguồn. Hàng năm xã có hơn 400 triệu tiền thu hoa lợi, hoa màu, với những nhà thầu có thầu đất do xã quản lý thì sẽ trừ dần còn với những nhà thầu khác thì xã sẽ trả dần”, ông Rần cho hay.

Tại văn bản trả lời tờ trình của UBND xã Tây Hưng, UBND huyện Tiên Lãng khẳng định, trong 4 tuyến đường giao thông nông thôn theo đề nghị tại Tờ trình số 50 ngày 17/8/2020 của UBND xã Tây Hưng, có 3 tuyến đường nội đồng đã vượt kế hoạch hỗ trợ kinh phí mua cát vàng theo Nghị quyết số 13 ngày 4/7/2019 của Hội đồng nhân dân huyện Tiên Lãng và 1 tuyến đường không thuộc diện hỗ trợ đường thôn xóm.

Bình luận