Nơi dẫn dắt nông nghiệp công nghệ cao cả nước

Bình luận · 260 Lượt xem

TP.HCM Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM là mô hình đầu tiên trên cả nước đã phát huy vai trò trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ nông nghiệp đô thị.

Khu nông nghiệp công nghệ cao tiên phong

Trong bối cảnh đô thị hóa, đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, TP.HCM xác định phát triển nông nghiệp đô thị, ứng dụng khoa học công nghệ là hướng đi tất yếu. 

Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật phục vụ công tác nhân giống tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật phục vụ công tác nhân giống tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dù nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của TP.HCM, nhưng lãnh đạo Thành phố cũng đã có những chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là chương trình nằm trong đề án kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Một trong những giải pháp quan trọng là ứng dụng về khoa học công nghệ, đẩy mạnh tổ chức thực hiện các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ cho TP.HCM và các tỉnh, thành.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM là đơn vị hình thành đầu tiên trong cả nước theo quyết định thành lập từ năm 2004 và bắt đầu quá trình xây dựng, hình thành và đi vào hoạt động từ năm 2010 với diện tích trên 88ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi từ nguồn ngân sách Thành phố. Nơi đây có 4 trung tâm trực thuộc gồm Trung tâm Ươm tạo doanh nghiệp Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao; Trung tâm Khai thác hạ tầng và Trung tâm Dạy nghề Nông nghiệp công nghệ cao.

Sau khi Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM được hình thành, nhiều địa phương khác cũng bắt đầu hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như ở Phú Yên, Bạc Liêu, Đắk Nông, An Giang, Đồng Tháp...

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan, học tập và chuyển giao khoa học công nghệ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM thường xuyên đón các đoàn khách đến tham quan, học tập và chuyển giao khoa học công nghệ. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Trong quá trình xây dựng, hình thành và phát triển, nơi đây đã tạo bước đột phá, phục vụ cho nông nghiệp TP.HCM, là trung tâm sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, an toàn của khu vực, bảo vệ môi trường và đáp ứng tốt hơn nhu cầu về rau sạch, hoa tươi, cá kiểng, sữa bò của thị trường và gắn với phát triển du lịch mang đặc trưng của Thành phố.

Nơi đây đã trở thành đơn vị tiên phong trong việc thực hiện chức năng hỗ trợ, tác động, dẫn dắt nền nông nghiệp của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả sinh thái ổn định và bền vững, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM có 4 chức năng chính gồm: Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho TP.HCM và các tỉnh; đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho nông nghiệp công nghệ cao trong giai đoạn hiện nay và thực hiện theo Nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông thôn, nông dân; tác động, hỗ trợ, hình thành một chuỗi khu nông nghiệp cao trong khu vực phía Nam cũng như cả nước; ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong tình hình hiện nay, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong đô thị.

Mỗi năm, phòng thí nghiệm của Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM có thể đáp ứng từ 1 - 2 triệu cây giống các loại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mỗi năm, phòng thí nghiệm của Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM có thể đáp ứng từ 1 - 2 triệu cây giống các loại. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nơi đây cũng thu hút và quy tụ các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư về công nghệ cao trong nông nghiệp theo hướng nền nông nghiệp đô thị. 

Các hoạt động khoa học và công nghệ được nghiên cứu triển khai tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao thực hiện, đã và đang tập trung các hoạt động nghiên cứu, xây dựng, triển khai và hoàn thiện công nghệ lai tạo và thử nghiệm giống mới; trình diễn các mô hình sản xuất nông nghiệp trong các lĩnh vực rau, hoa lan, cây cảnh, cây dược liệu và giống sinh vật cảnh, giống nấm trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, từ đó góp phần hoàn thiện quy trình công nghệ nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, an toàn vệ sinh thực phẩm...

Nhân giống cây lan tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Nhân giống cây lan tại phòng thí nghiệm. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Dẫn chúng tôi tham quan phòng thí nghiệm nuôi cấy mô tế bào thực vật phục vụ cho công tác nhân giống, ông Lê Văn Cửa, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết, phòng thí nghiệm thực hiện các bước trong quy trình nhân giống với phương pháp công nghệ sinh học cấy mô. Cây giống được nghiên cứu, chọn lọc và lai tạo cũng như nhân với một hệ số nhanh để đáp ứng mục đích phục vụ cho sản xuất nông nghiệp TP.HCM nói riêng và các tỉnh trong khu vực nói chung.

Theo ông Cửa, với nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm này, mỗi năm có thể đáp ứng từ 1 - 2 triệu cây giống các loại. “Chúng tôi đang có một đề án phát triển có thể đáp ứng từ 5 triệu cây trở lên”, ông Cửa chia sẻ.

Về cung cấp hạt giống, ông Cửa cho biết cùng với các doanh nghiệp tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM, nơi đây có thể cung cấp 6 tấn hạt giống các loại mỗi năm. Ngoài ra, còn cung cấp các chế phẩm sinh học cũng như các loại nấm ăn, nấm dược liệu và các bịch phôi (khoảng 600.000 đến 1 triệu bịch phôi), các loại giống cá cảnh, giống tôm.

Mô hình trồng nấm linh chi tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mô hình trồng nấm linh chi tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đặt mục tiêu năm 2023 cơ bản hoàn thành các khu nông nghiệp công nghệ cao và đưa vào sử dụng gồm: Dự án xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ với diện tích hơn 85ha; Dự án mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu thêm hơn 23ha tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; Dự án đầu tư Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành chăn nuôi 200ha tại huyện Bình Chánh và mở rộng Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành trồng trọt 200ha tại huyện Củ Chi.

Trong đó, đặt mục tiêu tỷ lệ ứng dụng các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ, đề tài sản xuất thử nghiệm trên 60% tổng số lượng đề tài nghiên cứu đã được phê duyệt. Đẩy mạnh hoạt động chuyển giao công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế từ 3 - 5 tỉ đồng/năm.

Chuyển giao công nghệ cho hơn 65 đơn vị/năm

Một trong những mô hình thành công được Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân trên địa bàn cũng như các tỉnh thành khác là mô hình trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu. Với mô hình này, đơn vị sẽ tư vấn, thiết kế, trực tiếp hướng dẫn triển khai kiểu nhà màng, hệ thống tưới, gieo hạt, chăm sóc cho đến thu hoạch. Với mô hình này, năng suất mỗi ngày có thể thu hoạch 100 - 150kg rau trên diện tích 1.000m2.

Mô hình trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu đã được Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Mô hình trồng rau ăn lá thủy canh hoàn lưu đã được Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân trên địa bàn TP.HCM cũng như các tỉnh thành khác. Ảnh: Nguyễn Thủy.

“Với hệ thống thủy canh hoàn lưu tuần hoàn, dinh dưỡng sẽ được pha trực tiếp trong bồn, sau đó cung cấp trực tiếp cho ống tưới tuần hoàn, cuối đường ống nước sẽ có hệ thống thu hồi lại vào trong bể. Do đó, dinh dưỡng và nước không bị thất thoát, không bị thải ra môi trường trong quá trình chăm sóc, qua đó tận dụng được dinh dưỡng và nước tưới cho cây nên không làm ô nhiễm môi trường”, ông Hoàng Đắc Hiệt, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao (Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM) cho hay.

Ông Hiệt cũng cho biết, đơn vị đang hợp tác chuyển giao về mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ở Cần Giờ với năng suất hàng năm đạt khoảng 40 - 60 tấn/diện tích 500m2. Ngoài chuyển giao khoa học công nghệ cho các đơn vị, cá nhân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM, Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cũng chuyển giao cho các tỉnh như Phú Yên, Bạc Liêu, Hậu Giang Đồng Tháp, Lâm Đồng, Đắc Nông, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre…

“Hàng năm, chúng tôi chuyển giao các mô hình sản xuất tự động hóa và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý quy trình sản xuất cho hơn 65 doanh nghiệp và các tổ chức ở các tỉnh phía Nam cũng như phía Bắc”, ông Lê Văn Cửa, Phó trưởng ban Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM cho biết.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ các giống dưa lưới và đang tiến hành khảo nghiệm giống khổ qua (mướp đắng) để được công nhận là giống quốc gia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM đã nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ các giống dưa lưới và đang tiến hành khảo nghiệm giống khổ qua (mướp đắng) để được công nhận là giống quốc gia. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Bình luận