Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc ngày càng toàn diện, thực chất

Bình luận · 242 Lượt xem

Thời gian qua, hợp tác trong nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng hợp tác toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn, trong rất nhiều lĩnh vực.

 

Việt Nam - Trung Quốc: Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững, hạn chế tối đa trung gian

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 28/6/2023.

 

Báo Nông nghiệp Việt Nam phỏng vấn ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) để làm rõ hơn về hợp tác nông nghiệp giữa Việt Nam và Trung Quốc trong giai đoạn hiện nay.

 

Thương mại nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc thời gian qua đã có những tăng trưởng vượt trội, vậy ông đánh giá thế nào về tiềm năng phát triển thương mại nông sản giữa 2 nước trong thời gian tới?

 

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng hữu nghị, nhân dân 2 nước có mối quan hệ truyền thống lâu đời. Năm 2008, hai nước đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện nhằm mở rộng, bồi đắp và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Việt - Trung, đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.

 

Nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau đã góp phần nâng hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên tầm cao mới. Đặc biệt, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, hai Chính phủ.

 

Hiện nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường cung cấp hàng hóa lớn nhất, đặc biệt, trong 8 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

 

Theo đánh giá của cơ quan thống kê Trung Quốc, năm 2021, nền kinh tế nước này tiếp tục phục hồi ổn định, bảo đảm cả phát triển kinh tế và phòng, chống Covid-19, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt mục tiêu đề ra.

 

Năm 2022, trong bối cảnh môi trường quốc tế phức tạp và nhiều bất ổn, kinh tế Trung Quốc sẽ đứng trước sức ép từ nhu cầu giảm, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu... Trung Quốc cần chuyển đổi mạnh sang tăng trưởng về chất lượng, xử lý tốt bài toán phòng chống dịch bệnh đi cùng với phát triển kinh tế - xã hội.

 

Vậy nhu cầu của thị trường này đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

 

Với quy mô nền kinh tế và quy mô dân số lớn (hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới), nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa, chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng. Nhập khẩu nông sản của Trung Quốc đạt 200 tỷ USD năm 2020, với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu bình quân gần 9,3%/năm.

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã cấp phép xuất khẩu cho 12 mặt hàng rau quả, sữa, 805 cơ sở chế biến thủy sản, 40 cơ sở bao gói cua, tôm hùm sống và 5 cơ sở bao gói tôm sú, tôm thẻ chân trắng; 128 loài/loại sản phẩm và 48 loài thủy sản, hiện phía Trung Quốc đã đồng ý xuất khẩu thí điểm mặt hàng chanh leo, ớt.

 

Vừa qua, phía Trung Quốc vừa phối hợp với Bộ NN-PTNT để khảo sát, đánh giá trực tuyến về khả năng xuất khẩu dừa của Việt Nam sang Trung Quốc.

 

Ngoài ra, hai bên đang phối hợp chặt chẽ đề hoàn tất “Bảng điều tra đánh giá hệ thống quản lý an toàn đối với sầu riêng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc”, phối hợp hoàn thiện để sớm ký kết 2 Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với ớt và dược liệu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc.

 

Trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản (NLTS) của Việt Nam sang thị trường này tăng nhanh và ổn định. Trong giai đoạn 2016-2021, thương mại NLTS (xuất khẩu và nhập khẩu) giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng trưởng bình quân 8,02%/năm, từ 8,57 tỷ USD năm 2016 lên 12,06 tỷ USD năm 2021, giá trị xuất khẩu NLTS sang thị trường này chiếm 20,76% tổng giá trị xuất khẩu NLTS (Tổng cục Hải quan, 2021).

 

Việt Nam luôn là nước xuất siêu NLTS sang Trung Quốc. Năm 2021, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 9,42 tỷ USD NLTS trong khi đó kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này chỉ 3,18 tỷ USD. Hầu hết các nhóm mặt hàng NLTS chính của Việt Nam đều đã có mặt tại Trung Quốc và có tốc độ tăng trưởng về kim ngạch ổn định.

 

Các mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc bao gồm: cao su (giá trị 2,29 tỷ USD); rau quả (giá trị đạt 1,90 tỷ USD); gỗ và sản phẩm từ gỗ (giá trị đạt 1,50 tỷ USD); sắn và sản phẩm từ sắn (giá trị đạt 1,1 tỷ USD); hàng thủy sản (giá trị đạt 976,4 triệu USD)...

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc đạt hơn 9,3 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Trong đó, xuất khẩu nông lâm thủy sản sang thị trường Trung Quốc ước đạt 7,28 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2022, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 2,04 tỷ USD giảm 19,3% so với cùng kỳ năm 2022. Thặng dư thương mại nông lâm thủy sản đạt hơn 5,2 tỷ USD, tăng 33,3% so với cùng kỳ năm 2022.

 

Việt Nam và Trung Quốc có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa, khí hậu ở các tỉnh miền Nam tương đối giống với Việt Nam, trên thực tế, văn hóa tiêu dùng các sản phẩm NLTS của người dân Trung Quốc khá giống Việt Nam đặc biệt là các loại thực phẩm gạo, thủy sản, rau, trái cây…

 

Một điểm đáng lưu ý là với lợi thế 2 nước láng giềng gần gũi, thị trường Trung Quốc đặc biệt cho các mặt hàng tươi sống của Việt Nam như rau quả, thủy sản, và đây vẫn là thị trường mục tiêu quan trọng cho Việt Nam.

 

Chính vì vậy, tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm NLTS của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc là rất lớn và liên tục tăng trưởng mạnh trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng chỉ bị chậm lại trong giai đoạn 2020-2021 do tác động của đại dịch Covid-19, cộng với chính sách “Zero Covid” của Trung Quốc khiến cho quá trình thông quan tại các cửa khẩu đường bộ gặp những khó khăn nhất định.

 

Còn riêng hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và các đối tác Trung Quốc thì sao, thưa ông?

 

Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ NN-PTNT đã ký và thực hiện 20 Thỏa thuận/Bản ghi nhớ/Nghị định thư các loại trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

 

Đây là căn cứ pháp lý vững chắc để hai bên từng bước chính ngạch hóa hoạt động xuất/nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản, từ đó, tạo tiền đề cho phát triển thương mại nông lâm thủy sản giữa hai nước.

 

Từ đầu đầu năm 2020 đến đầu năm 2023, mặc dù diễn biến của dịch Covid-19 rất phức tạp, tuy nhiên, Bộ NN-PTNT vẫn duy trì tốt và thúc đẩy các mối quan hệ với các đối tác Trung Quốc (Bộ Nông nghiệp Nông thôn, Tổng cục Hải quan, Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam…).

 

Từ 29/5-2/6/2023, Đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã thăm và làm việc với hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam của Trung Quốc để tăng cường hợp tác giữa Bộ với hai tỉnh này.

 

Hiện tại, Bộ NN-PTNT đã hoàn thiện Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ NN-PTNT với Chính quyền nhân dân Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ với tỉnh Vân Nam dự kiến sẽ hoàn thiện và ký trong năm 2023.

 

Bên cạnh trao đổi thương mại, có nhiều lĩnh vực khác trong nông nghiệp đang được cả Việt Nam và Trung Quốc cùng quan tâm, vậy theo ông, trong thời gian sắp tới, hai nước sẽ có thêm những bước tiến gì trong hợp tác này?

 

Có thể nói, Bộ NN-PTNT luôn chủ động trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện, thực chất và hiệu quả với các đối tác Bộ/ngành và địa phương của Trung Quốc về các lĩnh vực Trồng trọt, Chăn nuôi, Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao, Thú y, Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi, Phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu...

 

Tháng 5/2015, hai Bộ Nông nghiệp của hai nước đã đã thiết lập cơ chế họp thường niên Ủy ban liên hợp Hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Trung Quốc, ủy ban này sẽ họp luôn phiên, định kỳ hằng năm.

 

Hiện nay các viện nghiên cứu, các trường đại học/cao đẳng thuộc Bộ NN-PTNT có rất nhiều chương trình hợp tác với các viện/trường của phía Trung Quốc, các hợp tác này rất thiết thực và giải quyết được nhiều vấn đề trong thực tiễn của khoa học, công nghệ, đặc biệt trong hợp tác chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi.

 

Là thị trường hàng đầu với nông sản Việt Nam nhưng Trung Quốc cũng từng bước nâng cao các yêu cầu về chất lượng hàng hóa, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì để khai thác hiệu quả hơn thị trường này?

 

Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có đường biên giới đất liền với Trung Quốc, tạo điều kiện cho nông sản Việt Nam dễ dàng xuất khẩu sang thị trường này với chi phí rẻ, thời gian nhanh chóng, thuận lợi.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường rộng lớn, với kênh xuất khẩu qua các cửa khẩu đường bộ nông sản Việt Nam chỉ được phân phối ở một số tỉnh phía Nam, còn thị trường các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc thì kênh này chưa thể tiếp cận tới. Chi phí vận chuyển từ các tỉnh phía Nam Trung Quốc lên các tỉnh phía Bắc là quá cao. Vì vậy, nông sản muốn tiếp cận các tỉnh phía Bắc phải qua đường hàng không, đường biển.

 

Hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính, ngay cả với thương mại biên mậu. Trung Quốc đã thay đổi nhiều quy điểm về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm với hàng nhập khẩu.

 

Quốc gia này ngày càng kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là giao thương tiểu ngạch; cùng với đó là yêu cầu đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm. Ngoài ra, Trung Quốc quản lý sản phẩm nhập khẩu theo hình thức nghị định thư, yêu cầu khai báo mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

 

Hiện nay, người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt là tại các thành phố lớn có thu nhập cao và có xu hướng ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Người tiêu dùng Trung Quốc sẵn sàng trả giá cao để được tiêu dùng các sản phẩm an toàn, có lợi cho sức khỏe, dinh dưỡng cao. Ngoài ra, người dân Trung Quốc cũng bắt đầu quan tâm hơn tới các sản phẩm nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ.

 

Trong năm 2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc ban hành Lệnh số 248 “Quy định về đăng ký và quản lý doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nhập khẩu nước ngoài” và Lệnh số 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

 

Các quy định này nhằm đánh giá hợp quy đối với thực phẩm nhập khẩu. Bao gồm: đánh giá hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của quốc gia xuất khẩu, đăng ký đối với doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, hồ sơ sản phẩm xuất nhập khẩu, kiểm dịch động thực vật nhập cảnh…

 

Thứ nhất, tập trung duy trì ổn định thị phần hiện tại của các sản phẩm nông sản (trái cây, tinh bột sắn, thủy sản) xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc. Nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm xuất khẩu thông qua kênh xuất khẩu chính ngạch, tăng cường xuất khẩu các mặt hàng NLTS chế biến có giá trị gia tăng cao sang các thành phố lớn lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải...

 

Thứ hai, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động xuất khẩu: theo hướng nhà nước và doanh nghiệp cùng đầu tư tăng năng lực cung cấp dịch vụ logistic, kho ngoại quan, kho bảo thuế, kho CFS, hình thành các Trung tâm cung ứng nông sản tại khu vực cửa khẩu.

 

Ngoài ra, chú trọng xây dựng một số chuỗi cung ứng logistic nông sản giữa Việt Nam và Trung Quốc do các doanh nghiệp lớn của Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia xuất theo đường chính ngạch, để tạo tính lan tỏa để thúc đấy phát triển hạ tầng logistic đồng bộ, giảm dần xuất khẩu tiểu ngạch.

 

Tăng cường đàm phán xuất khẩu chính ngạch, đảm bảo NLTS xuất khẩu được chuẩn hóa, đồng bộ về chất lượng, bao bì, nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, có logo, nhãn hiệu, thương hiệu quốc gia.

 

Song song đó, chú trọng hoàn thiện các khâu thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, kết hợp hỗ trợ tập huấn, nâng cao kiến thức cho các doanh nghiệp để kịp thời ứng phó với các thay đổi về chính sách thương mại của Trung Quốc tương tự như Covid-19.

 

Mở rộng tiếp cận các kênh phân phối tại các thành phố lớn, các địa phương trọng điểm của Trung Quốc thông qua liên kết với các hiệp hội, doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ của Trung Quốc.

 

Cuối cùng là tăng cường sự kết nối giữa doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc thông qua thành lập Hiệp hội đoanh nghiệp xuất khẩu NLTS của Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp sẽ kết nối xuất nhập khẩu nông sản giữa Việt Nam và Quảng Tây và Vân Nam.

 

Xin cảm ơn ông!

Bình luận