'Việt Nam dẫn đầu xuất khẩu gạo nhưng người trồng lúa vẫn nghèo'

Bình luận · 672 Lượt xem

Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, thu nhập người trồng lúa đang rất thấp dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, chiều 15/8, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn tỉnh Hải Dương đặt vấn đề Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân trồng lúa gạo vẫn rất nghèo.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng đoàn tỉnh Hải Dương. 

Bà Lê Thị Song An (Phó đoàn chuyên trách tỉnh Long An) lo ngại, lệnh cấm xuất khẩu gạo của một số nước đẩy giá gạo, lúa tăng cao. Tình trạng mua gom gạo ồ ạt xuất hiện ở một số địa phương. "Giải pháp nào để đảm bảo an ninh lương thực, sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững?", bà chất vấn.

Trả lời, Bộ trưởng Lê Minh Hoan thừa nhận, nông nghiệp là ngành thu nhập thấp nhất trong các ngành kinh tế, và người trồng lúa có thu nhập kém nhất trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhưng ông cho rằng "có thể làm khác đi" để tăng thu nhập cho họ.

Cụ thể, theo ông, giá gạo Việt tăng từng ngày, là thời cơ để bà con trồng lúa cải thiện thu nhập. Hiện nay, khi Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, các nước tăng nhập gạo của Việt Nam. Nhiều thị trường như Trung Quốc, Philippines, Indonesia đang tranh mua gạo Việt với số lượng tăng 40% đến vài chục lần.

Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn, chiều 15/8. 

"Nhưng cải thiện thu nhập nông dân trồng lúa không chỉ là vấn đề giá, mà cần giảm chi phí sản xuất", ông nói thêm.

Vừa qua, nhờ ứng dụng quy trình canh tác khoa học, chi phí sản xuất đã giảm 20-25%, tương ứng mức thu nhập tăng thêm cho người trồng lúa. Ông kể vừa cùng Thủ tướng thăm một hợp tác xã 400 ha với 85 hộ là thành viên, nhưng chỉ có 40 nông dân ở ngoài đồng, họ dùng và điều khiển máy móc. "Giờ làm gì cũng có máy móc nên nếu tận dụng quỹ thời gian này để chuyển đổi nghề nghiệp, sẽ tăng thêm thu nhập cho người nông dân", ông nói.

Bên cạnh đó, trưởng ngành nông nghiệp khuyến nghị người trồng lúa, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long, vào hợp tác xã để mua chung, bán chung, tạo thu nhập ở nhiều phân khúc.

Việc Ấn Độ và một số nước cấm xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho là "cơ hội nhưng cũng cần bình tĩnh".

Ông dẫn công điện của Thủ tướng cho biết, trong bối cảnh hiện nay phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và đẩy mạnh xuất khẩu gạo. Với thị trường trong nước, điều hành cần tránh những cú sốc giá trên thị trường nội địa. Bởi việc đẩy giá tiêu dùng trong nước sẽ ảnh hưởng tới một số nhóm đối tượng, nhất là người yếu thế, thu nhập thấp.

Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu 7,1 triệu tấn gạo và năm nay dư địa cho xuất khẩu vẫn còn. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến cuối tháng 7, Việt Nam xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, thu về gần 2,6 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu truyền thống chủ yếu ở châu Á là 3,3 triệu tấn (chiếm hơn 77%), tăng gần 36% so cùng kỳ năm ngoái. Một số thị trường tăng trưởng vượt bậc như EU chiếm 2% tổng sản lượng nhưng đạt hơn 84.000 tấn, tăng 28% so cùng kỳ năm trước.

Về kế hoạch an ninh lương thực, ông Hoan thông tin, Từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và yêu cầu xuất khẩu (khoảng 7-8 triệu tấn).

Tuy vậy, trưởng ngành nông nghiệp lưu ý, giá lúa, gạo được quyết định bởi cung - cầu. Cầu tăng nhưng cung ít thì giá sẽ bị đẩy lên, đó là quy luật thị trường. Ngoài bài toán cung cầu, thực tế có hiện tượng đẩy giá, gây ảnh hưởng lớn tới thị trường.

"Lúc này, bà con nông dân, doanh nghiệp phải tôn trọng nhau, chia sẻ thời cơ và phải hướng tới hợp tác lâu dài", ông đề nghị.

Ngoài ra, nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến", là biến đổi khí hậu, thị trường và xu hướng tiêu dùng. Theo ông, trong điều kiện, chính sách các nước thay đổi liên tục, dự báo "cũng khó cầu toàn trước xu hướng biến động".

Chuyện nông sản "được mùa rớt giá", chưa được giải quyết căn cơ cũng được nhiều đại biểu đề cập. Ông Nguyễn Thanh Phong (Vĩnh Long) dẫn chứng thực tế, người dân ùn ùn phá bỏ cây trồng khác để trồng sầu riêng do giá mặt hàng này đang cao và đề nghị Bộ trưởng cho biết về giải pháp "cứu" nông sản.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhắc lại quan điểm không nên đi giải cứu, dùng từ giải cứu nông sản. "Nông sản sẽ càng rớt giá nếu được coi là hàng giải cứu. Chúng ta cần phải thay đổi tư duy này", ông nói.

Nhắc tới câu chuyện khoai lang Bình Tân (Vĩnh Long) hay sầu riêng, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cho rằng, cần cấu trúc lại ngành hàng, phát triển hình thức hợp tác xã và kết nối người trồng, doanh nghiệp thu mua, tiêu thụ mới phát triển bền vững.

Muốn làm được như vậy, theo ông, cần sự vào cuộc của cả hệ thống, từ các cấp ngành, tới hiệp hội ngành hàng để tạo gắn kết chặt chẽ.

 

 

 

 

 

 

Bình luận