Bộ trưởng Lê Minh Hoan tại buổi tiếp đón bà Ngozi Okonjo-Iweala - Tổng Giám đốc Thương mại thế giới (WTO)
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ sự cảm kích tới bà Ngozi Okonjo-Iweala và các thành viên đoàn đã không ngại thời tiết tại Hà Nội đang cao điểm nắng nóng đến thăm và làm việc với Bộ NN&PTNT. Bộ trưởng cho biết, từ khi gia nhập WTO, Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định quan điểm WTO là hòn đá tảng, cơ sở luật lệ cho các thỏa thuận trong tương lai. WTO đóng một vai trò quan trọng trong việc đem lại công bằng cho thực thi hệ thống luật lệ thương mại quốc tế, diễn đàn đàm phám thương mại, đảm bảo cho tăng trưởng và thương mại công bằng.
Sau 16 năm Việt Nam gia nhập WTO, Việt Nam đã có những bước tiến dài trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu. Đặc biệt với ngành nông nghiệp, Việt Nam đã đàm phán thành công một số Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, UKFTA… đây là những Hiệp định thế hệ mới, với yêu cầu cam kết tham vọng, tiêu chuẩn cao và toàn diện. Tuy nhiên, ngoài những thuận lợi thì Chính phủ Việt Nam cũng như Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT quan ngại sâu sắc trước tình trạng áp dụng các khoản hỗ trợ trong nước có tính bóp méo thương mại và sản xuất nông nghiệp ngày càng tăng trên phạm vi toàn cầu hiện nay. Vì vậy, Bộ NN&PTNT kêu gọi các thành viên WTO tiếp tục trao đổi vấn đề này tại các hội nghị Bộ trưởng WTO trong thời gian tới nhằm giải quyết vấn đề này. Đảm bảo thương mại thông suốt, công bằng chính là một trong những giải pháp quan trokng để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng mong muốn các Bộ trưởng trong khối WTO chỉ đạo, thúc đẩy tiến trình các đàm phán, đưa ra các sáng kiến, có những chia sẻ hợp lý, phương thức tiếp cận linh hoạt, khả thi để có thể đạt được một kết quả cân bằng, phù hợp, đáp ứng các nhu cầu khác nhau của các thành viên trong thời gian tới.
Bà Ngozi Okonjo Iweala - Tổng giám đốc WTO (giữa)
Bà Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá cao sự phát triển vượt bậc của Việt Nam trong những năm vừa qua, đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVIT-19 mặc dù diễn biến rất phức tạp nhưng Việt Nam đã vượt qua mà không hề có biến động lớn. Về mặt nông nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng đã rất nỗ lực để vượt qua đợt dịch bệnh kéo dài nhiều trở ngại, dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng, nhiều mặt hàng chủ lực ngành nông nghiệp xuất khẩu sang các nước lớn có được con số rất ấn tượng, đặc biệt là lĩnh vực lúa gạo Việt Nam hiện đang đứng ở vị trí thứ 3 thế giới về xuất khẩu, góp phần rất lớn để đảm bảo nguồn an ninh lương thực toàn cầu khi đại dịch diễn ra.
Đối với vấn đề rào cản thương mại, bà Ngozi Okonjo Iweala cho biết hiện nay không chỉ Việt Nam mà rất nhiều thành viên WTO là những nước đang phát triển cũng đều than phiền về vấn đề này, mặc dù chúng ta đã đưa ra đàm phán rất nhiều về các hiệp định tự do như các cam kết giảm thuế… tuy nhiên cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa khi các nước phát triển đặt ra quá nhiều rào cản thương mại dẫn đến nhiều hạn chế xuất khẩu cho các nước.
Trong cuộc gặp lần này, bà Ngozi Okonjo-Iweala cũng bày tỏ mong muốn phía Bộ NN&PTNT sớm phê chuẩn Hiệp định về Trợ cấp thủy sản, hiện nay có Hoa Kỳ, Canada và một số nước đã phê chuẩn xong. Việt Nam nằm trong top 20 nước có thương mại lớn và phát triển nhanh trên toàn cầu, do vậy nếu Hiệp định Trợ cấp thủy sản được phê chuẩn thì đây cũng là một công cụ hữu ích giúp Việt Nam xử lý một số vấn đề liên quan đến IUU.
Bộ trưởng Lê Minh HOan tặng quà lưu niệm cho bà Ngozi Okonjo-Iweala
Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, với những thành tựu đã đạt được của ngành nông nghiệp trong những năm qua, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong những năm tiếp theo để có những bước tiến vượt bậc, góp phần thúc đẩy nguồn lương thực toàn cầu được tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu cao hơn thì Bộ NN&PTNT cũng mong muốn WTO quan tâm hỗ trợ, chủ động và cởi mở hơn nữa trong các chương trình đàm phán, hợp tác kết nối với các nước khác. Đồng thời cử thêm các cán bộ nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam trong thời gian tới như các vấn đề về SPS, thủy sản, nông nghiệp... ủng hộ về mặt hỗ trợ tài chính, kỹ thuật giúp Việt Nam nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, tiếp tục đóng góp thiết thực vào các hoạt động của WTO.
Bộ trưởng tin tưởng rằng trên cương vị Tổng giám đốc TWO hiện nay, bà Ngozi Okonjo-Iweala sẽ đóng vai trò quan trong và tích cực làm cầu nối thúc đẩy hợp tác nông nghiệp và thương mại nông lâm thủy sản toàn cầu trong bối cảnh hiện nay.
MH (mard.gov.vn)