Quản lý chất lượng nông sản: Minh bạch nguồn gốc sản phẩm
Triển khai thực hiện các quy định về thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ NNPTNT, thời gian qua, ngành nông nghiệp Thủ đô cũng như các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động, mang lại hiệu quả đáng ghi nhận.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Anh - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì chia sẻ: Trên địa bàn có hơn 1.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Việc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm giúp các ngành chức năng quản lý được nguồn gốc các loại nguyên liệu, phụ gia thực phẩm tại cơ sở kinh doanh và kịp thời xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Theo Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ cao An Sinh (huyện Gia Lâm) Đoàn Duy Phương, công ty đang cung ứng các loại củ, quả, thịt gia súc, gia cầm cho bếp ăn tập thể, trường học, bệnh viện... Việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm giúp công ty minh bạch thông tin sản phẩm với người tiêu dùng.
Chia sẻ với PV Báo NTNN, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, ngành nông nghiệp Hà Nội đã rà soát, thống kê các cơ sở thuộc thẩm quyền quản lý, lập danh sách 14.033 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản.
Quản lý chất lượng nông sản: Kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn thành phố rất lớn, nhưng quy mô nhỏ lẻ, thường xuyên biến động, nguồn lực phát triển còn hạn chế, trình độ quản lý thấp... Một bộ phận chủ cơ sở chưa có ý thức về bảo vệ sức khỏe cộng đồng, chạy theo lợi ích trước mắt dẫn đến các hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Góp ý thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Ngọc San - chủ cơ sở kinh doanh thực phẩm sạch CleverGood (quận Cầu Giấy) cho biết: tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các loại thực phẩm, đặc biệt là sản phẩm chế biến, phối chế, hỗn hợp… còn chưa rõ ràng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh khó áp dụng và tuân thủ. Do đó, bên cạnh việc chủ cơ sở chấp hành các quy định về nhãn mác hàng hóa, bảo đảm đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm. Cơ quan chức năng cũng cần sửa đổi, bổ sung, ban hành danh mục, chỉ tiêu hóa chất kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật... đối với sản phẩm nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì - Đỗ Quang Trung cho biết, trên địa bàn huyện có 2.207 cơ sở sản xuất, kinh doanh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ… Thời gian tới, huyện Ba Vì sẽ đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp bảo đảm an toàn trong sản xuất và chế biến thực phẩm; đồng thời thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất trong việc chấp hành các quy định về nguồn gốc hàng hóa và thúc đẩy việc cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.
Để quản lý chất lượng nông sản trên thị trường, Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn thông tin: Ngành nông nghiệp tiếp tục phối hợp với các địa phương hướng dẫn các thủ tục cần thiết để được cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản; đồng thời, mở các lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ các trang trại, cơ sở kinh doanh nông sản. Mặt khác, Sở NNPTNT sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố thường xuyên kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất nông sản trên địa bàn, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết, qua đó minh bạch thông tin sản phẩm, tạo sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.
(Danviet)