Ảnh minh họa. |
Sự thành công của các hợp tác xã nông nghiệp có phần đóng góp không nhỏ của nguồn nhân lực chất lượng cao trong vai trò chủ chốt tại các hợp tác xã. Họ không chỉ là người vạch ra hướng đi cho hợp tác xã mà còn trang bị kiến thức cho xã viên thông qua sự hiểu biết của mình được tích lũy qua các khóa đào tạo chuyên sâu và các dự án phát triển nguồn nhân lực vùng.
“Chìa khóa” mở hướng phát triển
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, để KTTT phát triển, ngoài hỗ trợ về vốn, khoa học kỹ thuật (KHKT) còn cần sự đầu tư về con người, trong đó có đội ngũ quản lý. Do phần lớn hiện nay cán bộ quản lý trong bộ máy hợp tác xã nông nghiệp là những người lớn tuổi, sự năng động và sáng tạo đã giảm. Thực tế sản xuất cho thấy, nếu không có đội ngũ quản lý trẻ, chất lượng cao, thì sự đầu tư KHKT sẽ không thể phát huy tác dụng.
Ghi nhận tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, tỷ lệ lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ sơ cấp nghề trở lên chỉ chiếm 7,4%, nhưng lại là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế hợp tác xã.
hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang được biết đến là một trong những địa chỉ thành công trong tổ chức liên kết sản xuất, ứng dụng KHKT phát triển sản phẩm OCOP. Từ khi thành lập, bên cạnh việc liên kết với nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sản xuất theo công nghệ tiên tiến, hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP còn tập trung giải quyết các vấn đề thị trường.
Hợp tác xã hiện tiêu thụ trái cây cho gần 100 thành viên và nhiều nông dân trong tỉnh thông qua việc ký kết hợp đồng với các đối tác trong và ngoài nước. Nhờ sự nhanh nhạy của đội ngũ quản lý trong ứng dụng công nghệ thông tin, các sản phẩm chủ lực của HTX đã xuất hiện trên hầu hết các hệ thống siêu thị Co.opMart, Winmart, các nhà hàng, chợ đầu mối...
Đồng thời, vươn tới thị trường các nước Trung Đông, khu vực Bắc Mỹ và châu Âu (Anh, Hà Lan, Đức…). Chỉ tính riêng trong năm 2021 tổng sản lượng nông sản các loại của hợp tác xã được tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước đã lên đến hơn 2.500 tấn, đạt doanh thu hơn 71 tỷ đồng.
Không chỉ hợp tác xã Trái cây sinh học OCOP tỉnh Hậu Giang thành công nhờ có đội ngũ quản lý giỏi, nhanh nhạy với khoa học-công nghệ, hợp tác xã bò sữa Evergrowth, ấp Chắc Tưng, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cũng là một điểm sáng trong sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh.
Được thành lập từ năm 2003, với số lượng thành viên ban đầu chỉ có 171 hộ xã viên, đến nay hợp tác xã đã phát triển trở thành hợp tác xã bò sữa số 1 Việt Nam; giải quyết việc làm cho hơn 2.000 hộ xã viên tương đương hơn 10.000 nhân khẩu chủ yếu là người dân tộc Khmer.
Nhờ sự năng động của đội ngũ quản lý hợp tác xã, hàng nghìn hộ nông dân nuôi bò sữa đã được hướng dẫn kỹ thuật, cung ứng thức ăn chăn nuôi với chất lượng cao và tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân theo ba nguyên tắc kinh tế: Phục vụ với giá thấp nhất có thể được; phân chia thặng dư theo tỷ lệ sử dụng dịch vụ của HTX và tự chủ về tài chính.
Ngoài ra, thành viên chăn nuôi bò sữa đã được hợp tác xã hỗ trợ hàng loạt dịch vụ, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi bò từng giai đoạn cụ thể và cung cấp thức ăn tinh, thuốc thú y; cung cấp máy móc phục vụ các công đoạn chăn nuôi… tương đương tiêu chuẩn quốc tế.
Nỗ lực tạo nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cả nước tuy đông nhưng chưa mạnh, vẫn còn yếu và thiếu, nhất là thiếu chuyên gia, thiếu người dẫn dắt, người có thể làm chủ công nghệ, kỹ thuật cao, ngoài ra tỷ lệ lao động nông thôn chưa qua đào tạo vẫn lớn. Vì vậy cần một chiến lược đào tạo bài bản, phù hợp nhu cầu thị trường lao động.
Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, GS, TS Nguyễn Thị Lan.
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho nông nghiệp được cho là sẽ tăng cao không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả dài hạn. Do đó, ở góc độ địa phương, UBND tỉnh Hậu Giang đã có những giải pháp cụ thể để thu hút nguồn nhân lực cao cho các hợp tác xã. Hiện tại, tỉnh đã hỗ trợ 33 lao động trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại 21 hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. Bước đầu các lao động trẻ đã phát huy được tính năng động và kiến thức chuyên môn về quản lý, quản trị hợp tác xã, từ đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý, điều hành hợp tác xã, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã; công tác lập hồ sơ, sổ sách kịp thời và hiệu quả.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng cho biết, thời gian tới để hỗ trợ hợp tác xã, tỉnh đã chủ trương phối hợp các viện, trường đẩy mạnh công tác nâng cao năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã nông nghiệp cho các chức danh: Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã. Hỗ trợ đào tạo lãnh đạo hợp tác xã tiếp cận tri thức mới về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn; tiếp cận kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường, kỹ năng truyền thông, kỹ năng bán hàng, kỹ năng tiếp cận công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Để hỗ trợ các địa phương trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: Tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân về công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp; sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; triển khai thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và phối hợp thực hiện các chương trình dự án có liên quan của Bộ; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao và xây dựng Đề án thu hút nhân lực chất lượng cao làm việc trong lĩnh vực NN và PTNT.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Bộ cũng sẽ định hướng học nghề nông nghiệp và bổ trợ kiến thức nông nghiệp, trong đó triển khai học kỳ nông nghiệp cho các trường thuộc Bộ để trang bị kiến thức cơ bản về nông nghiệp, đồng thời nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ theo mô hình Nhật Bản dành cho học sinh hết phổ thông cơ sở, bảo đảm học sinh tốt nghiệp có kiến thức về văn hóa, kỹ năng nghề, ngoại ngữ và tác phong công nghiệp, có đủ năng lực làm việc ở các doanh nghiệp nông nghiệp trong nước, đi làm việc ở nước ngoài hoặc tiếp tục học lên bậc học cao hơn.
Như vậy, với sự vào cuộc quyết liệt của Bộ chủ quản, cùng với những vận dụng sáng tạo của địa phương, bài toán nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung sẽ sớm có lời giải, góp phần tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của KTTT, hợp tác xã là động lực quan trọng trong xây dựng nông thôn mới.