Góp vốn kinh doanh đa dịch vụ
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp – Thủy sản Toàn Phát có trụ sở chính tại ấp Thạnh Đông, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) hiện có 44 thành viên, vốn điều lệ 470 triệu đồng, kinh doanh đa dịch vụ để phục vụ xã viên và bà con nông dân trong vùng. Đây là số vốn điều lệ khá lớn so với đa số HTX nông nghiệp trên địa bàn hiện nay.
Ông Dương Thanh Toàn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp – Thủy sản Toàn Phát cho biết, mục tiêu của HTX là góp vốn sản xuất kinh doanh. "Với số vốn điều lệ hiện nay là 470 triệu đồng, tuy là lớn so với những HTX ở địa phương nhưng chưa thấm tháp vào đâu do chúng tôi sản xuất kinh doanh tôm giống, thức ăn nuôi tôm và thu mua tôm. Do đó, chúng tôi vẫn đang tiếp tục kêu gọi, huy động thêm nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển đa dịch vụ".
Huyện Vĩnh Thuận có thế mạnh về sản xuất luân canh tôm – lúa, nông dân nuôi cả tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và cua biển nên HTX Dịch vụ Nông nghiệp – Thủy sản Toàn Phát đã chọn hướng kinh doanh đa dịch vụ, đáp ứng tốt nhu cầu xã viên và bà con nông dân.
Giám đốc Dương Thanh Toàn cho biết, giống thủy sản đơn vị cung cấp gồm tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và cua biển; lĩnh vực nuôi trồng có thuốc thú y thủy sản, các chất xử lý môi trường nuôi tôm, thức ăn nuôi tôm quảng canh cũng như nuôi tôm công nghiệp. Ngoài ra, HTX còn kinh doanh lúa gạo, cung cấp gạo chất lượng cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng hằng ngày của người dân.
“Triết lý kinh doanh của HTX là mua tận gốc không qua khâu trung gian, đảm bảo lượng và bán ra với cả cả hợp lý, có ưu đãi cho xã viên. Chẳng hạn sản phẩm xử lý môi trường nuôi tôm thị trường đang bán giá 200.000 đồng/bao (gói) thì chúng tôi cung cấp chỉ 180.000 đồng. Hay gạo thơm chúng tôi bán ra hiện nay là 15.000 đồng/kg, rẻ hơn thị trường 1.000 đồng/kg. Nhiều mặt hàng kinh doanh khác cũng vậy”, Giám đốc Dương Thanh Toàn chia sẻ.
Giúp người nghèo thoát nghèo
Không chỉ chú trọng phát triển kinh doanh dịch vụ mà Giám đốc Dương Thanh Toàn còn thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội tại địa phương. Ông Nguyễn Thanh Trà, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Đông cho biết, toàn xã có diện tích tự nhiên 3.100ha, trong đó diện tích sản xuất nông nghiệp là 2.700ha, chủ yếu là mô hình tôm – lúa. Do tình hình biến đổi khí hậu, dịch bệnh bùng phát trên tôm nuôi nên cũng có nhiều hộ gặp khó khăn. Những hộ này được hỗ trợ tôm giống để tái sản xuất sau vụ nuôi thất bát là rất cần thết.
Ông Dương Thanh Toàn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp – Thủy sản Toàn Phát cho biết, đã đề nghị UBND xã rà soát danh sách hộ nghèo, khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ (khoảng 20 hộ).
“Điều kiện để xem xét giúp đỡ là có đất sản xuất và chí thú làm ăn. Chúng tôi sẽ hỗ trợ bằng cách cung cấp miễn phí tôm giống để thả nuôi và làm liên tục cho đến khi nào đủ điều kiện thoát nghèo thì mới ngưng. Việc làm này thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Hơn nữa, giúp cho người nghèo vươn lên thoát nghèo mình cũng cảm thấy rất hạnh phúc”, Giám đốc Dương Thanh Toàn chia sẻ.
Hiện nay, HTX Dịch vụ Nông nghiệp – Thủy sản Toàn Phát đang kinh doanh tôm giống do Công ty TNHH Giống Thủy sản Việt – Mỹ sản xuất, các chế phẩm như khoáng, vi sinh xử lý nước nuôi tôm, xử lý hữu cơ đáy ao… do Công ty TNHH Tôm Vàng (Bạc Liêu) cung cấp. Với hơn 6 năm cung cấp tôm giống phục vụ sản xuất cho bà con nông dân vùng Vĩnh Thuận (Kiên Giang), nông dân rất tin tưởng về chất lượng nên sẵn sàng chọn mua.