Nông nghiệp hữu cơ là xu thế của thế giới
Ngày 25/8, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng và các đơn vị tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề "Phát triển nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn gắn với bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học".
Diễn đàn nhằm nắm bắt thông tin, vấn đề liên quan tới phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, phân tích những khó khăn vướng mắc để có giải pháp phát triển bền vững.
Diễn đàn có sự tham gia của lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đơn vị, địa phương và đông đảo người dân, doanh nghiệp các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2022, thế giới có gần 200 quốc gia phát triển sản phẩm nông nghiệp hữu cơ với tổng diện tích khoảng trên 71 triệu ha, tương đương 1,5% tổng diện tích canh tác và tổng doanh thu khoảng trên 110 tỷ Euro.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 500 nghìn ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cả nước hiện có khoảng 100 công ty tham gia sản xuất nông nghiệp hữu cơ và kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm này đạt khoảng gần 340 triệu USD/năm. Các sản phẩm chủ yếu bao gồm gạo, tôm, dừa, cà phê, sữa, trà, trái cây...
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn đã góp phần quan trọng bảo vệ môi trường do không sử dụng các loại hoá chất độc hại. Nông nghiệp hữu cơ cũng góp phần giảm thiểu sự tác động của biến đổi khí hậu do áp dụng các biện pháp canh tác bền vững. Ngoài ra còn đảm bảo độ phì nhiêu cho đất, giảm ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ sự sống của các loài động vật hoang dã… Đặc biệt, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ có chất lượng cao hơn, tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh đi đầu trong việc xây dựng chương trình phát triển nông nghiệp hữu cơ. Ông Trần Văn Tuận, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng cho biết, nông nghiệp hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, lợi thế. Từ năm 2020, địa phương đã triển khai đề án nông nghiệp hữu cơ trên cả trồng trọt và chăn nuôi.
Đến nay, sau 2 năm triển khai đề án, địa phương đã xác định được trên 170 vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ và xây dựng, ban hành tạm thời 17 quy trình sản xuất. Đồng thời xây dựng 14 mô hình sản xuất hữu cơ như cà phê, lúa, mắc ca, các loại rau, chăn nuôi gà…
“Lâm Đồng đã thực hiện hỗ trợ cấp 13 giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ với tổng diện tích khoảng 63ha. Ngoài ra, các đơn vị, cá nhân sản xuất tự nhân rộng đã được cấp 22 giấy với tổng diện tích 1,3 nghìn ha. Nông nghiệp hữu cơ đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ môi trường và nâng cao gía trị cho sản phẩm. Các mô hình nông nghiệp hữu cơ ở địa phương đã góp phần thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất và có sự lan toả lớn trong cộng đồng”, ông Trần Văn Tuận chia sẻ.
Tại diễn đàn, ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN-PTNT) cho hay, nông nghiệp hữu cơ gắn với nông nghiệp tuần hoàn và đây là vấn đề quan trọng trong việc phát triển kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững. Theo ông Duy, nước ta hiện có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp hữu cơ để xuất khẩu và hàng trăm doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ thị trường trong nước.
"Nông nghiệp hữu cơ đang được xác định là xu thế phát triển và sẽ phát triển nhanh do đảm bảo cung cấp các sản phẩm tốt cho sức khoẻ. Bên cạnh phát triển sản xuất hữu cơ, việc sử dụng có hiệu quả các phế phụ phẩm nông nghiệp cũng góp phần bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường, nâng cao giá trị gia tăng, nâng cao thương hiệu", ông Duy nhấn mạnh.
Không chộp giật, chạy theo phong trào
Nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đang là xu thế với nhiều lợi ích, tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Duy, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, ở nước ta, các đơn vị, doanh nghiệp làm hữu cơ vẫn còn gặp những vướng mắc khi nhiều người chưa hình dung hết các vấn đề về nông nghiệp hữu cơ, ít biết về các quy định.
Về vấn đề này, ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho biết, việc sản xuất hữu cơ cần tuân thủ 4 nguyên tắc. Trong đó bao gồm nguyên tắc về sức khoẻ, sinh thái, sự công bằng và nguyên tắc về sự cẩn trọng. 4 nguyên tắc này là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ và cũng là sự xuyên suốt cho nền nông nghiệp hữu cơ trên thế giới.
Ông Mịch cũng đưa ra một số định hướng giành cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, tiêu thụ và sử dụng sản phẩm hữu cơ. Theo đó, người sản xuất cần phải định hướng rõ thị trường tiêu thụ sản phẩm vì mỗi thị trường đều có các yêu cầu về tiêu chuẩn hữu cơ riêng. Các tổ chức chứng nhận cũng phải nâng cao trình độ, hiểu biết về chứng nhận hữu cơ và đặc biệt giữ vững chữ “tâm” với nghề để đảm bảo chứng nhận đúng, đủ các nguyên tắc của tiêu chuẩn hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch…
Tại diễn đàn, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn là xu thế của thế giới. Đây là phương thức sản xuất tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giá trị cao và dành cho những thị trường chất lượng cao. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cần phải tuân thủ các quy trình, nguyên tắc, phải đảm bảo sự minh bạch trong tất cả các khâu.