Việt Nam vẫn đảm bảo an ninh lương thực khi nhu cầu xuất khẩu gạo tăng

Bình luận · 261 Lượt xem

ĐBSCL Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, sản xuất lúa trong nước hiện đảm bảo tốt vấn đề an ninh lương thực và phục vụ nhu cầu xuất khẩu gạo trong năm 2023.

Giá gạo trong nước tăng từng ngày

Tận dụng cơ hội thị trường, tìm giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo trong dài hạn, sáng 4/8, Bộ Công Thương, Bộ NN-PTNT và UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo.

Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7/2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ.

Số liệu báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, dự kiến trong năm 2023 cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, với sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn, tương đương trên 20 triệu tấn gạo, đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Số liệu báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, dự kiến trong năm 2023 cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, với sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn, tương đương trên 20 triệu tấn gạo, đảm bảo nhu cầu an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh.

Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

Nhận định diễn biến giá gạo xuất khẩu sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, giá gạo Việt xuất khẩu đã tăng lên mức 590 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và tiến gần với giá gạo của Thái Lan (625 USD/tấn).

Thị trường nội địa, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng thống kê, giá lúa tăng từ 368 – 441 đồng/kg (tính đến ngày 27/7/2023), giá gạo các loại trong nước cũng tăng 850 – 940 đồng/kg.

Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra ngày 4/8 tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo diễn ra ngày 4/8 tại TP Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh.

Bên cạnh đó, ngay khi có thông tin lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá gạo trong nước cũng tăng nhanh từng ngày. Theo tính toán của Bộ Công Thương, trung bình mỗi ngày giá lúa gạo tăng từ 50 – 100 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương cũng ghi nhận tăng 400 – 500 đồng/kg.

Cụ thể, giá gạo trong nước ghi nhận vào ngày 27/7, tức một tuần sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã tăng khoảng 5 - 6%. Điển hình: Gạo IR50404 đạt 10.750 đồng/kg (tăng 500 đồng/kg), gạo OM5451 ở mức 11.000 đồng/kg (tăng 550 đồng/kg), giá gạo Đài Thơm 8 đạt 11.300 đồng/kg (tăng 650 đồng/kg).

Đại diện tỉnh Đồng Tháp, bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương bày tỏ, với đà tăng của giá gạo tại thị trường nội địa khi đến tay người tiêu dùng, Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan cần có giải pháp bình ổn giá, hỗ trợ người dân.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam so sánh giá gạo nội địa hiện cao hơn giá xuất khẩu. Do đó ông Nam đề nghị các doanh nghiệp cần cân nhắc có đơn hàng trước khi ký kết hợp đồng thu mua với nông dân, không mua ồ ạt để tránh giá lúa hàng hóa leo thang. Đảm bảo hài hòa lợi ích của nông dân trồng lúa và doanh nghiệp.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn INTIMEX cũng dự báo, thời gian tới giá gạo trong nước sẽ còn tiếp tục tăng khi lượng tồn kho giảm. Do đó doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước, cần nguồn vốn lớn để thu mua lúa gạo.

Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân

Dựa trên đánh giá về tình hình sản xuất, cân đối trong nước, Bộ Công Thương dẫn số liệu báo cáo của Bộ NN-PTNT, dự kiến trong năm 2023 cả nước gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, với sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn, tương đương trên 20 triệu tấn gạo.

Với sản lượng dự kiến này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, sau khi đã giành nguồn tiêu dùng nội địa, Việt Nam có thể xuất khẩu được trên 7,5 triệu tấn gạo, cao hơn 400 nghìn tấn so với năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tập trung củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, tránh tình trạng tranh mua, bán, ép giá. Ảnh: Kim Anh.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị tập trung củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, tránh tình trạng tranh mua, bán, ép giá. Ảnh: Kim Anh.

Hiện giá xuất khẩu một số chủng loại gạo của Việt Nam đã thiết lập mốc cao kỷ lục trong 11 năm qua. Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa cho nông dân với mức giá có lợi nhất, ông Diên đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương, các Bộ ngành và địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất gạo tập trung củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp và bà con nông dân, tránh tình trạng tranh mua, bán, ép giá. Đồng thời, kịp thời cập nhật thông tin về tình hình cung cầu lúa gạo, thị trường và các quy định về chính sách cho doanh nghiệp.

7 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 4,83 – 4,84 triệu tấn. Như vậy, lượng gạo hàng hóa sản xuất phục vụ nhu cầu xuất khẩu 5 tháng cuối năm khoảng 2,66 – 2,67 triệu tấn, chưa kể lượng lúa, gạo nhập khẩu hàng năm từ Campuchia về phục vụ chế biến.

Dựa trên những tính toán đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khẳng định, Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực từ nay đến cuối năm. Bộ NN-PTNT đã có sự tính toán rất kỹ, từ nay đến cuối năm cả nước còn 11,8 triệu tấn lúa, trong đó ĐBSCL có 9,2 triệu tấn lúa. Ngay thời điểm giá lúa tăng cao đầu quý II/2023, các cơ quan liên quan trực thuộc Bộ NN-PTNT đã tìm giải pháp điều chỉnh mùa vụ ở vùng sản xuất, để giảm tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo sản lượng.

Vừa qua, Bộ NN-PTNT đã cử nhiều đoàn đến các địa phương để đánh giá kỹ việc sản xuất, cơ cấu lại cách phối hợp giữa doanh nghiệp và các HTX trong xây dựng vùng nguyên liệu. Đồng thời, dự kiến tăng diện tích gieo trồng vụ thu đông 2023 lên 50.000 ha so với năm trước.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn các doanh nghiệp phối hợp cùng với Bộ NN-PTNT tiến hành ký kết hợp đồng liên kết theo lịch thời vụ ở các vùng sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam mong muốn các doanh nghiệp phối hợp cùng với Bộ NN-PTNT tiến hành ký kết hợp đồng liên kết theo lịch thời vụ ở các vùng sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Qua khảo sát, hiện nay ở vùng ĐBSCL có 3 hình thức liên kết tiêu thụ: Nông dân bán lúa gạo trực tiếp cho doanh nghiệp chỉ chiếm 12,1% tổng sản lượng; nông dân thông qua thương lái bán cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chiếm tới 50%; 37,9% còn lại là nông dân bán lúa qua HTX có ký kết với doanh nghiệp. Hơn nữa, trong 180 doanh nghiệp có đủ điều kiện xuất khẩu lúa gạo ở ĐBSCL, chỉ có 50 doanh nghiệp thực hiện ký liên kết với HTX và xây dựng vùng nguyên liệu.

Do đó, Thứ trưởng Nam mong muốn các doanh nghiệp phối hợp cùng với Bộ NN-PTNT tiến hành ký kết hợp đồng liên kết theo lịch thời vụ ở các vùng sản xuất.

Bình luận