Sản phẩm nhãn thu hoạch từ các vườn ứng dụng công nghệ của huyện Sông Mã. |
Trong hơn hai năm qua, thực hiện đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2020-2025, định hướng năm 2030, huyện Sông Mã đã tập trung triển khai ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đồng hành với các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân trong xây dựng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP.
Ngay từ năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư 900 triệu đồng hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP (lần đầu); 350 triệu đồng hỗ trợ chứng nhận sản phẩm OCOP; 950 triệu đồng hỗ trợ bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ nông sản; 138 triệu đồng hỗ trợ thành lập hợp tác xã...
Cùng với đó, các cơ quan chuyên môn và các xã, thị trấn trên địa bàn đã tích cực tuyên truyền, hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả. Ðồng thời, lựa chọn, khảo nghiệm và hướng dẫn người dân đưa vào trồng, lai ghép một số giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: nhãn ghép, xoài lai, bưởi Diễn, bưởi da xanh, cam Vinh... từng bước thay thế, cải tạo diện tích cây đã bị già cỗi, thoái hóa.
“Hợp tác xã có 13 thành viên, quy mô sản xuất 50 ha cây ăn quả, trong đó có 36 ha nhãn với 10 ha nhãn chín sớm, rải vụ. Trong thời gian qua, chúng tôi đã ứng dụng công nghệ cao để hỗ trợ, giúp nhãn chín sớm, rải vụ mang lại hiệu quả cao hơn. Ngoài việc tiêu thụ xuất bán quả tươi tại thị trường trong nước, cung cấp cho các siêu thị BigC Thăng Long, WinMart Hà Nội... sản phẩm còn xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, nhất là vào vụ nhãn, hợp tác xã còn thu mua khoảng 50 tấn quả/ngày để chế biến sản phẩm long nhãn”.
Ông Lê Danh Phúc, Phó Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bảo Minh, xã Chiềng Khoong
Với mục tiêu hướng đến xuất khẩu, thời gian qua, huyện Sông Mã đã phối hợp với Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục Bảo vệ thực vật) đánh giá và cấp 46 mã số vùng trồng với diện tích hơn 452 ha nhãn, trong đó có 12 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ; 13 mã vùng trồng nhãn xuất khẩu sang thị trường Australia, New Zealand.
Ðến năm 2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Nhãn Sơn La” cho 25 hợp tác xã trên địa bàn. Hiện Sông Mã đã có 78 hộ ở 12 bản của xã Chiềng Khương phát triển công nghệ phun sương tưới cho hơn 68 ha cây nhãn.
Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang tạo bước đột phá về hiệu quả sản xuất và giá trị thu nhập tăng trên đơn vị diện tích đất canh tác cũng như hình thành vùng chuyên canh cây ăn quả, tạo vùng nguyên liệu tập trung, bảo đảm sự liên kết chặt chẽ giữa các khâu sản xuất-chế biến-tiêu thụ.
Nguyễn Tiến Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sông Mã
Trong lộ trình phát triển vùng cây ăn quả chất lượng cao, huyện Sông Mã phấn đấu đến năm 2025 sẽ có hơn 11.000 ha cây ăn quả, sản lượng 80.000 tấn. Trong đó, 1.000 ha cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao; 1.000 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng hữu cơ và 1.000 ha cây ăn quả được chứng nhận VietGAP; từ 300 ha đến 500 ha nhãn sản xuất trái vụ; 20 hợp tác xã đến 25 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến long nhãn, xoài sấy dẻo; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 35%...
Trao đổi với phóng viên, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Sông Mã, Thào A Sử cho biết, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra lộ trình, giải pháp thực hiện cụ thể, trong đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về thành tựu ứng dụng và phát triển công nghệ cao. Ðồng thời huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho hoạt động ứng dụng công nghệ cao; xây dựng các mô hình áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến (VietGAP, GlobalGAP...) trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản. Ngoài ra, huyện tập trung thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư các cơ sở nghiên cứu ứng dụng, trình diễn, chuyển giao cũng như tổ chức sản xuất các sản phẩm công nghệ cao...
Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Sông Mã đang tạo bước đột phá, góp phần thay đổi phương thức sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn, hữu cơ, VietGAP. Các vùng chuyên canh cây ăn quả có giá trị kinh tế, phù hợp đã được hình thành, tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu và có khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của huyện vùng biên giới.