Trung Quốc hồi sinh làng ‘Liên hợp quốc’ bằng hệ thống di sản nông nghiệp

Bình luận · 101 Lượt xem

Bằng cách khai thác hệ thống di sản nông nghiệp độc đáo, làng Longxian, hay còn gọi là ‘làng Liên hợp quốc’ đang dần hồi sinh.

Một góc của ngôi làng 'Liên hợp quốc' Longxian. 

Một góc của ngôi làng "Liên hợp quốc" Longxian. 

Ngôi làng nằm tại Huyện Thanh Điền, phía Đông tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc không chỉ nổi tiếng là quê hương của nhiều Hoa kiều mà còn được biết đến với mô hình xen canh lúa - cá.

Ngay khi bước chân tới cổng làng, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy hầu như trước cửa mọi nhà đều treo quốc kỳ của đất nước mà gia đình có Hoa kiều đang sinh sống bên cạnh quốc kỳ Trung Quốc.

Trên các bức tường của những ngôi nhà tại đây đều được trang trí bằng những tấm biển ghi "quê hương của Hoa kiều", liệt kê tên của các thành viên gia đình đã ra nước ngoài, nước cư trú hiện tại, năm di cư và nghề nghiệp tương ứng của họ.

Vô số lá cờ, giống như một Liên hợp quốc thu nhỏ, không chỉ thể hiện hành trình gian khổ của những người di cư khỏi làng trong những năm đầu tiên mà còn cho thấy một cuộc sống hoàn toàn mới giờ đây đã mở ra trước mắt những người dân khi họ cống hiến hết mình cho hệ thống xen canh lúa - cá.

Hệ thống này có tiềm năng lớn trong nỗ lực tăng cường an ninh lương thực và xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn. Mô hình đã được Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) liệt kê trong Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS) vào năm 2005.

Dân làng Longxian hiện đang chuẩn bị thả hàng ngàn con cá giống xuống ruộng lúa vào tháng 6 này.

Ngày nay, làng Longxian giống như một thế giới của nghề cá. Ao và ruộng nằm rải rác khắp nơi, và cá được nuôi ở nhiều độ sâu khác nhau.

Diện tích chuyên canh lúa - cá của thôn là khoảng 33 ha, sản lượng cá mỗi mẫu hiện đạt gần 1.65 tấn. 

Mô hình lúa - cá của làng Longxian được liệt kê trong Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS) của FAO vào năm 2005.

Mô hình lúa - cá của làng Longxian được liệt kê trong Hệ thống Di sản Nông nghiệp Quan trọng Toàn cầu (GIAHS) của FAO vào năm 2005.

Với sự hỗ trợ của ngành công nghiệp, người dân trong làng nhận thấy thu nhập của họ đang ngày càng tăng. "Danh tiếng của chúng tôi đã tăng lên, mọi người từ khắp nơi trong nước và thậm chí cả nước ngoài đã đến thăm làng của chúng tôi", Wu Lizhen, cho biết. Bà cùng chồng kiếm sống tại làng Longxian bằng nghề nuôi cá, làm cá khô và kinh doanh farmstay - loại hình cho thuê đất trang trại dùng để du lịch nghỉ dưỡng và sản xuất nông nghiệp.

Trong vòng vài năm, họ đã xây được một căn biệt thự nhỏ, mua một chiếc xe hơi, thậm chí còn mua một căn hộ khác ở trung tâm. Họ có thể kiếm được nhiều nhất là hơn 1 triệu nhân dân tệ (khoảng 141.300 đô la Mỹ) mỗi năm.

Wu Yongqiang, một dân làng ngoài 50 tuổi, mở khách sạn đầu tiên trong làng vào năm 2019.

"Ngày nay, nhiều khách du lịch đến làng của chúng tôi để tham quan và nghỉ dưỡng. Các món ăn như cá đồng kho tộ và bún xào cá khô ở nhà hàng của chúng tôi rất được ưa chuộng", Wu Yongqiang, ước tính thu nhập hàng năm từ kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ kết hợp nông nghiệp đạt 350.000 nhân dân tệ.

Trong những năm gần đây, ngôi làng đã tận dụng thêm các nguồn tài nguyên văn hóa của mình bằng cách thành lập các khu nghiên cứu và học tập, phòng triển lãm và nhà nghỉ chất lượng cao.

Điều này đã thúc đẩy hiệu quả sự hội nhập sâu rộng giữa nông nghiệp, văn hóa, thương mại và du lịch, nâng cao đáng kể thu nhập cho người nông dân.

Một liên minh cho ngành công nghiệp xen canh lúa - cá tại làng đã được thành lập. Họ cung cấp bao bì và giá đỡ đồng bộ cho các sản phẩm gạo của nông dân và cung cấp dịch vụ bán hàng tự phục vụ 24 giờ. Khách du lịch chỉ cần quét mã QR và thanh toán để nhận sản phẩm.

"Vào mùa bán hàng cao điểm, chúng tôi giúp nông dân bán khoảng 5.000 kg gạo mỗi tuần. Năm ngoái, liên minh đã giúp hơn 80 hộ gia đình tăng thu nhập tổng cộng hơn 2 triệu nhân dân tệ", Wu Liqun, Bí thư Đảng ủy của làng Longxian cho biết. .

"Trước đây, chúng tôi rời núi và mạo hiểm ra thế giới để kiếm sống. Trong những năm gần đây, chúng tôi đã khai thác các nguồn di sản nông nghiệp độc đáo. Dân làng trở nên giàu có hơn. Nhiều người di cư đã chọn hồi hương để làm ăn và sinh sống", ông nói.  

Bình luận