Cuộc cách mạng 5 giảm của Điền Ma Ma
Cách đây khoảng 30 năm, khi Đài Loan bắt đầu chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp và từ công nghiệp sang dịch vụ, cũng giống Việt Nam, tại các vùng quê nông thôn chỉ còn lại người già và trẻ em.
Bà Khâu Tường Linh (Shiny), Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Nông trại du lịch Đài Loan chia sẻ, thời đó, nông thôn Đài Loan rất nghèo, cuộc sống của người dân chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp.
Tuy nhiên, các vùng nông thôn Đài Loan ngày ấy cũng chính là nơi sản sinh ra rất nhiều nhân tài, lãnh đạo cho hòn đảo, điển hình có ông Trần Thủy Biển, Tổng thống 2 nhiệm kỳ (từ năm 2000 đến năm 2008 - phóng viên) của Đài Loan có bố mẹ làm nghề trồng rau.
Lúc bấy giờ, nhằm tập hợp các bà mẹ sống ở các vùng nông thôn lại với nhau để tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập, Chính phủ Đài Loan và Ủy ban Nông nghiệp đã ban hành chương trình và chứng nhận Điền Ma Ma.
Khá tương đồng Việt Nam, các bà mẹ ở Đài Loan dù nấu ăn rất giỏi, nhưng lại thiếu kỹ năng về dinh dưỡng, trình bày và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lúc này, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan đã thành lập đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tập hợp và đào tạo cho các bà mẹ sống ở các vùng nông thôn các kiến thức về dinh dưỡng, nghệ thuật chế biến món ăn, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và tiến hành thi cấp chứng nhận Điền Ma Ma khi khóa học kết thúc.
Thay đổi đầu tiên mà Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan hướng tới trong chương trình Điền Ma Ma là cuộc cách mạng 5 giảm. Đó là giảm muối, giảm đường, giảm dầu mỡ, giảm nước tương trong quá trình chế biến món ăn và cuối cùng là giảm âm lượng để nói chuyện từ tốn trong bữa ăn.
Quả thực, suốt một tuần thưởng thức văn hóa ẩm thực tại Đài Loan từ miền Bắc tới miền Trung và miền Nam, đoàn chúng tôi nhận thấy các món ăn tại hòn đảo này lượng dầu mỡ giảm rõ rệt so với Trung Quốc đại lục.
Hiện Đài Loan đã xây dựng được trên 110 nhà hàng, quán ăn trên khắp hòn đảo đạt chứng nhận Điền Ma Ma. Các nhà hàng, quán ăn này đều gắn bó mật thiết với nông sản, sản vật vùng miền sở tại của Đài Loan.
Chúng tôi may mắn có dịp được thưởng thức hải sản và món cá sữa nổi tiếng tại Nhà hàng Hải Vị Ốc nằm ở Trường Doanh, TP Đài Nam. Đây chính là một trong 110 nhà hàng được cấp chứng nhận Điền Ma Ma hiện do hai mẹ con người địa phương làm chủ.
Trong quá trình xem video giới thiệu về các hải sản địa phương trên màn hình tivi đặt trong nhà hàng, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi được biết, ngoài chứng nhận Điền Ma Ma, Nhà hàng Hải Vị Ốc còn vinh dự được giới thiệu và đề xuất bởi Michelin Guide nổi tiếng thế giới.
Đúng như mục đích ban đầu của chương trình Điền Ma Ma, Nhà hàng Hải Vị Ốc chuyên bán các món ăn chế biến từ hải sản gắn liền với vùng biển Đài Nam, trong đó có món “tủ” là cá sữa Trường Doanh và quả thực các món ăn ở đây ngon và độc đáo không thể chê vào đâu được.
Khác với Hải Vị Ốc chuyên về hải sản, một số nhà hàng đạt chứng nhận Điền Ma Ma khác lại có các món ăn thế mạnh gắn với nơi nhà hàng tọa lạc. Trong đó, có nhà hàng chuyên về món bánh làm từ củ ấu, món canh chế biến từ quả lê hay từ một loại nông sản đặc thù của địa phương.
Tất cả tạo nên một bức tranh các nhà hàng Điền Ma Ma trên khắp lãnh thổ Đài Loan đa dạng sắc màu không nơi nào giống nơi nào. Và chính những nhà hàng Điền Ma Ma này luôn nằm ở vị trí đầu tiên để giới thiệu, quảng bá với du khách trong mỗi chuyến du lịch nông nghiệp tại các vùng quê của Đài Loan.
Bếp Quê Nhà
Người Đài Loan quan niệm, nông sản phải ăn lúc chúng ngon nhất, đạt độ chín và độ trưởng thành nhất. Tiếp đến là thời gian từ lúc thu hái, giết mổ tới lúc chế biến càng rút ngắn nông sản, thực phẩm càng giữ được hương vị, chất lượng thơm ngon, giảm phát thải ô nhiễm cho môi trường
Bà Khâu Tường Linh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Phát triển Nông trại du lịch Đài Loan chia sẻ, ở Việt Nam có câu nói rất hay là "ngon như sầu rụng”, ý chỉ quả sầu riêng ngon nhất là chín trên cây hay vừa rụng xuống gốc.
Nhưng vì khoảng cách địa lý và sản xuất hàng hóa quy mô lớn nên nông dân Việt Nam buộc phải thu hoạch trái sầu riêng khi nó chưa chín hẳn để quá trình vận chuyển đến tay người tiêu dùng Đài Loan, Trung Quốc trái sầu chín dần là vừa nên chất lượng khó có thể sánh được trái sầu riêng chín rụng tại gốc.
Đó là lí do Chính phủ, Ủy ban Nông nghiệp Đài Loan tiếp tục cho ra đời chứng chỉ Bếp Quê Nhà nhằm hỗ trợ, khuyến khích việc tiêu thụ ngay tại chỗ các nông sản của địa phương gắn với phát triển du lịch nông nghiệp.
Việc làm này như một mũi tên trúng hai đích, một mặt giúp nông dân địa phương tiêu thụ được nông sản và phát triển du lịch, mặt khác giúp du khách được thưởng thức nông sản ở điểm rơi chất lượng ngon nhất.
Có một điểm chung là hầu hết các nông trại du lịch ở Đài Loan đều có khu vực chế biến món ăn hoặc cung cấp đồ ăn. Để thu hút và tạo cảm giác thoải mái cho du khách, các khu du lịch nông nghiệp hầu như không thu vé trực tiếp khách tham quan mà sẽ được ẩn vào combo các món ăn, đặc sản, quà tặng, đồ uống gắn liền với sản vật địa phương.
Chi 350 Đài tệ (khoảng 270.000 VNĐ), chúng tôi và du khách sẽ được trải nghiệm tham quan khu vực nuôi hàu với 500 bè của gia đình ông Lâm Minh Đức ở TP Đài Nam.
Với số tiền này, chúng tôi được đi tàu ra một cồn cát nhỏ để chụp ảnh check-in cả đi cả về khoảng 1 giờ đồng hồ. Được tới tận nơi đang nuôi hàu và xem ông chủ quăng chài bắt cá giải trí cho du khách.
Quá trình ngồi trên tàu, du khách được hướng dẫn viên du lịch chia sẻ mẹo làm sao để mua được cua chất lượng cùng các câu chuyện cười được lồng ghép vào vô cùng hóm hỉnh.
Kết thúc hành trình, du khách sẽ được thưởng thức hàu nướng từ chính trang trại thỏa thích đến no theo kiểu buffet. Nhờ chương trình Bếp Quế Nhà này đã giúp gia đình ông Lâm Minh Đức mỗi năm tiêu thụ được 30% sản lượng hàu sản xuất ra của trang trại.
Nếu như trang trại của ông Lâm Minh Đức ở TP Đài Nam khi mua vé được thưởng thức buffet hàu miễn phí thì tại Trang trại hoa Tài Phúc ở núi Dương Minh, TP Đài Bắc, bỏ ra 390 Đài tệ, du khách sẽ được trải nghiệm mặc đồ bảo hộ đi hái hoa loa kèn.
Ông Lô Chí Minh, chủ trang trại hoa Tài Phúc chia sẻ, với combo 390 Đài tệ, du khách còn được thưởng thức tách cà phê hay ly nước hoa quả, một set đồ ăn nhẹ, được hướng dẫn nghệ thuật cắm hoa, được chụp hình checkin và đặc biệt mỗi người sẽ được mang 6 bông hoa về nhà.
Theo ông Minh, với cách làm này sẽ giúp du khách từ trang trại về luôn trong tâm trạng rất vui vẻ bởi vừa được ăn, được uống, được chụp ảnh, được trải nghiệm mà lại có cả hoa mang về nhà để thực hành kiến thức cắm hoa vừa học được xong.
Vui vẻ, dễ chịu, thoải mái, chân thành là cảm giác chung mà đoàn chúng tôi cũng như đại bộ phận du khách cảm nhận được trong quá trình trải nghiệm triết lý nông nghiệp du lịch Đài Loan.