Sáng 11.9, tại TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Cục Bảo vệ Thực vật, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường tổ chức Diễn đàn “Nhận diện thực trạng liên kết tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng 2023 và giải pháp phát triển hiệu quả, bền vững ngành hàng sầu riêng Việt Nam”.
Tại diễn đàn, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết, giá trị xuất khẩu sầu riêng Việt Nam liên tục tăng từ 29,2 triệu USD năm 2016 lên 420 triệu năm 2022 và 8 tháng năm 2023 đạt gần 1,2 tỉ USD (tăng gấp 3 lần so với cả năm 2022).
Tính đến tháng 8.2023, cả nước có 422 mã số vùng trồng sầu riêng và 153 mã số cơ sở đóng gói đáp ứng đầy đủ yêu cầu để xuất khẩu.
Theo ông Côn: Sản lượng sầu riêng Đắk Lắk tăng rất nhanh trong giai đoạn 2016 - 2023, từ trên 30.000 tấn lên ước đạt 190.000 tấn, với tốc độ tăng trưởng xấp xỉ 30%/năm.
Trong đó, sản lượng trên diện tích được cấp mã vùng trồng khoảng 47.300 tấn, chiếm 25%. Đắk Lắk hiện có sản lượng sầu riêng đứng thứ 2 cả nước sau Tiền Giang.
Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ban Mê Green Farm: Một trong những khó khăn lớn là của ngành hàng sầu riêng là liên kết sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm còn thiếu bền vững.
Ngành hàng sầu riêng chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các hợp tác xã với nông dân và doanh nghiệp. Các liên kết giữa doanh nghiệp và nông hộ sẵn sàng bị bẻ gãy khi giá lên cao, gây mất ổn định ngành hàng và chất lượng sản phẩm tiêu thụ, xuất khẩu. Trong khi đó, các hợp tác xã chưa thực sự phát huy được vai trò, giá trị của mình tại vùng liên kết.